Ông Thanh cho biết, Nghị quyết của Hội nghị TƯ 5 khóa 13 đã đề cập đến vấn đề chính sách tài chính, giá đất. Theo đó, Nghị quyết đã đặt vấn đề bỏ khung giá đất, giao cho các địa phương ban hành bảng giá đất, với yêu cầu khách quan độc lập, bảo đảm sát giá thị trường.
Tuy nhiên, vì giá đất tác động đến nhiều đối tượng trong xã hội nên việc xác định giá đất là vấn đề rất khó. Cụ thể, ông Thanh phân tích, nếu nâng bảng giá đất, khi thu hồi đất, người dân sẽ được hưởng lợi cao hơn. Từ đó, khiếu nại về đất đai sẽ giảm. Mặt khác, doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều chi phí bồi thường hơn. Điều này khiến tiền thuê đất, sử dụng đất sẽ tăng. “Bài toán đưa ra bảng giá đất như thế nào là những vấn đề hết sức khoa học, thực tiễn cần phải nhìn thấu đáo theo nhiều chiều để xử lý” – ông Thanh nhận xét.
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế. Ảnh: Phạm Thăng. |
Với trường hợp bỏ khung giá đất, ông Thanh cho hay giữa hai địa phương giáp ranh, việc xử lý như thế nào cũng là vấn đề khó. Theo đó, khi có khung giá đất của Chính phủ, hai tỉnh liền kề đưa ra những bảng giá sát nhau. Nếu trao thẩm quyền cho Hội đồng Nhân dân các địa phương thì giá đất sẽ chênh lệch.
Ông Thanh khẳng định, việc xác định giá đất là vấn đề cần tiếp tục cùng các cơ quan liên quan xử lý hài hoà, không thể đưa ra giá đất làm thoả mãn mọi đối tượng.
Bên cạnh đó, ông Thanh cũng dự báo về thị trường bất động sản sau khi sửa Luật Đất đai. Ông cho biết tính ổn định của thị trường phụ thuộc vào tình hình giá đất trong tương lai. Mục tiêu sửa luật là để xử lý vấn đề của thị trường bất động sản, giải quyết hài hoà lợi ích các đối tượng tham gia thị trường bất động sản, đất đai. Tuy nhiên, hiện giờ việc sửa đổi mới ở giai đoạn bước đầu. Dự luật dự kiến sẽ được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến qua 3 kỳ họp. Sau khi cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, các cơ quan sẽ tiếp thu. Đầu năm sau, tổ chức xin ý kiến nhân dân rộng rãi để lắng nghe các thông tin phản hồi, phục vụ việc hoàn thiện về tài chính đất đai, giá đất - hai vấn đề vốn gây ra nhiều khiếu kiện.