Lê Linh Phương, Phạm Thị Ngọc Quyên và Trần Gia Ly, mỗi người một tính cách, nhưng chơi thân với nhau từ những năm học cấp hai. Những tưởng tình bạn ấy sẽ dần phai nhạt khi cả ba vì hoàn cảnh gia đình phải chuyển chỗ ở và mỗi người chọn cho mình một hướng đi riêng. Thế nhưng, tình bạn ấy lại ngày càng khăng khít hơn khi họ “tìm được tiếng nói chung” trong tình yêu với thổ cẩm.
Mỗi người góp 700.000 đồng
Việc kinh doanh hàng thổ cẩm đến với họ khi cả ba đã ra trường và có việc làm ổn định. “Muốn cùng nhau làm một cái gì đó cho vui, để bạn bè gặp nhau thường xuyên hơn. Mở cửa hàng bán quần áo, giày dép thì không thể vì phải có vốn nhiều.
Phương, Ly, Quyên cùng với sản phẩm của Thổ cẩm Việt |
Chợt nhớ đến những vật dụng làm từ thổ cẩm mà em rất thích và mua ở những nơi đã đi qua trong thời gian làm hướng dẫn viên du lịch, nên em đề nghị kinh doanh hàng thổ cẩm. Và cả hai bạn đều gật đầu với ý tưởng kinh doanh này”, Linh Phương nói về “mối nhân duyên” với thổ cẩm.
Không có nhiều tiền để mở công ty, ba cô gái trẻ mỗi người góp 700.000 đồng mua một số nguyên liệu, đặt may túi xách và đưa lên mạng bán. Tưởng làm chơi cho vui, “ai dè, ít lâu sau, những mẫu đưa lên mạng được khách hàng đặt mua khá nhiều”, Phương kể. Và chỉ bốn tháng sau khi đưa hàng lên mạng, Phương bàn với hai bạn thuê mặt bằng (số 107H Trương Định, P.6, Q.3, TP.HCM) để mở cửa hàng và thương hiệu “Thổ cẩm Việt” ra đời từ đó.
Dù chưa có kinh nghiệm kinh doanh nhưng cả ba chia việc rất bài bản, chuyên nghiệp. Ngay từ khi mới mở cửa hàng, họ đã lên kế hoạch cho cả năm và mỗi người nhận một nhiệm vụ cụ thể. Linh Phương quản lý chung, Ngọc Quyên mua nguyên liệu, còn Gia Ly vốn tính cẩn thận nên làm “tay hòm chìa khóa”. Và công việc cứ thế vận hành cho đến hôm nay.
Từ chỗ không mấy ưa thích hàng thổ cẩm, đến giờ, sau một năm “song hành” cùng Thổ cẩm Việt, cả Ngọc Quyên lẫn Gia Ly đều thích những hoa văn, họa tiết của loại vải được dệt và thêu bằng tay này. Đặc biệt là Linh Phương, cô gái mạnh mẽ và quyết đoán nhất trong nhóm, rất yêu thổ cẩm.
Tình yêu ấy thể hiện qua việc sử dụng thổ cẩm của Linh Phương: tất cả các vật dụng của cô, từ bóp, dép, băng-đô cài tóc cho đến khăn choàng, vòng đeo tay đều làm bằng thổ cẩm. “Nhiều đứa bạn vẫn hay chọc em là “cô gái thổ cẩm” vì đồ dùng của em toàn làm bằng thổ cẩm.
Hiện nay, chỉ còn thiếu một thứ mà em chưa dùng thổ cẩm, đó là bộ bikini. Em rất muốn có, nhưng Thổ cẩm Việt không kinh doanh mặt hàng này và cũng chưa có nhà sản xuất áo tắm nào có ý tưởng may áo tắm bằng thổ cẩm. Nếu có, chắc em cũng sẽ sưu tầm cho đủ bộ”, Linh Phương tiết lộ.
Giấc mơ thương hiệu thổ cẩm
Không chỉ tìm kiếm những bộ sưu tập thổ cẩm cho nhóm, ba cô gái trẻ còn quyết mang một mảng văn hóa của dân tộc thiểu số đến với mọi người. Chính vì vậy, không chỉ bán các loại túi xách thông dụng, Thổ cẩm Việt còn cung cấp trên 400 mẫu đồ dùng các loại, từ giày dép, vòng đeo tay, vòng đeo cổ đến ví đựng tiền, thú đồ chơi...
Mỗi loại có nét đặc trưng riêng. Bên cạnh hàng thổ cẩm, ba bạn trẻ còn làm phong phú nguồn hàng bằng các loại túi xách kết cườm, hàng thêu và da. Nếu dành cho học sinh là những chiếc túi đeo xéo, kiểu dáng đơn giản hay bóp đựng viết tiện dụng, thì những người đi làm được “phục vụ” với các loại túi xách thổ cẩm kết hợp da. Những người tuổi trung niên có thể chọn loại giỏ có quai bằng gỗ; những người có cá tính mạnh thì được chăm sóc bằng các loại túi xách, vật dụng lạ, độc đáo...
Chính nhờ nguồn hàng đa dạng và cách tiếp thị hiện đại (đưa hàng lên mạng) mà không chỉ có khách tại TP.HCM, Thổ cẩm Việt còn xuống tận Tiền Giang, đến với khách du lịch Nha Trang. Không những thế, những đơn đặt hàng mang sang Mỹ, Nhật, Pháp cũng đều đặn đến khiến ba bạn trẻ quyết tâm khuếch trương thương hiệu Thổ cẩm Việt.
Hiện nay, ngoài được đánh giá cao về nguồn hàng phong phú, Thổ cẩm Việt còn có lợi thế về giá. Nếu so với các cửa hàng trên đường Đồng Khởi thì hàng của Thổ cẩm Việt có giá rẻ hơn 30 - 40%.
Sau hơn một năm kinh doanh những vật dụng làm từ thổ cẩm, Linh Phương, Ngọc Quyên, Gia Ly đã phần nào xác định được thị hiếu của khách hàng. Đó là, “người trẻ, cá tính mạnh thích chọn những vật dụng có hoa văn, màu sắc sặc sỡ, được làm từ thổ cẩm Tây Bắc (của người Mông, Dao, Mèo), còn phụ nữ trung niên thì chọn thổ cẩm Chăm với màu sắc nhã nhặn hơn. Thị trường Mỹ thích hàng thêu và da lộn, Pháp chọn thổ cẩm Tây Bắc, Nhật thích hàng cườm”, Linh Phương cho biết.
Dù Thổ cẩm Việt đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường và cả ba cô gái đều đã trưởng thành hơn, nhưng họ vẫn chọn cách vừa kinh doanh vừa đi làm ở ba công ty khác nhau. “Đó là vì tụi em muốn học hỏi thêm kiến thức và tích lũy kinh nghiệm từ môi trường bên ngoài”, Linh Phương nói thêm.