Trong một đoàn công tác có hai cha con doanh nhân. Người con trai trẻ, khoảng 25 tuổi, đi theo để phiên dịch tiếng Anh hỗ trợ bố. Ngồi trong xe, anh chàng hết ngủ lại dậy bấm điện thoại. Thỉnh thoảng chỉ có tiếng ông bố vang lên đầy yêu thương và nhẫn nại: "Ngủ được không con, mệt không con, uống nước không, ăn cái kẹo cho đỡ say xe...".
Đọc E-paper
Cậu con trai chỉ ậm ừ, không mấy khi trả lời bố. Tôi bỗng nghĩ, người bố yêu thương con quá, cư xử với đứa con đã trưởng thành như với một đứa trẻ nhỏ.
Những đứa trẻ sống trong giàu sang sung sướng thế đấy. Cha mẹ chúng dẫu bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn để mắt đến con, lo lắng từ cây kẹo ngậm đến miếng nước uống.
Rồi tôi nghĩ đến những đứa trẻ nghèo đậu thủ khoa hai, ba trường đại học thường đăng trên báo mỗi mùa tựu trường, đến những bữa cơm chan nước tương, những cay đắng tuổi thơ thiếu thốn.
Ấn tượng nhất là chuyện một cậu bé về Hà Nội ôn thi đã sống cùng bố trong lòng cống cạn suốt hai năm chờ ngày thi đậu. Và cậu bé đã đậu thủ khoa đại học. Ai đếm được những đêm đông giá rét cậu ngồi học bài với cái bụng trống rỗng, trong ánh mắt mệt mỏi chờ trông của người bố, với quyết tâm phải học để có cơ hội đổi đời?
Cả xã hội khi nghe chuyện đều thương yêu và cảm phục cậu bé tài ba đã nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn để thực hiện ước mơ. Nhưng rồi bỗng nghĩ mỗi con người sinh ra đều đối diện với hoàn cảnh riêng, cuộc sống riêng, như Phật pháp đã từng minh định "đời là bể khổ". Vậy được làm con nhà giàu là sung sướng, là không có áp lực nào trong cuộc sống?
Tôi đã từng gặp những thanh niên đang chịu áp lực gánh trên vai nặng trĩu ước mơ của cha mẹ. Những đứa trẻ được cung phụng đầy đủ về vật chất để leo lên những bức tường dựng đứng đi đến ước mơ, để đạt được những gì cha mẹ còn thiếu. Tôi hình dung chúng đối mặt với những kế hoạch khá vĩ đại với tuổi thơ, rời gia đình từ bậc trung học cơ sở để đến các xứ lạ du học.
Đôi khi tôi nghĩ không nên so sánh một đứa trẻ rời nhà đến châu Âu hay nước Mỹ du học, trằn trọc trong cái lạnh giá thì sung sướng hơn đứa chui rúc trong lòng cống cạn ôn thi đại học. Bởi vì chúng ta thường không nhìn thấu nỗi khổ tâm, trong khi cái sướng khổ vật chất nó hiển hiện rõ ràng.
Một gia đình giàu có từng phải đối mặt với bi kịch khi ép con gái thực hiện ước mơ du học và thành tài nơi xứ người. Không hòa nhập được với cộng đồng bản xứ, thất vọng về mối tình đầu và nỗi cô đơn bủa vây đến mức cô gái mắc bệnh tâm thần, rồi gia đình phải đón cô về trong sững sờ: từ một cô gái khỏe mạnh, xinh xắn cô đã biến thành một đứa trẻ ngẩn ngơ, ngây dại. Ước mơ con thành tài về gánh vác sự nghiệp gia đình tiêu tan.
Một số bạn trẻ khác cũng gánh trên vai trách nhiệm học xong trở về kế nghiệp gia đình. Và không gì sung sướng hơn với các bậc cha mẹ khi "khoe" mình một đời vất vả gầy dựng sự nghiệp và con cái đã tiếp quản được công ty, đưa doanh nghiệp phát triển thấy rõ.
Những doanh nhân tuổi đời chỉ từ 23 - 25 đã nắm giữ những chức vụ quan trọng trong các công ty gia đình là điều không lạ, nhưng chênh lệch giữa thực học và thực làm là khó tránh. Bởi vì lập trình cho một con người chỉ cho đáp số tương đối.
Kỷ luật cho con cái trong các gia đình doanh nhân thường khắt khe hơn, bởi thế hệ trẻ phải có trách nhiệm với khối tài sản lớn của gia đình cũng như với nhân viên của doanh nghiệp. Ngay từ khi còn nhỏ, những đứa trẻ con nhà giàu đã được giáo dục để hiểu trách nhiệm nặng nề đó.
Sự quan tâm và trao gửi cho con những gì mình có của những bậc cha mẹ giàu có không khác nào đặt lên vai những đứa trẻ một áp lực, dù đó là tình yêu thương và sự kỳ vọng.
>Hội chứng con nhà giàu
>Áp lực trên vai người trẻ