Bất động sản

Bất động sản công nghiệp sẽ khởi sắc trở lại nhờ dòng vốn mới đổ bộ

T.A 24/08/2023 19:30

Tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam do Báo Đầu tư tổ chức vừa diễn ra tại TP.HCM, các chuyên gia cho rằng nếu các địa phương tháo gỡ các điểm nghẽn về chính sách, thủ tục, quy hoạch, hạ tầng, quỹ đất theo hướng thông thoáng hơn, thì trong thời gian 5-7 năm tới, thị trường bất động sản sẽ có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư rót vốn.

Sớm trở thành điểm sáng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Ông Lê Trọng Minh - Tổng biên tập Báo Đầu tư cho biết, trong nửa cuối năm 2023 và năm 2024, Việt Nam sẽ có khả năng đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quay trở lại. Điều này xảy ra
trong bối cảnh lạm phát thế giới đang hạ nhiệt, Việt Nam có nhiều dư địa hơn cho việc quản lý và điều tiết kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, mỗi nhà đầu tư từ các quốc gia khác nhau sẽ có những mục tiêu và yêu cầu khác nhau với bất động sản. Những nhà đầu tư vừa và nhỏ quan tâm đến hạ tầng bất động sản công nghiệp đang sẵn có tại Việt Nam, song cũng có những nhà đầu tư “khó tính” có yêu cầu cao hơn về bất động sản như năng lực cung cấp hạ tầng kỹ thuật và nhân lực, sự đa dạng của các loại hình sản phẩm bất động sản công nghiệp gắn với dịch vụ logistics hoàn chỉnh.

“Tuy nhiên, mối quan tâm chung vẫn là cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính, khung pháp lý, các chính sách và quy định, năng suất lao động, chuỗi cung ứng địa phương”, ông Minh nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay có nhiều biến động khó lường nhưng Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 8,02%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 732 tỷ USD, tăng 9,5%, xuất siêu trên 11 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt mức trên 4.100 USD.

khu-cong-nghiep.jpg
Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển bất động sản cho các khu công nghiệp

Môi trường kinh doanh của Việt Nam đang cải thiện theo hướng tích cực. Năm 2022, vốn FDI thực hiện đạt khoảng 22,4 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua. Riêng 7 tháng đầu năm 2023, vốn FDI đăng ký mới và số dự án FDI cấp mới tiếp tục tăng lần lượt 38,6% và 75,5% so với cùng kỳ, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam còn có nguồn nhân lực và thị trường nội địa với gần 100 triệu dân. Tầng lớp trung lưu tăng khá nhanh, tạo nên một thị trường có sức mua khá lớn. Công trình kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ và hoàn thiện, từ đó giúp giảm chi phí vận tải, logistics, chi phí đầu vào của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thu hút vốn đầu tư ngày càng cao qua từng năm

Ông Đỗ Văn Sử - Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện tại đang có sự dịch chuyển vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Do có sự tương đồng về mặt văn hóa, top 5 địa điểm đầu tư lớn nhất vào Việt Nam chủ yếu là các nhà đầu tư ở khu vực Đông Bắc Á và Singapore. Ngoài ra, hiện nay dòng vốn đầu tư có dịch chuyển tương đối của các nhà đầu tư từ khu vực Tây Âu như Đức, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha vào các ngành năng lượng tái tạo.

Ông Choi Kyu Chul - Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại TP.HCM (KOCHAM) cho biết, hiện tại Hàn Quốc đang đứng thứ hai trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với hàng chục dự án. Đặc biệt, có những dự án có giá trị từ trên 700 triệu USD đến hàng tỷ USD. Trong thời gian tới, sẽ có thêm nguồn vốn đầu tư lớn khác của Hàn Quốc vào Việt Nam.

Ông Bruno Jaspaert - Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C cho rằng, Việt Nam đang lấy đi 10% nguồn vốn FDI đáng lẽ đi vào Trung Quốc. Hiện tại, Việt Nam đang là quốc gia cởi mở nhất khu vực Đông Nam Á nhờ vào các hiệp định thương mại tự do (FTA). Ngoài ra, giá thuê đất ở Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn so với các nước trong ASEAN; Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những tiêu chuẩn mới cho các khu công nghiệp, nhất là cam kết về giảm khí thải carbon. Bên cạnh đó, Việt Nam còn còn có lợi thế về nhân lực, điện… Vì vậy, số lượng nhà đầu tư vào Việt Nam sẽ tăng đều qua các năm và có cơ hội đón thêm nhiều cơ hội từ dòng vốn mới.

Ông Paul Tonkes - Phó giám đốc Điều hành khối bất động sản công nghiệp, Công ty Indochina Kajima Development (ICCK) tiết lộ, trong 5-7 năm tới, doanh nghiệp này sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào bất động sản công nghiệp Việt Nam.

batdongsan2.jpeg
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ đón dòng vốn đầu tư mới vào bất động sản các khu công nghiệp

Xây dựng thể chế cho khu công nghiệp, gắn với chuẩn bị quỹ đất lớn

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch hành động thực hiện chiến lược với một số mục tiêu tổng quát. Đó là thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; tích cực mở rộng thị trường; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm nội địa; nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài, tăng tỷ lệ đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong phát triển kinh tế - xã hội, tương xứng với những ưu đãi, hỗ trợ được hưởng.

“Để đạt được những mục tiêu nêu trên, cần thực hiện xây dựng thể chế, chính sách cho khu công nghiệp và các mô hình tương tự khác theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển và cơ chế, chính sách vượt trội phù hợp với đặc thù của từng mô hình, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ với các khu vực khác”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các địa phương, tổ chức liên quan tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó có việc nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế để trình cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian tới.

“Cả hệ thống chính trị đã quyết liệt vào cuộc. Các doanh nghiệp trong nước cũng đang nỗ lực cải thiện trình độ, nâng cao năng lực, nhằm tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp trong nước ban đầu chỉ là nhà đầu tư phát triển và kinh doanh bất động sản đã nhanh chóng phát triển, trở thành tập đoàn đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, vươn tới các thị trường ngoài nước. Sự thành công của các doanh nghiệp này đã khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Đại diện cho các địa phương có nhiều khu công nghiệp, bà Dương Thị Xuân Nương - Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai đã và luôn có sự chuẩn bị để đón dòng vốn đầu tư mới vào các khu công nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc thu hút đầu tư đã có xu hướng chững lại.

Đến nay, Đồng Nai đã phát triển được 33 khu công nghiệp. Trong đó, có 32 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút nhà đầu tư. Riêng 1 khu công nghiệp còn lại đang trong quá trình hoàn thiện xây dựng cơ bản sau khi được Chính phủ phê duyệt quỹ đất. Tổng quỹ đất của 33 khu công nghiệp đã được hình thành và đi vào hoạt động là 10.514ha.

Trong khi đó, ông Đào Xuân Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM cho rằng, do không có quỹ đất lớn nên thời gian qua, các nhà đầu tư chuyển dịch sang địa bàn khác. Vì vậy, muốn phát triển bất động sản khu công nghiệp thì điều quan trọng nhất vẫn phải là có quỹ đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bất động sản công nghiệp sẽ khởi sắc trở lại nhờ dòng vốn mới đổ bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO