Bát cháo mối với màu nâu của mối có mùi thơm rất đặc trưng, bổ dưỡng từ lâu đã trở thành nét độc đáo trong ẩm thực của đồng bào Cơ Tu.
Người Cơ Tu sinh sống chủ yếu trên dãy Trường Sơn ở các huyện Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Mùa mưa diễn ra từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch hàng năm là lúc mối xuất hiện nhiều, cũng là mùa đồng bào Cơ Tu có được những món ăn yêu thích chế biến từ con mối cánh (cláp) đầy hấp dẫn. Trong đó phải kể đến món cháo mối (cláp p’chơ), thường được người con rể Cơ Tu nấu cho bố mẹ vợ để tỏ lòng hiếu thảo.
Cách bắt mối của người Cơ Tu cũng thật thú vị: Nếu phát hiện có mối đang bay ra, nghĩa là sắp có mưa. Mọi người trong làng nhanh tay thắp một cây đèn dầu hoặc đèn cầu, đam cắm vào giữa cái thau nước lớn, đem ra đặt ở giữa sân. Mối thấy ánh sáng sẽ thi nhau bay đến, sà xuống gặp nước, ướt cánh không bay lên được, nên nằm lại trong thau. Thỉnh thoảng lại chạy ra lấy tay khuấy nước trong thau để giữ cho mối nằm im trong chậu.
Mối càng bay ra nhiều chứng tỏ trận mưa càng lớn. Khi những giọt mưa đầu tiên đổ xuống người Cơ Tu dừng công việc bắt mối, vớt mối trong chậu ra cái mẹt hoặc rổ lớn. Sau đó, người ta dùng nước sạch rửa mối nhẹ nhàng nhiều lần, lấy các ngón tay đảo nhẹ và sảy để cánh mối bung ra.
Cháo mối là đặc sản mà chỉ những vị có duyên đến chơi nhà đồng bào Cơ Tu mùa mưa mới may mắn được thưởng thức |
Cách chế biến cháo mối rất đơn giản, gạo đem nấu cho chín nhừ, lúc gần được thì cho mối đã rang vào nồi, chờ sôi lại rồi nêm gia vị cho vừa ăn là đã có bát cháo mối với mùi thơm rất đặc trưng, thơm ngon, bổ dưỡng. Không gì thú vị bằng khi được thưởng thức hương vị thơm lừng, beo béo và ngọt bùi… của món ăn khá lạ lẫm này trong mùa mưa rét.
Nếu đã từng một lần thưởng thức các món mối của người Cơ Tu trên dãy Trường Sơn thì không dễ gì quên được |
Ngoài nấu cháo, người Cơ Tu còn chế biến thành mối rang, mối dầm mắm, dầm muối, bánh mối cũng ngon không kém phần. Mối rang cất trong ống lồ ô để dành treo gác bếp để ăn lai rai hoặc làm mồi trong bữa nhậu, khi giã nát nén lại thành bánh hương vị cũng không kém phần ngọt ngào, mối dầm nước mắm hoặc giã với muối ăn với cơm cũng rất đưa đẩy.
Những bản làng của người Cơ Tu ở Quảng Nam nằm ẩn mình giữa những cánh rừng bạt ngàn. Đi dọc dãy Trường Sơn, nếu bắt gặp những mái nhà Gươl vươn cao biểu hiện cho sự sung túc và thanh bình thì bạn đã đến được với bản làng của người Cơ Tu. Có 2 cách đi từ Đà Nẵng đến các làng dân tộc Cơ Tu: 1. Đường Cách Mạng tháng 8 – cầu vượt Hòa Cầm – Túy Loan – đi thẳng theo đường tỉnh lộ 604 khoảng 68 km là đến thị trấn Prao. Trên tuyến đường 604 bạn sẽ gặp: Làng Bhơhồông (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, Quảng Nam, cách thị trấn Prao 19 km); Làng Đhrồng (xã Tà Lu, huyện Đông Giang, cách thị trấn Prao 5 km); Làng Gừng (ngay tại thị trấn Prao); Đến thị trấn Prao theo đường Hồ Chí Minh về phía Tây đi khoảng 57 km là đến thị trấn Thạnh Mỹ. Cách thị trấn Thạnh Mỹ 15 km về phía Tây Bắc là làng Zơra (xã Tabhing, huyện Nam Giang). |
>Đi thăm bản làng cô độc ở Trường Sơn
>Những khúc cua Trường Sơn