Bê bối Kobe Steel - giọt nước tràn ly

LÊ DUY| 17/10/2017 06:38

Sự kiện Kobe Steel chỉ là giọt nước làm tràn ly khi mà khắp Nhật Bản, hàng loạt vụ bê bối liên tiếp bị phanh phui...

Bê bối Kobe Steel - giọt nước tràn ly

Tuần rồi, tập đoàn sản xuất thép lớn thứ ba Nhật Bản, Kobe Steel, đã khiến cả thế giới rúng động khi thừa nhận hành vi giả mạo thông số chất lượng của hơn 20.000 tấn kim loại trong năm vừa qua. 

Đọc E-paper

Trong buổi họp báo hôm 8/10, Kobe Steel đã thừa nhận tự ý khai gian chất lượng sản phẩm đồng và sắt của mình trong suốt thời gian từ tháng 9/2016 đến tháng 8/2017. Chưa hết, "đại gia ngành thép" còn tiết lộ những bê bối liên quan đến giả mạo kết quả kiểm định sản phẩm rất có thể đã bắt đầu từ... 10 năm trước.

Trong cuộc "bất ngờ"

Ông Hiroya Kawasaki - Chủ tịch kiêm CEO tập đoàn này phát biểu tại buổi họp báo: "Uy tín của Kobe Steel đã chìm xuống tận đáy. Chúng tôi sẽ hết sức nỗ lực lấy lại niềm tin của khách hàng một cách nhanh chóng nhất có thể”.

Theo công bố, khoảng 19.300 tấn cọc và tấm nhôm, 19.400 linh kiện làm từ nhôm và hơn 2.000 tấn sản phẩm bằng đồng đã bị Kobe Steel khai man thông tin về độ bền cũng như các tính năng khác trong một năm vừa qua. Cả sản phẩm bột sắt, vốn đã được chuyển đến tay khách hàng để sử dụng trong sản xuất các linh kiện xe hơi và máy móc khác, cũng vướng phải nghi án giả mạo chất lượng.

Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng đã tiến hành điều tra Viện Nghiên cứu Kobelco của mình và phát hiện 70 trường hợp sai phạm thông tin chất lượng vật liệu dùng trong đĩa quang và màn hình tinh thể lỏng.

Dù là Kobe Steel hay bất cứ nơi nào khác, nhân viên phải có nghĩa vụ kiểm tra sản phẩm để đảm bảo cho việc doanh nghiệp đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng được ghi trên hợp đồng. Tuy nhiên, đại gia ngành thép lớn thứ 3 Nhật Bản cho biết rằng trong một vài trường hợp, khâu rà soát đầu ra của mình đã hoàn toàn bị loại bỏ và đối với số khác là ghi khống thông tin để có thể qua mặt khách hàng.

Năm ngày sau khi vụ việc trên bị đưa ra ánh sáng, ông Hiroya Kawasaki đã trả lời báo chí: "Tôi vô cùng lấy làm tiếc và xin lỗi vì những gì đã xảy ra. Tôi không nghĩ là Kobe Steel lại có nhiều vấn đề đến như vậy".

>>Khi các "ông lớn" Nhật Bản chìm vào khủng hoảng

Ngoài cuộc hoang mang

Đi cùng xu hướng phát triển của xe hơi và máy bay tiết kiệm nhiên liệu là nhu cầu ngày một tăng đối với vật liệu nhẹ như nhôm hay sợi carbon. Thế nên, sản phẩm của những tập đoàn Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực này, vốn đã có danh tiếng lâu đời về chất lượng, luôn được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Bởi lẽ đó, bê bối chất lượng của Kobe Steel không chỉ đơn thuần đem lại thiệt hại cho bản thân mà còn gây tác động không hề nhỏ đến thị trường thế giới.

Hiện vẫn chưa có trường hợp tử vong hay tai nạn nào có nguyên do từ sản phẩm của Kobe Steel được công bố. Tuy nhiên, việc này có lẽ chỉ là chuyện một sớm một chiều khi mà sản phẩm của tập đoàn này được rất nhiều tên tuổi lớn ở cả trong và ngoài nước sử dụng như General Motors, Tesla, Daimler, Peugeot, Toyota, Nissan và Honda...

Các sản phẩm "thuộc diện tình nghi" cũng đã góp mặt trong cả những chiếc máy bay của hai hãng Boeing và Airbus cũng như linh kiện điện tử do General Electric chế tạo. Vật liệu giả mạo còn len lỏi vào linh kiện bán dẫn của Panasonic, thiết bị điều hòa không khí của Daikin hay Toshiba và thậm chí là chip điện tử của Intel nữa.

Tính chất của vụ bê bối này là cực kỳ nghiêm trọng khi mà Kobe Steel còn cung cấp sản phẩm đồng và thép của mình cho các cơ sở quốc phòng và hàng không vũ trụ ở Nhật như Mitsubishi Heavy Industries, Kawasaki Heavy Industries và IHI. Nguy hiểm hơn, Tokyo Electric Power, chủ sở hữu nhà máy điện Fukushima Daiichi, nơi xảy ra sự cố hạt nhân do sóng thần vào năm 2011, cũng cho biết đã phát hiện đường ống đồng sai quy chuẩn của mình là của Kobe Steel.

Theo thống kế, xấp xỉ 200 công ty nội địa và quốc tế đã trở thành nạn nhân của hàng kém chất lượng gắn mác Kobe Steel. Nếu gộp luôn cả các công ty con thì hiện tại, Kobe Steel đã cung cấp sản phẩm không đạt chuẩn cho 500 khách hàng, vượt xa con số ước tính ban đầu.

Để giải quyết tình trạng này, Kobe Steel đưa cam kết sẽ công bố kết quả điều tra độ an toàn của các sản phẩm đã được giao trong 2 tuần cũng như đưa ra nguyên nhân vụ việc và phương thức bồi thường trong vòng một tháng tới.

Sự kiện Kobe Steel chỉ là giọt nước làm tràn ly khi mà khắp Nhật Bản, hàng loạt vụ bê bối liên tiếp bị phanh phui: Gian lận kế toán của Olympus và Toshiba, túi khí khiến 17 người tử vong, thiết bị chống sốc "dỏm" và phương tiện kém chất lượng tràn lan. Năm ngoái, Ban lãnh đạo Suzuki và Mitsubishi đã phải tuyên bố từ chức khi cả hai bị phát hiện giả mạo thông tin tiêu thụ nhiên liệu sản phẩm của mình.

Từ năm 2009 đến 2011, Toyota, đã bị buộc phải thu hồi gần 9 triệu xe do lắp đặt chân ga gây nguy hiểm. Gần đây nhất, Nissan phải thu hồi toàn bộ xe hơi đã bán ra tại Nhật trong vòng 3 năm trở lại đây vì sai quy chuẩn. Có thể thấy, nước Nhật cần có nhiều biện pháp thắt chặt quản lý doanh nghiệp hơn trước khi vĩnh viễn đánh mất hình ảnh chất lượng trong mắt bạn bè quốc tế.

>>Nhật Bản: Bê bối làm giả dữ liệu của Kobe Steel ngày càng lan rộng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bê bối Kobe Steel - giọt nước tràn ly
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO