Sau bảy năm đi vào cuộc sống, Luật Di sản văn hóa (DSVH) đã góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, song cũng đặt ra khá nhiều vấn đề đáng quan tâm, nhất là trong tình trạng trùng tu và tôn tạo di tích theo kiểu tự phát hiện nay. Vì vậy, yêu cầu về việc sửa đổi, bổ sung Luật trở nên cấp thiết.
Cổng Đền Rồng được xây mới từ năm 1995, nay được phá đi để làm cũ lại |
1 Vào thời điểm này, Bộ Văn hoá - Thể thao và du lịch (VHTT&DL) chỉ thống kê được những di tích xếp hạng quốc gia bị vi phạm là 228/3.018, nhưng chưa có con số chính thức về những di tích bị biến dạng sau các cuộc trùng tu, tôn tạo, mặc dù tính từ năm 2001 đến nay, có 1.456 di tích được đầu tư chống xuống cấp bằng nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia.
Việc trùng tu, tôn tạo di tích đang được nhiều người quan tâm. Chuyện giả cổ, nệ cổ đã được nhắc đến nhiều năm qua, và giờ đây lại xuất hiện những cụm từ tuy không mới nhưng cũng là vấn đề của bảo tồn di tích: “giữ nguyên hiện trạng”, “tôn trọng tính nguyên vẹn của di tích”...
Điều đáng nói, trong khi tại nghị sự, các nhà quản lý văn hóa, làm luật đang bàn về các thuật ngữ, các khái niệm, thì tại “công trường” di tích đang từng ngày, từng giờ đối diện với những vấn đề của đô thị hóa, của công nghiệp hóa và công cuộc đại trùng tu.
Vấn đề nóng nhất trong công tác trùng tu di tích là thiếu đội ngũ làm nghề chuyên nghiệp được đào tạo bài bản. Và hậu quả là di tích đã được các đơn vị thi công thiếu (hoặc không có) những kiến thức về lịch sử, văn hóa, lịch sử mỹ thuật trùng tu, tôn tạo. Ngoài ra, cơ chế hiện hành cũng đóng vai trò không nhỏ.
Ở nước ta hiện nay, chi phí lập dự án trùng tu được làm theo cách thông thường, không có chi phí cho việc khảo sát, nghiên cứu cho nên nội dung này được thực hiện hết sức sơ sài, giai đoạn thiết kế bị tách rời.
Sau khi thiết kế thì giao cho một đơn vị khác thi công, người thi công lại không hiểu biết về di tích, người thiết kế có vai trò quá mờ nhạt trong quá trình thi công.Chính vì lẽ đó, khi công trình bị đánh giá là “làm biến dạng” thì không biết quy trách nhiệm cho ai.
2 Ngoài việc tôn trọng tính nguyên gốc của di tích, thì nhiều vấn đề quy định tại Luật DSVH cần được điều chỉnh cho phù hợp với chủ trương xã hội hóa.
Đến thời điểm này, giới sưu tập cổ vật tư nhân khá thờ ơ với chuyện đăng kí di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Vì sao họ thờ ơ ? Có nhiều lý do, song có thể thấy sự tuyên truyền pháp luật còn ở trên giấy!
Một quy định khác của Luật DSVH cũng khiến người quan tâm đến DSVH mừng thầm là việc lập hồ sơ văn hóa phi vật thể. Thực tế, công việc điều tra, đã được âm thầm thực hiện trong nhiều chục năm qua tại các viện nghiên cứu, hội văn nghệ dân gian, song phải đến khi Luật DSVH ra đời thì vấn đề này mới được luật hóa.
Những tưởng câu chuyện sẽ giản đơn hơn khi có luật, song có luật lại vướng vào những quy định của luật. Tức là luật quy định đối với các giá trị văn hóa phi vật thể thì cần phải lập hồ sơ, song các nhà làm luật lại chưa tính hết được chi phí khổng lồ phải bỏ ra cho việc lập một hồ sơ khoa học về di sản phi vật thể.
Thực tế, để có thể kiểm kê đầy đủ các giá trị văn hóa phi vật thể của 54 dân tộc thì ngành văn hóa phải huy động toàn bộ lực lượng làm việc trong nhiều năm với điều kiện kinh phí đầy đủ, chứ chưa bàn đến việc lập hồ sơ khoa học.
Bởi ngoài di tích, thì những tiêu chí xung quanh việc lập hồ sơ khoa học di sản phi vật thể cũng chưa được xây dựng, thực tế là thiếu đội ngũ chuyên về vấn đề này tại các Sở VHTT & DL.