Hợp tác với TP.HCM

Bình Dương dự kiến chi gần 60.000 tỷ đồng làm đường sắt kết nối 6 đô thị

Nhật Hưng 14/08/2024 16:14

Ngày 13/8, Ban quản lý các công trình giao thông Bình Dương cho biết, đơn vị này đã phối hợp các sở, ngành địa phương và cơ quan chuyên môn của Bộ Giao thông Vận tải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng tuyến đường sắt Bàu Bàng - An Bình thuộc tuyến đường sắt TP.HCM - Lộc Ninh.

Tuyến đường sắt bắt đầu tại ga An Bình (TP. Dĩ An) và kết thúc tại ga Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng), với tổng chiều dài hơn 53km, chạy qua 5 thành phố của tỉnh Bình Dương như Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Bến Cát và huyện Bàu Bàng.

Tuyến đường này được quy hoạch thành đường đôi, có khổ đường 1.435mm và sử dụng hệ thống điện khí hóa.

Bình Dương dự kiến đầu tư gần 60.000 tỷ làm đường sắt Bàu Bàng - An Bình - 1
Đường sắt Bắc - Nam đoạn ga Dĩ An, Bình Dương

Dự án dự kiến sẽ được tài trợ bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hoặc thông qua hình thức đối tác công tư (PPP). Nếu công tác chuẩn bị diễn ra đúng tiến độ, dự án có thể sẽ được khởi công vào quý 2/2027 và hoàn thành vào năm 2030.

Tuyến đường sắt này dự kiến gồm 6 ga: An Bình, Bình Chuẩn, Bình Dương, Chánh Lưu, Tân Hưng, Bàu Bàng và 4 trạm khách gồm: Tân Bình, An Phú, Tân Vĩnh Hiệp, Hòa Lợi.

Dự kiến tổng mức đầu tư cho tuyến đường sắt này khoảng 59.560 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 21.294 tỷ đồng, chi phí xây dựng 16.415 tỷ đồng, chi phí thiết bị 8.001 tỷ đồng, các chi phí khác 13.850 tỷ đồng.

Trên cơ sở phương án đã lập, Ban quản lý dự án đã chuyển lấy ý kiến của Sở Giao thông Vận tải về quy mô, khái toán sơ bộ... của dự án trên làm cơ sở trình cấp thẩm quyền, xem xét, có ý kiến về quy mô, tuyến đường, khổ đường, phương thức đầu tư… Từ đó, triển khai công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Bình Dương dự kiến chi gần 60.000 tỷ đồng làm đường sắt kết nối 6 đô thị ảnh 1
Vị trí dự kiến ga đường sắt đi qua

Về hướng tuyến, vị trí ga tuyến đường sắt từ Bàu Bàng đến An Bình cơ bản cập nhật trên cơ sở tuyến đường sắt quốc gia TP.HCM - Lộc Ninh đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 19/10/2021 và quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt ngày 6/6/2013.

Tuy nhiên, hiện nay Cục Đường sắt Việt Nam đang lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM và chưa được phê duyệt. Do đó, Ban quản lý dự án và tư vấn đã hoàn chỉnh phương án theo quy hoạch được duyệt năm 2021 và hồ sơ quy hoạch được Cục Đường sắt cập nhật và đang trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Tỉnh Bình Dương có 4 huyện và 5 thành phố (Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát), là địa phương có nhiều thành phố nhất trong cả nước. Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất tại Việt Nam, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Kinh tế Bình Dương tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng, với cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp. Đặc biệt, Bình Dương là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Bình Dương tăng 6,19% so với cùng kỳ năm 2023. Ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 16,3 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ và nhập khẩu 11,5 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Tính đến ngày 30/6/2024, ước thu ngân sách được 35.478 tỷ đồng, đạt 55% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 12% so với cùng kỳ. Năm 2024, Bình Dương đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 8%.

Dự báo cuối năm 2024 và đầu năm 2025, kinh tế Bình Dương tiếp tục duy trì đà tăng trưởng vững chắc nhờ vào việc mở rộng các khu công nghiệp mới, cải thiện hạ tầng giao thông, và chính sách thu hút đầu tư hiệu quả. Tỉnh đang tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bình Dương dự kiến chi gần 60.000 tỷ đồng làm đường sắt kết nối 6 đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO