Rộng cửa hơn cho xe nhập
Sau hai năm quản lý xe nhập khẩu bằng Nghị định 116, ngày 5/2/2020, Thủ tướng đã ban hành Nghị định 17 sửa đổi, bổ sung một số điểm của Nghị định 116/2017 về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Theo đó, ngoài việc bãi bỏ yêu cầu về giấy VTA (giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô), Nghị định 17 nới lỏng thủ tục thông quan cho xe nhập khẩu. Việc đánh giá chất lượng kiểu loại với mẫu đại diện của các lô xe giống nhau về nhiều đợt có tần suất đánh giá tối đa 36 tháng. Với quy định mới, thủ tục và yêu cầu khai báo, thông quan đối với xe nhập khẩu đơn giản hơn, thời gian thông quan được rút ngắn, giảm chi phí kiểm tra, thử nghiệm, lưu kho.
Như vậy, với Nghị định 17, những rào cản cuối cùng đối với ô tô nhập khẩu được gỡ bỏ. Khi những rào cản kỹ thuật với xe nhập khẩu được dỡ bỏ, lượng xe nhập khẩu sẽ tăng nhanh, chắc chắn xe sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ gặp khó khăn hơn
Theo giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô từ châu Âu, những quy định trong Nghị định 17/2020 chắc chắn tác động tích cực đến quy trình nhập khẩu ô tô về Việt Nam. Về thời gian, việc bỏ thủ tục kiểm tra theo lô và giấy chứng nhận VTA sẽ giúp tiết kiệm từ 15-20 ngày so với trước.
Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc lên đến 3,1 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2018. Ô tô nhập khẩu tăng trưởng mạnh trong khi ô tô trong nước lại tăng trưởng âm. Xe lắp ráp do chi phí sản xuất cao nên khó cạnh tranh với xe nhập về giá. Hai tháng đầu năm 2020, mặc dù số lượng xe nhập khẩu về Việt Nam giảm nhưng chủ yếu do trùng với thời điểm Tết Nguyên đán cộng với dịch bệnh Covid-19 khiến sức mua giảm.
Cần chính sách hỗ trợ
Ông Phạm Văn Dũng - Tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam cho biết, Ford và các đơn vị khác của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã nghiên cứu về sức cạnh tranh của xe trong nước và xe nhập khẩu. Có ba yếu tố khiến giá xe trong nước cao hơn xe nhập khẩu đến 20%, đó là cách tính thuế của xe nhập và xe sản xuất lắp ráp trong nước khác nhau, năng lực sản xuất của doanh nghiệp còn thấp và dung lượng thị trường Việt Nam còn nhỏ.
Ông Phạm Văn Dũng cho rằng, quy mô thị trường thì doanh nghiệp không thể nâng lên được nhưng đầu tư dây chuyền sản xuất, công nghệ là điều mà doanh nghiệp có thể chủ động để tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Vấn đề quan trọng là bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, cần có chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
Một báo cáo về ô tô, xe máy tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối năm 2019 cho rằng, hàng rào kỹ thuật hay hàng rào hành chính sẽ không giải quyết hiệu quả và tạo ra sự cân bằng giữa xe nhập khẩu nguyên chiếc với xe lắp ráp trong nước, cũng như không tạo điều kiện phù hợp để thị trường phát triển lành mạnh.
Các giải pháp về thuế nên được triển khai để tạo sức cạnh tranh cho xe trong nước về lâu dài. Trong đó, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt không áp dụng cho phần gia tăng trong nước là giải pháp rất phù hợp trong tình hình hiện tại. Bởi khi được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần linh kiện mua trong nước sẽ tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Chính sách hỗ trợ đang trông chờ là giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ộ tô trong nước cũng như giảm thuế nhập khẩu linh kiện mà trong nước chưa sản xuất được. Mới đây, Bộ Công Thương đề xuất những chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô trong nước. Trong đó, dự thảo nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được Bộ trình Chính phủ.
Theo đó, tiếp tục đề xuất áp dụng thuế suất tiêu thụ đặc biệt ở mức 0% đối với ô tô điện, không áp dụng đối với phần giá trị gia tăng tạo ra của ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, nâng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số dòng xe ở mức hợp lý. Doanh nghiệp ô tô mong những đề xuất này đi vào hiện thực để có thể tăng sức cạnh tranh cho xe nội.