Bảo hiểm chi trả thế nào cho người lao động trong đại dịch?

DNSG| 28/07/2021 01:00

Thời gian qua, Doanh Nhân Sài Gòn nhận được một số câu hỏi của bạn đọc về quyền lợi của người đóng bảo hiểm, trong đó có khám chữa bệnh đối với người bị nhiễm SARS-CoV-2. Chúng tôi đã chuyển những câu hỏi này đến Hệ thống Luật Thịnh Trí và được trả lời như sau:

Bảo hiểm chi trả thế nào cho người lao động trong đại dịch?

Các khoản F1 được chi trả từ bảo hiểm xã hội

Tôi thuộc diện F1 phải nghỉ cách ly tại nhà ba tuần, thời gian nghỉ này, bảo hiểm xã hội (BHXH) của tôi được đóng thế nào? Các khoản hỗ trợ tôi được nhận?

Trả lời:

1. Về BHXH đối với thời gian làm việc trong 1 tháng:

- Điều 85, Luật BHXH: “3. Người lao động (NLĐ) không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản”.

 - Điều 86, Luật BHXH: “4. Người sử dụng lao động (NSDLĐ) không phải đóng BHXH cho NLĐ theo quy định tại khoản 3, Điều 85 của luật này”.

 - Khoản 4, Điều 42, Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định: “NLĐ không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH”.

Nếu trường hợp trong tháng làm việc, NLĐ có từ 14 ngày làm việc trở lên không làm việc và cũng không hưởng lương thì BHXH  của tháng đó sẽ không phải đóng. Ngoại lệ đối với NLĐ bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, NLĐ và đơn vị được tạm dừng đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), BHTNLĐ-BNN nhưng vẫn phải đóng bảo hiểm y tế (BHYT) hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà NLĐ được hưởng.

Như vậy, đối với trường hợp NLĐ nghỉ không lương hoặc tạm hoãn hợp đồng, nếu NLĐ không đi làm và không hưởng lương từ 14 ngày làm việc.

Tổ chức công đoàn căn cứ  quy định, đề xuất người sử dụng lao động (NSDLĐ) áp dụng quy định  pháp luật phù hợp, đảm bảo có lợi cho NLĐ.

2. Tại Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021, Chính phủ đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ NLĐ, doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19, trong đó có ba chính sách liên quan đến BHXH, BHTN.

a. Giảm mức đóng BHTNLĐ-BNN

Theo đó, NSDLĐ được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ BHTNLĐ-BNN trong 12 tháng (thời gian từ ngày 1-7-2021 đến hết ngày 30-6-2022) cho NLĐ thuộc đối tượng áp dụng chế độ BHTNLĐ-BNN (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước).

NSDLĐ hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng Quỹ BHTNLĐ-BNN cho NLĐ phòng chống đại dịch Covid-19.

Hiện nay, theo Nghị định 58/2020/NĐ-CP, mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ BHTNLĐ-BNN như sau:

- Mức đóng bình thường bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH;

- Mức đóng bằng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu đủ điều kiện quy định, có văn bản đề nghị và được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận.

b. Tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và Tử tuất

Với chính sách này, NSDLĐ đã đóng đủ BHXH hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và Tử tuất đến hết tháng 4/2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia BHXH trở lên so với thời điểm tháng 4/2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì:

NLĐ và NSDLĐ được tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và Tử tuất 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị.

Đối với trường hợp đã được giải quyết tạm dừng đóng theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Nghị quyết 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, nếu đủ điều kiện thì vẫn được giải quyết nhưng tổng thời gian tạm dừng đóng không quá 12 tháng.

Hiện hành, theo Luật BHXH 2014, mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ Hưu trí và Tử tuất như sau:

- NLĐ đóng bằng 8% mức tiền lương tháng;

- NSDLĐ hằng tháng đóng bằng 14% quỹ tiền lương đóng BHXH.

c. Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ

NSDLĐ được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ BHTN khi đáp ứng các điều kiện:

+ Đóng đủ HTN cho NLĐ từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ;

+ Thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại Khoản 1, Điều 42, Bộ Luật Lao động

+ Có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020;

+ Có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ theo quy định.

Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/NLĐ/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.

Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.

Chi phí khám, điều trị cho F0, F1

Đồng nghiệp của tôi dương tính với Covid-19 (F0), bản thân tôi cũng bị F1, chúng tôi được đưa đi cách ly tập trung, được khám chữa bệnh. Bạn tôi còn mắc thêm một số bệnh khác. Chúng tôi hỏi, chi phí khám, điều trị cho người cách ly y tế tập trung được thanh toán như thế nào?

Trả lời:

1. Chi phí khám, điều trị cho người cách ly y tế tập trung (F0, F1) được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 16/2/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng chống dịch Covid-19; Văn bản số 3100/BYT-BH ngày 20/4/2021 của Bộ Y tế về việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT liên quan đến dịch Covid-19) và các văn bản khác có liên quan. Theo đó, một số nội dung cơ bản được hướng dẫn như sau:

a. Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người có thẻ bảo hiểm y tế đang trong thời gian cách ly y tế tập trung do Covid-19 phải khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT:

 - Ngân sách nhà nước chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh do Covid-19, bao gồm: tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, dịch truyền… theo hướng dẫn của Bộ Y tế;

 - Quỹ BHYT thanh toán phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh các bệnh khác trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT như đối với trường hợp đi khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến, trừ chi phí tại điểm 1.1 khoản này;

   - Người có thẻ BHYT tự chi trả chi phí cùng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi được hưởng BHYT (nếu có) theo quy định của pháp luật về BHYT.

   b. Trong thời gian cách ly y tế tập trung, người bị cách ly mắc các bệnh khác phải khám, điều trị thì việc chi trả chi phí khám, điều trị như sau:

 - Người có thẻ BHYT được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí được hưởng và mức hưởng BHYT như các trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyến. Đối với phần chi phí đồng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi hưởng BHYT (nếu có) thì người bị cách ly phải tự chi trả theo quy định của pháp luật về BHYT.

 - Người không có thẻ BHYT tự chi trả toàn bộ chi phí khám, điều trị theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành.

 2. Đối với những trường hợp phát sinh khác, đơn vị đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương căn cứ từng nội dung và trường hợp cụ thể để hướng dẫn giải quyết theo quy định của pháp luật.

 BHYT chi trả thế nào với người lao động có thời gian gián đoạn?

Tôi đang điều trị tại bệnh viện khác nhưng cùng tuyến đã đóng BHYT từ năm 2015 đến nay. Trước đây tôi có hai tháng không đóng BHYT, xin hỏi khi tôi khám chữa bệnh tại đây thì tôi được BHYT chi trả bao nhiêu % viện phí? 

Trả lời:

Về thẻ BHYT bảo đảm 5 năm liên tục bạn hỏi, theo:

- Khoản 5, Điều 12, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT thì “Thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá ba tháng”.

“Người bệnh được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng nếu có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến” (theo Khoản 15, Điều 1, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung 2014 và Điểm a, Khoản 1, Điều 14, NĐ 146/2018).

Theo đó, thời gian gián đoạn tối đa quá 3 tháng sẽ mất 5 năm đóng liên tục, ảnh hưởng đến quyền lợi chi trả BHYT cho NLĐ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bảo hiểm chi trả thế nào cho người lao động trong đại dịch?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO