Tám Sài Gòn 59

TÁM SÀI GÒN| 19/08/2012 05:04

Tám Sài Gòn tôi vừa nhận được một bức thư, không, đúng hơn là những dòng tâm sự của một thầy giáo. Mời quý vị và các bạn cùng chia sẻ tâm tư với một người đang làm trong nghề, được gọi là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý của xã hội.

Tám Sài Gòn 59

Tám Sài Gòn tôi vừa nhận được một bức thư, không đúng hơn là những dòng tâm sự của một thầy giáo. Mời quý vị và các bạn cùng chia sẻ tâm tư với một người đang làm trong nghề, được gọi là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý của xã hội:

“Cuối tuần, nhìn người ta đi xe ga lướt trên đại lộ, mình tạt vào hiệu sửa xe chăm sóc chiếc xe cà tàng. Ông thợ sửa xe hỏi:

- Thầy lương tháng chắc đến 5-6 triệu, sao không thay phụ tùng tốt?

Nghe xong, tôi lại nhớ lúc cậu học trò hỏi lương tháng thầy được bao nhiêu, nghe thầy trả lời xong, mắt cậu buồn nhìn xa xăm. Hôm sau là hạn chót nộp hồ sơ thi đại học. Chắc hẳn, chỉ vì “ngại” đồng lương như của thầy mà em phải từ bỏ giấc mơ làm “kỹ sư tâm hồn”. Sau cùng em nói thật chua chát:

- Em thích, nhưng hoàn cảnh khó khăn không đủ sức theo nghề này thầy ạ!

Không thể phủ nhận, sự thăng hoa nhất thời của thu nhập không thể đặt ngang tầm với những giá trị cao quý. Chúng ta phải nói với nhau và với con cháu mình về những giá trị sống cao hơn đồng tiền. Tôi đã từng ngồi trên chiếc xế hộp tiền tỷ, nghe anh bạn giãi bày:

- Mình vẫn tiếc và thiếu một thứ là không được đến trường đại học. Đại học của các thầy ấy chứ không phải tại chức đánh trống ghi tên.

Buổi sáng, ra đầu ngõ ăn sáng. Ông chủ quán bỏ thật nhiều thịt bò, hành tươi vào tô phở và đích thân bưng lại. Quán đang độ đông khách, nhưng ông vẫn cố nấn ná giãi bày:

- Mời thầy! Hôm qua cả nhà tôi đi chùa Tây Phương đấy, cái chùa mà có bài thơ của ông gì viết rất hay đấy, tôi thuộc thơ nhưng không nhớ tên thôi. Tôi thích lắm!

Những lúc như thế thấy chữ nghĩa, đạo nghĩa nó cao hơn tiền thật! Nhưng liệu cứ phải tránh mặt tiền, lấp đồng tiền mới có thể nói về đạo nghĩa chăng?

Tiền, với ý nghĩa là công cụ để trao đổi, lưu thông trong xã hội tiêu dùng, thường bị nhiều người coi nhẹ. Nhưng khi tiền được chọn làm đơn vị định mức trí tuệ, công sức, địa vị của một con người thì cũng thật đáng để bàn đấy chứ. Khi chính bản thân người thầy không lý giải nổi sự bất cập của đồng tiền định giá trí tuệ, tác phong, nhân cách thì khó mà thuyết phục được người học về sự lựa chọn tương lai.

Dạy và học ngày nay không còn là cõi bình yên nơi trường ốc, mà được đặt trong nhịp sống hiện đại, xu thế vận động của xã hội, nên không thể áp đặt những lý thuyết kém thuyết phục. Điều thầy giảng, chí ít phải đạt ở độ trung bình khá trong xã hội.

Một ngành nghề có thu nhập thấp hẳn không thể có chỗ đứng trong tốp trung bình của xã hội. Khi lương thấp kéo theo các trang thiết bị, điều kiện giao lưu, học hỏi khó khăn, sao có thể đảm bảo về sự hiểu biết ?!

Thu nhập thấp cũng có nghĩa là anh chưa thật sự năng động, không đủ sức hay không dám can đảm tìm kiếm cơ hội mới.

Suy cho cùng, lương bổng là một dạng thu nhập thụ động của người thầy. Nhưng, không có nghĩa nó là chuyện bất biến, nan giải. Hãy cởi mở hơn với quan niệm người thầy, đem lại cho giáo dục một nguồn lợi đáng kể từ vốn tri thức, mới có thể giúp họ tự tin trên bục giảng”.

Trên đây chỉ là tâm tư, nguyện vọng của một nhà giáo, không phải đề xuất, kiến nghị gì, nhưng Tám tui thiết nghĩ, đó là những điều không nên nghe qua rồi bỏ. Bạn có nghĩ vậy không?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tám Sài Gòn 59
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO