Đông Nam Á có khả năng vượt qua Trung Quốc về tăng trưởng kinh tế, và nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong mười năm tới.
Một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Singapore vừa nhận định như vậy, với lý do khu vực này hưởng lợi từ sự gia tăng dân số cũng như thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu.
Báo cáo “Triển vọng Đông Nam Á 2024 – 2034”, được công bố bởi Angsana Council, công ty tư vấn Bain & Co của Hoa Kỳ và Ngân hàng DBS của Singapore, đã dự báo về tổng sản phẩm quốc nội của sáu nền kinh tế trong khu vực, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Theo nghiên cứu, GDP của sáu nền kinh tế trên, dự kiến sẽ tăng trung bình 5,1% cho đến 2034, vượt xa mức tăng dự kiến của Trung Quốc là 3,5% đến 4,5%.
Theo quốc gia, Việt Nam dự kiến sẽ dẫn đầu với 6,6%, tiếp theo là Philippines với 6,1%, trong khi Singapore - quốc gia chậm nhất trong sáu quốc gia - dự kiến sẽ đạt 2,5%.
Ông Charles Ormiston, chủ tịch Angsana Council cho rằng, động lực này là do tăng trưởng trong nước mạnh mẽ của khu vực, và các công ty đa dạng hóa sản xuất ngoài Trung Quốc.
Ông nói: “Các khoản đầu tư đa quốc gia sẽ có tính cạnh tranh cao. Sự cạnh tranh giữa các quốc gia, sẽ cải thiện kết quả hoạt động của doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng.”
Mặc dù báo cáo không nói chính xác số liệu FDI, nhưng dự đoán rằng, nguồn vốn nước ngoài vào Đông Nam Á sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ.
Năm 2023, sáu nền kinh tế đã thu hút nhiều vốn nước ngoài hơn Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên sau một thập kỷ. Cụ thể, FDI vào sáu quốc gia đạt tổng cộng 206 tỷ USD, so với 42,7 tỷ USD của Trung Quốc.
Ngoài việc là đối tác thương mại lớn nhất, báo cáo lưu ý rằng, Trung Quốc có khả năng trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong khu vực.
Báo cáo có đoạn: “Không chỉ các nhà đầu tư phương Tây vào Trung Quốc, mà các nhà đầu tư Trung Quốc hiện đang tìm cách chuyển ra nước ngoài, để tránh hạn chế về thuế quan và lo ngại về an ninh.”
Theo ban thư ký ASEAN, Hoa Kỳ là nguồn FDI lớn nhất của khu vực, với 37 tỷ USD năm 2022, chiếm 16,5% tổng số, phần lớn đổ vào lĩnh vực sản xuất và tài chính. Không tính các khoản đầu tư nội khối ASEAN, Nhật Bản đứng thứ hai với 27 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc với 15 tỷ USD.
Ở khía cạnh khác, xét về giá trị tuyệt đối, GDP thực tế của Trung Quốc trong tương lai vẫn lấn át cả khu vực.
Báo cáo dự báo GDP thực tế của Trung Quốc vào năm 2034, là 154 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 21 nghìn tỷ USD) - gấp khoảng 5 lần so với 6 nền kinh tế Đông Nam Á cộng lại. Theo Cơ sở dữ liệu triển vọng kinh tế thế giới, của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP thực tế của Trung Quốc vào năm 2029 sẽ gấp 4,3 lần, so với mười thành viên ASEAN.
Để thúc đẩy tăng trưởng, báo cáo gợi ý, các quốc gia nên ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực mới nổi, phù hợp với lực lượng lao động và tài nguyên thiên nhiên. Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, và củng cố thị trường vốn, là những lĩnh vực chính hỗ trợ các công ty mới tham gia thị trường.
Ông Taimur Baig, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng DBS nói: “FDI không nhất thiết phải dành cho 1 lĩnh vực yêu thích, hoặc 1 công ty yêu thích, sau đó hưởng vị thế độc quyền hoặc vị thế ưu tiên trong nền kinh tế. Làm vậy chỉ gây lãng phí. Tác động lan tỏa của FDI, là cho phép nền kinh tế cạnh tranh hơn.”
Trong số lĩnh vực tăng trưởng mới, Thái Lan và Indonesia nổi lên như trung tâm khu vực cho chuỗi cung ứng xe điện.
Malaysia, Singapore và Việt Nam đang mở rộng sản xuất chất bán dẫn trên các bộ phận khác nhau của chuỗi giá trị, trong khi toàn bộ khu vực đang hưởng lợi từ sự bùng nổ đầu tư vào trung tâm dữ liệu.
Nhưng cũng có cảnh báo rằng, lao động giá rẻ, đất đai được trợ cấp và hạ thuế - những điều mà hầu hết các quốc gia Đông Nam Á vẫn dựa vào - sẽ không thúc đẩy FDI chất lượng cao.
Thay vào đó, tính khả dụng của năng lượng xanh sẽ đáng tin cậy hơn. Thuế thấp kết hợp với năng lượng xanh, sẽ thu hút FDI khi nhiều công ty toàn cầu thúc đẩy quá trình khử carbon. Đây có thể là cơ hội tăng trưởng lớn của Đông Nam Á.