Để thực hiện nhiệm vụ này, Chính phủ đã xây dựng nhiều chủ trương, chính sách, tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin, đặc biệt là trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số, Fintech, game... đang gặp nhiều vướng mắc, không thể triển khai dự án, sản phẩm.
Tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á
Các chuyên gia cũng như các tổ chức quốc tế đánh giá tiềm năng của nền kinh tế số Việt Nam là rất lớn. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2022 do Google, Temasek (quỹ đầu tư của chính phủ Singapore) và Bain & Company thực hiện, nền kinh tế số Việt Nam đạt 23 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV) trong năm 2022 và đang trên đà đạt 50 tỷ USD vào năm 2025, tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực. Có được kết quả này là nhờ lợi thế dân số đông và nguồn lao động có kỹ năng số, những nỗ lực chuyển đổi số đáng kể từ Chính phủ, quá trình chuyển đổi số của các ngành, lĩnh vực cũng như sự tập trung của nhà đầu tư vào Việt Nam.
Trong đó, thương mại điện tử được xem là đầu tàu tăng trưởng kinh tế số Việt Nam khi đóng góp đến 14 tỷ USD cho tổng giá trị hàng hóa của thị trường trong 4 năm qua (2019-2022) và có đến 96% người dùng kỹ thuật số ở khu vực thành thị sử dụng, cao thứ hai khu vực. Bên cạnh đó, các dịch vụ vận tải, giao đồ ăn và mua hàng trực tuyến cũng có số người dùng cao với tỷ lệ lần lượt là 85%, 85% và 84%.
Đặc biệt, dịch vụ tài chính kỹ thuật số được kỳ vọng phát triển vượt bậc. Giá trị khoản vay đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) nhanh nhất ở mức 114% giai đoạn 2021-2022 và dự kiến tăng 56% giai đoạn 2022-2025. Thanh toán số tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt 143 tỷ USD tổng giá trị giao dịch tại Việt Nam vào năm 2025...
Việt Nam cũng đứng đầu danh sách những thị trường tăng trưởng dài hạn tại Đông Nam Á của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Theo báo cáo của các quỹ đầu tư mạo hiểm, có khoảng 83% quỹ kỳ vọng hoạt động thương vụ tại Việt Nam tăng trưởng trong dài hạn. Hoạt động của các thương vụ tăng khoảng 60%, cụ thể ngành thương mại điện tử (TMĐT) được các nhà đầu tư yêu thích với số vốn xấp xỉ 230 triệu USD (chiếm hơn 31%) trong nửa đầu năm 2022. Tiếp theo là dịch vụ truyền thông trực tuyến với gần 190 triệu USD.
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo e-Conomy SEA 2022, tần suất và thời gian sử dụng các phương tiện truyền thông của người dùng kỹ thuật số tại Việt Nam vẫn còn thấp so với mức trung bình của khu vực. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng dài hạn ở lĩnh vực này.
Nhận thức tầm quan trọng của kinh tế số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, đưa ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP và đến năm 2030, kinh tế số chiếm trên 30% GDP. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này là thách thức lớn khi công tác quản lý nhà nước cũng như việc xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế số vẫn còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho các DN.
Chủ trương phát triển nhưng thực hiện vướng cơ chế
Chia sẻ tại tọa đàm "Hoàn thiện pháp lý thúc đẩy kinh tế số” do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức vào ngày 21/3/2023 vừa qua, ông Nguyễn Thế Hùng - nhà sáng lập và CEO Công ty CP Phát triển nguồn mở Việt Nam (VINADES) cho biết, công ty đầu tư khá nhiều dự án về dữ liệu nguồn mở, trong đó có hệ sinh thái đấu thầu, xuất thân từ phần mềm săn tin thầu. Trong đó, VINADES dùng phần mềm nguồn mở và dữ liệu công khai của Chính phủ về đấu thầu để phát triển phần mềm chuyên tổng hợp và xử lý dữ liệu thầu và gửi báo cáo trực tiếp đến các nhà thầu để họ chủ động tiếp cận các gói thầu đúng lĩnh vực, ngành nghề.
"Phần mềm được rất nhiều nhà thầu quan tâm sử dụng nhưng khi chúng tôi làm việc với Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương để làm thủ tục thông báo trang web TMĐT bán hàng thì Bộ Công Thương từ chối xác nhận trang TMĐT bán hàng cho chúng tôi vì Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch Đầu tư chưa cho phép sử dụng dữ liệu thầu, dù đây là dữ liệu công khai. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy là chúng tôi không thể tích hợp công cụ thanh toán online lên trang web được và luôn có án phạt treo lơ lửng trên đầu. Ngoài ra, nó cũng ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh, khi chúng tôi đăng ký tham gia bất kỳ chương trình giải thưởng nào thì các đơn vị cũng hỏi trang này hợp pháp chưa, tại sao Bộ Công Thương lại từ chối, cả khách hàng cũng hỏi mà chúng tôi không biết giải thích thế nào", ông Hùng phàn nàn.
Sau nhiều lần kiến nghị, Bộ Kế hoạch Đầu tư mới trả lời DN của ông Hùng được tiếp cận dữ liệu thầu tự do nhưng không được dùng phần mềm. "Vậy là chúng tôi phải làm khâu trung gian là cho nhân viên tiếp cận rồi sẽ dùng phần mềm xử lý lại dữ liệu trên máy tính của người đó. Trong khi Chính phủ vận động các DN chuyển đổi số nhưng với việc không cho phần mềm tiếp cận thì làm sao chuyển đổi số?", ông Hùng đặt vấn đề.
Chưa hết, bà Quyên Phạm - Phó chủ tịch Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam cho biết, các nhà sáng tạo nội dung số và các DN trong lĩnh vực game online cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo số liệu năm 2022, Việt Nam có khoảng 20.000 kênh bật kiếm tiền trên YouTube, mang lại doanh thu hơn 1.500 tỷ đồng, nhưng theo bà Quyên đây là con số thống kê chưa đầy đủ.
Bà Quyên nhận định: "Tôi ước lượng thực tế, số người kiếm tiền từ YouTube lớn hơn con số này phải 2-3 lần. Chưa kể những người kiếm tiền trên các nền tảng xuyên biên giới khác như âm nhạc trực tuyến. Ở góc độ kinh tế, những nhà sáng tạo nội dung số đã mang lại nguồn kiều hối đáng kể cho đất nước. Tuy nhiên, dù thúc đẩy phát triển kinh tế số là chủ trương lớn được triển khai, nhưng hiện vẫn chưa có một hành lang pháp lý đầy đủ để quản lý và thúc đẩy lĩnh vực sáng tạo nội dung số phát triển. Tôi tìm số liệu báo cáo của các bộ, ngành về lĩnh vực sáng tạo nội dung số thì hầu như chưa có bộ, ngành nào cập nhật. Ngay cả lĩnh vực công nghiệp nội dung số, số liệu cũng rất ít và không cụ thể cho từng lĩnh vực".
Từng tư vấn, hỗ trợ các nhà sáng tạo nội dung số đăng ký bản quyền tác giả và quyền sở hữu trí tuệ, bà Quyên nhận ra việc đăng ký không hề dễ dàng. "Việc chuẩn bị hồ sơ khá nhiều, thời gian chờ đợi cấp chứng nhận lâu, có những bộ hồ sơ nộp 2-3 năm chưa được cấp, mà cũng không có phản hồi. Trong khi đó, với các sản phẩm phát hành toàn cầu, có nhiều người theo dõi, có tiềm năng kiếm tiền tốt thì DN Việt Nam có thể bị đối thủ lấy sản phẩm đó đăng ký quyền sở hữu trí tuệ ở nước họ và quay ngược trở lại kiện các nhà sáng tạo nội dung số trong nước. Các startup, người làm sáng tạo nội dung số còn rất trẻ, các bạn sẽ không đủ tiềm lực để theo các vụ kiện quốc tế, nên nhiều khi đành chấp nhận bị mất sản phẩm về tay đối thủ”, bà Quyên Phạm tâm tư.
Không chỉ chưa nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan quản lý nhà nước, những nhà sáng tạo nội dung số cũng gặp khó khăn về chính sách thuế. Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Mỹ có quy định người Việt Nam và DN Việt Nam có thu nhập tại Mỹ khi đã đóng thuế cho Mỹ thì về Việt Nam sẽ không phải đóng thuế nữa.
Tuy nhiên, các nhà sáng tạo nội dung trên YouTube dù đã bị khấu trừ 30% thuế thu nhập từ các lượt xem tại Mỹ; 24% cho tổng lượt xem toàn cầu nhưng vẫn phải nộp thêm 7% (5% thuế VAT và 2% thuế thu nhập cá nhân) tại Việt Nam. Bên cạnh đó là những vướng mắc về việc nộp hợp đồng, hóa đơn các giao dịch điện tử để kê khai nộp thuế và khấu trừ các chi phí hay các hình thức thanh toán điện tử mới vẫn chưa được chấp nhận.
Với ngành game online lại còn khó chồng khó. Bà Quyên cho biết, người Việt có năng lực vượt trội trong việc sáng tạo game, cụ thể 50% số game online chơi nhiều nhất trên thế giới có nguồn gốc từ Việt Nam. Hơn 180.000 người Việt đang viết game trên ứng dụng Google Play và Apple, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng lập trình viên. Tuy nhiên, có một nghịch lý là ngành game online Việt Nam ngày càng teo tóp.
Bà dẫn chứng: "Tổng giám đốc một studio sản xuất game trong tốp 5 ở Hà Nội từng chia sẻ với tôi rằng, để xin thẩm định và cấp phép game online tốn rất nhiều thời gian và nguồn lực. Từ việc phải in nhiều tập hồ sơ rất dày, cử nhân viên tới gõ cửa từng thành viên hội đồng thẩm định để nộp và mất vài tháng mới có đủ kết quả thẩm định. Trong khi đặc thù game online thì liên tục được update nên có khi xin được giấy phép thì kịch bản game đã thay đổi khác hẳn với hồ sơ ban đầu rồi. Cho nên việc thẩm định kịch bản và cấp phép trước khi phát hành không có nhiều ý nghĩa trong công tác quản lý. Do đó, nhiều DN chọn cách phát hành game ở nước thứ ba (Thái Lan, Singapore, Bồ Đào Nha). Thực tế, có những game online của DN Việt phát triển rất mạnh nằm trong top 10 số lượng người tải. Điều đáng tiếc, mặc dù là game được sản xuất tại studio ở Việt Nam nhưng lại được phát hành ở một nước khác và để khỏi gặp phiền toái, đôi khi DN còn chặn người dùng trong nước".
Bà cũng cho biết thêm, vào lúc game online phát triển thịnh vượng tại Việt Nam, từng có nhiều ý kiến đề xuất Nhà nước nên quản lý bằng hậu kiểm, bằng việc tạo ra quy định cái nào cấm DN không được làm, nếu vi phạm thì DN sẽ bị phạt nặng, thu hồi giấy phép hoặc xử lý hình sự. Tuy nhiên, các kiến nghị này đều không được cơ quan quản lý nhà nước tiếp thu.
Phụ trách quản lý và hỗ trợ nhiệm vụ Đề án 844 - Bộ Khoa học Công nghệ, ông Nguyễn Việt An cũng thấu hiểu những khó khăn mà các cá nhân, DN sáng tạo nội dung số gặp phải. Riêng các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tham gia Đề án 844, dù đã được tạo môi trường thuận lợi cho quá trình hình thành và phát triển cũng gặp một số vướng mắc.
Ông dẫn chứng câu chuyện của ông Nguyễn Tuấn Anh - cựu CEO Grab Việt Nam thực hiện dự án làm robot tự hành để hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, cần một nơi để chạy thử xe robot tự hành này nhằm đo đạc, kiểm tra thông số về mặt an toàn trước khi đưa ra thị trường thì khó tìm được nơi bảo đảm quy mô, mật độ dân số ở Việt Nam để thử nghiệm sản phẩm như vậy. "Nếu không có những thử nghiệm đó thì rất khó xin các giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành để đưa sản phẩm ra thị trường", ông Việt An nhận định.
Ông cũng đưa ra một trường hợp khác, thực hiện sản phẩm liên quan lĩnh vực y tế, khi xin giấy phép để đưa sản phẩm ra thị trường thì startup này băn khoăn sản phẩm đó có nằm trong danh mục thiết bị y tế không hay chỉ cần xin giấy phép về tiêu chuẩn cơ sở là có thể đưa ra thị trường. Và họ phải đi hỏi ba bộ, ngành khác nhau (Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Y tế và một số cơ quan quản lý chuyên ngành khác), mất hơn một năm mới tìm được câu trả lời thỏa đáng.
Bên cạnh đó là câu chuyện nguồn vốn cho các DN ĐMST. "Hiện tại, việc DN Việt Nam phải đăng ký ở nước ngoài (đặc biệt là Singapore) để nhận vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm là điều các chuyên gia nói rất nhiều. Phải có cơ chế gì để thu hút các DN Việt Nam đăng ký kinh doanh trong nước thay vì phải đăng ký kinh doanh ở nước ngoài? Điều này liên quan đến việc quản lý các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm rồi các cơ chế liên quan như sự cạnh tranh về thuế cho việc đầu tư mạo hiểm. Thật ra các cơ quan quản lý nhà nước cũng nhận thức nhất định về việc này nhưng để sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết hoặc tạo điều kiện cho các DN phát triển thì chưa được như kỳ vọng. Để sửa một nghị định thôi đã tốn rất nhiều công sức mà không phải chỉ sửa một nghị định là giải quyết được vấn đề vì có những văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo với nhau. Đó là việc của liên ngành, liên bộ trong các cơ quan chính phủ”, ông An nhìn nhận.
Đồng ý với quan điểm này, TS. Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam (Bộ Khoa học Công nghệ) cũng dẫn chứng NĐ80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Chính phủ. Ông đánh giá đây là nghị định ban hành rất đúng thời điểm giúp hỗ trợ DN phát triển, nâng tầm DN Việt nhưng vẫn vướng nhiều cơ chế giữa các bộ, ngành. "Hiện nay, Bộ Tài chính vẫn chưa ra thông tư hướng dẫn cách giải ngân nên nghị định ra từ năm 2021 nhưng chưa triển khai được. Đây là nghị định tiêu tốn rất nhiều nguồn lực xã hội nhưng không hiệu quả do chưa có thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Về mặt quản lý nhà nước thì đây là cũng là một lỗi kết hợp giữa các bộ, ngành khi chưa hoàn thiện được khung pháp lý hỗ trợ cho các DN phát triển".
TS. Quý cũng cho rằng, luật hay đi sau các vấn đề của xã hội, của kinh tế. "Kinh tế số ở Việt Nam còn khá mới, nên nếu muốn có khung pháp lý đầy đủ, rõ ràng thì không phải ngày một ngày hai. Trên thế giới cũng thế, tuy nhiên họ giải quyết vấn đề linh hoạt, nếu chưa có khung pháp lý cho ngành nghề mới thì phải có một ủy ban để giải quyết gấp các vấn đề phát sinh", ông gợi mở.
Bài 2: Thành lập tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp số