Cựu Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry tuần trước đã tham vấn một "hướng đi tối ưu" trong việc đảm bảo nguồn điện năng cho phát triển kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) buộc phải tái cơ cấu theo lộ trình thị trường điện cạnh tranh.
Kết quả khảo sát do ông John Kerry và cộng sự là chuyên gia của Đại học Fullbright tại Việt Nam và General Electric Vietnam (GE Vietnam) thực hiện đã chỉ rõ, tốc độ giảm giá nhanh năng lượng tái tạo, khả năng tiếp cận vốn đối với các công trình "xanh", sự ra đời của các thỏa thuận cắt giảm tiêu thụ điện tự nguyện giữa khách hàng và nhà cung cấp chính là những giải pháp thay vì sử dụng than sản xuất điện.
Ngân hàng Thế giới năm 2016 ước tính, nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam đến năm 2020 là 320 tỷ kWh và 690 tỷ kWh đến năm 2030, tương đương với mức tăng trưởng 16% mỗi năm từ 2015 - 2020 và 8% mỗi năm đến 2030. Việt Nam nên bắt đầu từ việc xem xét lại dự báo nhu cầu sử dụng điện để chọn nguồn năng lượng phù hợp đến năm 2025, nhóm khảo sát của ông John Kerry khuyến cáo.
So sánh than với khí ga hay những chương trình năng lượng tái tạo phải đánh giá thời điểm vận hành các nhà máy. Một nhà máy than lên kế hoạch năm 2017 và bắt đầu xây dựng năm 2018 có thể tới 2023 mới được vận hành. Nhưng một nhà máy năng lượng mặt trời lên kế hoạch năm 2022 có thể dễ dàng vận hành vào năm sau, trong điều kiện mọi kết nối đều có sẵn.
Các chuyên gia đã đưa ra tính toán khá hợp lý về mức giá 31 USD thuế môi trường cho mỗi tấn CO2 thải vào khí quyển vào năm 2010 hoặc 35 USD ở thời điểm hiện tại. Nếu số tiền này được thỏa thuận, các nhà sản xuất than ở Việt Nam phải chi khoảng 4,2 tỷ USD trong năm 2016 và lên tới 10,5 tỷ USD vào trước năm 2025.
Điều này sẽ khiến chi phí sản xuất điện than tăng thêm 4,6cent/kWh. Có thể không có thỏa thuận ấy, hoặc nếu có thì chi phí ban đầu thấp hơn. Nhưng ngay cả khi áp dụng một nửa giá tiền này vào chi phí của các nhà máy than cũng khiến mất tính cạnh tranh.
Nếu xem xét nghiêm túc những nỗ lực đầu tư này, chi phí cho điện nhiệt sẽ tăng thêm 4 hoặc 5 cent, khoảng 1.000 -1.100đ/kWh và đây là mức chi phí hợp lý. Do đó, điện từ các nguồn năng lượng tái tạo có tính cạnh tranh hơn than trong trường hợp các chi phí về ô nhiễm và phát thải các-bon được tính đến.
Kế hoạch phát triển kinh tế hiện nay của Việt Nam đòi hỏi gia tăng nguồn cung nhiệt điện từ các nhà máy chạy than đá trong bối cảnh không xây dựng nhà máy điện hạt nhân và nguồn năng lượng từ thủy điện giảm. Đã có những quan ngại việc nhập khẩu than gia tăng sẽ ảnh hưởng tới cán cân thanh toán và không bền vững cho nguồn điện trong nước.
Chưa hết, nếu chỉ có các ngân hàng Trung Quốc cho các nhà máy nhiệt điện vay tiền cũng đồng nghĩa với việc gia tăng phụ thuộc xuất nhập khẩu vào Trung Quốc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khó thực hiện các cam kết về giảm ô nhiễm khí thải.
Các nhà máy nhiệt điện than mới đang vấp phải sự phản đối từ người dân vì tro bụi, thủy ngân và axit đầu độc bầu không khí và nguồn nước. Than cũng là nguồn phát thải CO2 lớn nhất - nguyên nhân của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Một nghiên cứu gần đây của GE có tên Ecomagination đã chỉ ra rằng, nhiệt điện chiếm khoảng 40% sản lượng điện trên toàn thế giới, làm phát sinh tới 75% lượng phát thải CO2 do rất nhiều nhà máy cũ kỹ, hoạt động không hiệu quả. Nhà máy nhiệt điện dự kiến xây ở Long An sẽ đốt cháy 6,5 triệu tấn than/năm, chắc chắn lượng CO2 phát thải vào khí quyển là không hề nhỏ và TP.HCM bị ảnh hưởng trực tiếp.
Mặc dù có thể điều chỉnh mức độ sạch khi đốt than bằng cách đầu tư bổ sung thiết bị kiểm soát ô nhiễm nhưng sẽ làm tăng chi phí điện tổng thể từ than. Ông Phạm Hồng Sơn - Tổng giám đốc GE Việt Nam cho biết, công nghệ quản lý phát thải và nâng cấp thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện kết hợp với các giải pháp kỹ thuật số của GE cũng chỉ có thể giúp tăng hiệu suất nhà máy thêm khoảng 4%.
Trong khi tích cực thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam vẫn cần các giải pháp nhiệt điện linh hoạt và hiệu quả nhằm giảm phát thải cũng như đảm bảo cung cấp nguồn năng lượng đáng tin cậy cho các công ty điện lực. Thế nhưng việc thay thế hoàn toàn thiết bị trong nhà máy nhiệt điện theo công nghệ tiên tiến nhất, theo Tổng giám đốc GE Việt Nam là không thể tiến hành trong ngày một ngày hai.
Chi phí cho năng lượng tái tạo giảm khiến giá điện từ năng lượng tái tạo trở nên cạnh tranh hơn so với điện từ nhiên liệu hóa thạch. Nếu Việt Nam chưa thấy rõ việc đã đầu tư hàng tỷ đô la vào các nhà máy nhiệt điện sẽ phát sinh những chi phí vô cùng lớn, trong đó có chi phí môi trường sẽ đặt lên vai xã hội những gánh nặng khi tăng giá hóa đơn điện hoặc giảm chi tiêu ở các khu vực quan trọng khác.