Biến số khối ngoại

HÀ LINH| 13/12/2013 06:23

Nhà đầu tư lo lắng giá gas sẽ tác động không tốt lên thị trường trong bối cảnh sức cầu chưa phục hồi mạnh.

Biến số khối ngoại

Nhà đầu tư lo lắng giá gas sẽ tác động không tốt lên thị trường trong bối cảnh sức cầu chưa phục hồi mạnh.

Đọc E-paper

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam mới bắt đầu phục hồi từ vùng đáy, giá gas tăng mạnh từ đầu tháng 12 dự báo sẽ tạo áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng của tháng cuối năm.

Thực ra lo ngại này đã diễn ra từ tháng 11, dù lạm phát dù được kiểm soát tốt, nhưng chỉ số tiêu dùng tăng đột biến trong 2 tháng đầu quý III chủ yếu do việc tăng giá của một số mặt hàng thiết yếu như giá điện, nước, dịch vụ y tế và giáo dục, thúc đẩy lạm phát tăng.

Một điểm đáng lưu ý nữa là sức cầu phục hồi chưa thực sự mạnh trong thời gian qua sẽ ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp, cũng như cản trở mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12%. Theo đó, nhà đầu tư cho đây sẽ là một rủi ro cần chú ý ở cuối năm.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu kinh tế và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, gas tăng giá được đánh giá tác động không nhỏ đến thị trường, ít nhất là những nhóm ngành liên quan. Theo đó, việc tăng giá gas cũng như đề xuất giảm thuế nhập khẩu gas từ 5% xuống 0% đã có tác động tốt đến nhóm cổ phiếu ngành khí.

"Được hưởng lợi nhiều nhất từ lần tăng giá gas lần này là các doanh nghiệp hoạt động theo chuỗi khép kín, đặc biệt là các công ty con của GAS, và doanh nghiệp trong mảng bán lẻ, có lợi thế thị trường, chính sách phân phối và chính sách khách hàng như CNG, PGS và PGD. Nhìn chung, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam cũng chỉ mới bắt đầu phục hồi dần từ vùng đáy, chúng tôi cho rằng các cổ phiếu ngành khí vẫn sẽ là nhóm ngành nổi trội và hấp dẫn để đầu tư”, ông Hoàng nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng, đây chỉ là một lý do khiến thị trường có chuyển biến vì hiện đang chịu rất nhiều thông tin tác động. Trong đó, thông tin mở rộng cho khối ngoại được đánh giá đặc biệt quan trọng.

Theo các nhà phân tích, mở room cho khối ngoại là một thông tin tích cực và sẽ có tác động mạnh đến thị trường chứng khoán, tăng thêm sức hút với dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Điều này trước hết sẽ có tác động tích cực đến những cổ phiếu đã hết room ngoại, trong số đó cũng có không ít cổ phiếu trụ cột, và từ đó sẽ có tác động tích cực lan tỏa ra toàn thị trường.

Từ đây, những dự đoán đưa ra là trong tháng cuối của năm 2013 cũng như nửa đầu năm 2014, khả năng giảm sâu của thị trường rất thấp; xu hướng tăng điểm nhiều khả năng sẽ chiếm ưu thế trong trung và dài hạn khi nền kinh tế duy trì được sự ổn định và dần phục hồi.

Trong bản báo cáo chiến lược mới đây, Công ty CP Chứng Khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, việc nới room tối đa cho khối ngoại sẽ sớm được thông qua nhưng thực tế còn nhiều giới hạn. Vẫn còn một số vấn đề cần thảo luận nên khả năng này vẫn còn chưa hoàn toàn chắc chắn.

Rõ ràng, nếu điều luật này được thông qua mà không sửa đổi, tác động chính trong trung hạn là có thể mở đường cho các thương vụ mua bán, sáp nhập đối với những doanh nghiệp có ý định bán cổ phần chi phối cho khối ngoại.

VCSC cho rằng, điều này nhiều khả năng xảy ra hơn đối với các doanh nghiệp có giá trị vốn hóa nhỏ và vừa. Hiện tượng này một lần nữa sẽ làm thị trường biến động về sóng với những đợt gom mua cổ phiếu trên sàn.

"Sẽ khó có doanh nghiệp nào sẽ tăng room tối đa cho khối ngoại mà không cân nhắc xem bên nào sẽ có thể thâu tóm mình trước khi nộp đơn. Ngược lại, các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước nhiều khả năng sẽ không tăng room tối đa cho khối ngoại trong ngắn hạn. Có thể trong dài hạn, nhà nước sẽ thoái vốn khỏi các doanh nghiệp được xem là không cốt lõi, nhưng điều này khó có thể xảy ra đối với những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt vượt bậc (như VNM, DHG, VNR và GAS) trong một thời gian dài", VDSC đưa ra quan điểm trong báo cáo.

Cũng theo nguồn tin từ VCSC, nâng room giúp cho thị trường có biến thiên nhưng chưa hẳn đã tốt vì thị trường hiện phụ thuộc vào thông tin của FED về QE3, nhiều khả năng 2 quỹ ETF sẽ bán ròng trong tháng 12. Nếu quan sát, có thể thấy nhà đầu tư nước ngòai đã mua ròng tháng thứ 3 liên tiếp (tháng 9 - 11).

Họ đã mua ròng 416 tỷ đồng trong tháng 11, giảm 65% so với tháng 10. Hoạt động mua ròng của 2 quỹ ETF trong tháng 11 giảm khá mạnh, chỉ chiếm 9% tổng lượng mua ròng của khối ngoại.

Trong tháng 11, ETF VNM phát hành thêm 300 ngàn chứng chỉ quỹ tương đương mua ròng 88 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam trong khi đó FTSE VN giảm quy mô 100 ngàn chứng chỉ tương đương với bán ròng 52 tỷ đồng. Tính chung cả tháng, 2 quỹ ETF chỉ mua ròng 36 tỷ đồng, giá trị phát hành giảm 88% so với tháng 10.

Theo số liệu chốt đến thời điểm 29/11/2013, ETF VNM trong đợt cơ cấu danh mục quý IV sẽ bán ra 2% danh mục tương đương 160 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam và mua tăng tỷ trọng tương đương tại các cổ phiếu ngoài Việt Nam trong danh mục.

Do vậy, nhà đầu tư cần lưu ý đây vẫn được xem là thời điểm cơ cấu danh mục dự kiến từ 16 - 20/12 sẽ tạo ra áp lực giảm giá với nhiều cổ phiếu trong danh mục ETF trong ngắn hạn. Nhiều khả năng 2 ETFs sẽ bán ròng trong tháng 12 và do vậy hoạt động mua ròng chung sẽ phụ thuộc vào khối ngoại ngoài ETFs.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Biến số khối ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO