Tác giả - người mà 30-40 năm đầu là người nằm trong guồng máy của khoa học và y học phương Tây, cổ súy cho chế độ dinh dưỡng đặc thù “thịt, cá, trứng, sữa” đã bứt ra khỏi guồng máy đó và ủng hộ chế độ ăn tự nhiên WFPB (Whole Food Plants Based) dựa trên thực phẩm thực vật toàn phần. Tác giả đã chỉ rõ đối tượng “chịu tội” lớn nhất, gây ra những căn bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường, tim mạch... là protein động vật, cụ thể là từ thịt động vật và trứng; sữa...
Ở các nước nghèo, đang phát triển, vào những năm 50-70, tỷ lệ protein từ động vật trong khẩu phần ăn không quá 10% và khẩu phần ăn dựa trên ngũ cốc, rau củ quả. Cũng chính vì thế mà tỷ lệ “bệnh nhà giàu” ở các nước này ít hơn hẳn các quốc gia giàu có.
Tác giả cùng với một số nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành theo dõi, đo lường, phân tích chế độ ăn của hơn 650 người, các báo cáo dần dần chỉ rõ ra mối liên hệ giữa tỷ lệ tiêu thụ portein động vật và bệnh mãn tính, nói rộng hơn là “tác động to lớn của dinh dưỡng đối với sức khỏe”.
Bắt đầu từ đó, tác giả đề xuất và ủng hộ chế độ ăn thuần thực vật nguyên bản WFPB. Tương tự với các bệnh mãn tính và bệnh tự miễn khác, nếu ta ăn uống đúng, sống đúng và hòa hợp với tự nhiên, thì chính cơ thể diệu kỳ của chúng ta sẽ mang lại cho chúng ta sức khỏe, sự chữa lành và khống chế các mầm bệnh.
Thêm một điểm nữa là người ta cố gắng tuyên truyền rằng chính gen mới là nguyên nhân sâu xa gây ra ung thư, tiểu đường hay các bệnh mãn tính khác. Trong khi đó, tác giả khẳng định chỉ 1-3% những bệnh mãn tính là do gen quyết định, nhưng nó sẽ không có cơ hội biểu hiện nếu có chế độ ăn đúng và lối sống lành mạnh. Nhiều bác sĩ chuyên ngành tim mạch, tiểu đường, bị đúng căn bệnh mình đang chữa cho người khác, không khỏi được, đã phải theo lời khuyên thay đổi sang chế độ ăn WFPB.
8 nguyên tắc về thực phẩm và sức khỏe:
1. Dinh dưỡng là đại diện cho sự kết hợp vô số chất trong thức ăn, vì thế ăn toàn phần thì tốt hơn cả.
2. Thực phẩm chức năng không phải là thần dược chữa bách bệnh.
3. Không có chuyện chất dinh dưỡng trong thực phẩm có nguồn gốc động vật tốt hơn dinh dưỡng có nguồn gốc từ thực vật.
4. Gen chỉ biểu thị bệnh tật khi được kích hoạt chứ nó không tự một mình gây ra bệnh.
5. Dinh dưỡng có thể kiểm soát đáng kể tác hại của hóa chất độc hại.
6. Dưỡng chất giúp ngăn ngừa bệnh ở giai đoạn đầu (trước khi chẩn đoán) thì cũng có thể giúp ngăn chặn và đẩy lùi căn bệnh ở giai đoạn sau (sau khi chẩn đoán).
7. Chế độ dinh dưỡng giúp ích cho người mắc bệnh mãn tính là chế độ giúp hỗ trợ sức khỏe toàn diện.
8. Dưỡng chất tốt tạo ra sức khỏe cho mọi hoạt động tồn tại của chúng ta. Tất cả hoạt động đều được kết nối với nhau.