Anh Nguyễn Đức Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu: Trong “nguy” luôn có “cơ”

KIM DUNG| 04/02/2009 03:55

Điềm tĩnh, thẳng thắn, quyết đoán, nhưng cũng rất lãng mạn trong những thú vui đời thường là đôi nét phác họa chân dung “thủ lĩnh” Nguyễn Đức Quang của Sao Bắc Đẩu (SBĐ). Là một doanh nhân được đào tạo ở nước ngoài, mỗi bước đi của anh đều rất thận trọng, bài bản. Trong hành trình “vượt dốc” để trở thành một trong những thương hiệu có uy tín trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam hiện nay của SBĐ, anh không chỉ là người trực tiếp xây dựng và phát triển các chiến lược kinh doanh mà còn đóng vai trò là người “giữ lửa”…

Anh Nguyễn Đức Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu: Trong “nguy” luôn có “cơ”

Điềm tĩnh, thẳng thắn, quyết đoán, nhưng cũng rất lãng mạn trong những thú vui đời thường là đôi nét phác họa chân dung “thủ lĩnh” Nguyễn Đức Quang của Sao Bắc Đẩu (SBĐ). Là một doanh nhân được đào tạo ở nước ngoài, mỗi bước đi của anh đều rất thận trọng, bài bản. Trong hành trình “vượt dốc” để trở thành một trong những thương hiệu có uy tín trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam hiện nay của SBĐ, anh không chỉ là người trực tiếp xây dựng và phát triển các chiến lược kinh doanh mà còn đóng vai trò là người “giữ lửa”…


* Tuy có hơi trễ nhưng vẫn xin chúc mừng SBĐ đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng. Sau hơn 10 năm khởi nghiệp, phần thưởng này có ý nghĩa như thế nào đối với anh?



- Niềm vui này đến với chúng tôi vào những ngày cuối cùng của năm 2008. Đây là sự ghi nhận của Chính phủ đối với những đóng góp cho xã hội của một công ty tư nhân. Chúng tôi rất tự hào về phần thưởng này và thêm tự tin vào định hướng đầu tư của mình. Việc góp phần đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội chính là hoài bão của tôi ngay từ lúc thành lập công ty.

- Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, chúng tôi cũng thấy rõ hơn trách nhiệm nặng nề của mình trong việc duy trì và phát huy những thành quả đã đạt được của công ty để từ đó có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn chưa có tín hiệu sáng sủa như hiện nay.

* Để hoàn thành trách nhiệm mà anh vừa nói, trong năm 2009 này, SBĐ sẽ ưu tiên giải quyết những vấn đề nào?

- Những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải đối diện trong năm nay khác với những gì mà họ đã trải qua trong năm 2008. Nói một cách chính xác hơn, khó khăn của năm 2008 là khó khăn nhất thời về tài chính, còn khó khăn của năm 2009 là khó khăn về thị trường.

- Chính vì vậy mà trong năm nay chúng tôi đã có sự điều chỉnh cụ thể: Giữ mức tăng trưởng 30% so với năm 2008, tập trung phát triển hạ tầng phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ contact center (trung tâm dịch vụ khách hàng) và data center (trung tâm tích hợp dữ liệu).

* Nói về những khó khăn của năm 2008 và hiện tại, các chuyên gia kinh tế và quản trị đều khẳng định “trong nguy có cơ”. Song, không ít doanh nhân lại cho rằng đấy chỉ là cách nói “an ủi” hoặc “trấn an” kiểu... lý thuyết vì trên thực tế chưa thấy doanh nghiệp nào chứng minh được là mình đã tìm thấy “cơ” cả. Riêng với SBĐ thì sao?

- Năm 2008 khó khăn đến với các doanh nghiệp chủ yếu từ hai nguyên nhân: Thiếu vốn và sự biến động tỷ giá. Với SBĐ, sự biến động tỷ giá là thách thức lớn nhất và chúng tôi đã phải chấp nhận chịu lỗ trong nhiều hợp đồng đã ký với đối tác. Suốt thời gian đó, HĐQT đã liên tục họp để phân tích tình hình, thậm chí có lúc chúng tôi đã nghĩ tới bước lùi - tức thu gọn lại hoạt động đầu tư.

- Nói thì có vẻ lý thuyết, nhưng thời kỳ khủng hoảng chính là lúc thị trường sàng lọc, nhận dạng những doanh nghiệp có thực lực. Đây cũng là thời điểm để mỗi doanh nghiệp tự nhìn lại và hoàn thiện mình. Với SBĐ, trong cái “nguy” quả thật đã có “cơ”: Trong quá trình rà soát lại mọi hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là hệ thống quản lý, không ít đơn vị đã phát hiện ra mô hình quản trị của mình còn nhiều lỗ hổng. Và đây chính là lý do để họ quyết định sử dụng các sản phẩm phần mềm, dịch vụ tư vấn... của SBĐ để củng cố lại hệ thống hỗ trợ cho các dịch vụ hay công tác quản lý của mình. Kết quả, năm 2008 SBĐ đạt 97% kế hoạch đặt ra, tăng trưởng đạt 60% so với năm 2007.

* Là một trong bốn sáng lập viên của SBĐ và gắn bó với Công ty suốt 12 năm qua, nhưng hình như xuất phát điểm của anh lại chẳng dính dáng gì đến lĩnh vực CNTT?

- Đúng vậy. Tôi học chuyên ngành quản trị ở Hungary. Về nước năm 1992, tôi vào làm cho một văn phòng đại diện thương mại - xuất nhập khẩu của Hungary tại Việt Nam. Là người thích phiêu lưu, ý tưởng ra kinh doanh riêng đến với tôi rất tình cờ. Chọn lĩnh vực CNTT để khởi nghiệp vì lúc ấy (năm 1996) nhìn ra thị trường chúng tôi thấy gần như lĩnh vực tích hợp hệ thống còn bỏ ngỏ.

- Với số vốn vài trăm triệu đồng, chúng tôi cùng nhau thành lập Công ty TNHH điện - điện tử - tin học SBĐ chuyên cung cấp các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ trong ngành CNTT cho thị trường Việt Nam. Giám đốc đầu tiên là một trung tá quân đội chuyên về phần mềm, còn tôi là người hỗ trợ anh trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh.

- Mãi đến năm 1999 tôi mới trực tiếp điều hành công ty. Cho đến nay, bộ tứ từ thời “khai thiên lập địa” của chúng tôi vẫn còn “nguyên vẹn”, trong đó một người giữ vai trò Trưởng ban kiểm soát, tôi và hai người còn lại đều là thành viên HĐQT.

Cùng bạn bè (bìa trái)


* Nếu thử làm một cuộc tổng kết nho nhỏ thì theo anh, đâu là những cột mốc quan trọng của SBĐ từ khi thành lập đến nay?

- Có thể xem năm 1999, khi tôi kêu gọi HĐQT đóng góp 100% công sức và thời gian cho SBĐ là cột mốc đầu tiên. Kế đó là năm 2000, SBĐ trở thành đối tác tích hợp hệ thống của Cisco tại Việt Nam; năm 2004 chuyển đổi từ công ty TNHH sang công ty cổ phần và tăng vốn điều lệ lên 18 tỷ đồng.

- Năm 2007 là một năm rất “đặc biệt” của SBĐ với một loạt sự kiện quan trọng như: Đưa ra chiến lược phát triển mới (đầu tư cho dịch vụ contact center, data center, dịch vụ đào tạo và sát hạch các chứng chỉ CNTT...), mua lại cổ phần của một số công ty như Netpro, Vietcomnet... Cho đến nay, SBĐ bao gồm bốn công ty thành viên và hai công ty liên doanh, trong đó, lĩnh vực mũi nhọn là tích hợp hệ thống.

* Cho đến nay, hoạt động mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Từ kinh nghiệm thực tế của mình, anh có thể chia sẻ gì với các doanh nghiệp đi sau? Theo anh, điều cần đặc biệt lưu ý đối với bên mua trong các thương vụ M&A là gì?

- Vốn không phải là một công ty tài chính nên chúng tôi chỉ tiếp cận những đối tác có bộ khung lãnh đạo và chiến lược kinh doanh phù hợp với SBĐ để cùng với họ xây dựng một kế hoạch kinh doanh tốt nhất. Có những trường hợp quá trình đàm phán diễn ra khá nhanh, nhưng cũng có khi phải mất 1 - 2 năm mới thành công. Theo tôi, để đạt được mục tiêu trong quá trình đàm phán, quan trọng nhất là cả hai bên phải có sự thống nhất về tầm nhìn chung.

- Còn điều cần lưu ý riêng đối với bên mua là không nên có ý đồ thôn tính mà phải dựa trên nguyên tắc cả hai cùng có lợi. Ngoài ra, sự trung thực cũng là điều vô cùng quan trọng. Chúng tôi luôn nói rõ những điều mình biết về đối tác cũng như thiện chí đầu tư lâu dài của mình.

* Phải chăng đây cũng là một phần trong triết lý kinh doanh của anh?

- Phải, chúng tôi luôn đề cao sự trung thực và nguyên tắc cùng thắng trong kinh doanh. Triết lý quản trị của SBĐ bắt đầu từ con người và kết thúc cũng ở con người. Cụ thể, chúng tôi đầu tư vào con người để từ đó cho ra những dịch vụ tốt nhất. Một khi những dịch vụ ấy đáp ứng được nhu cầu của thị trường thì sẽ mang về lợi nhuận và chúng tôi lại dùng lợi nhuận này để tái đầu tư cho con người. Chính nhờ triết lý quản trị này mà năm 2007 SBĐ đã lọt vào top 50 nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam do AcNielsen và Navigos khảo sát.

* Thời gian vừa qua, cùng với những khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra, các doanh nghiệp Việt Nam còn phải đối diện với sự xáo trộn nguồn nhân lực và ngành CNTT được xem là một trong những ngành có tỷ lệ “thất thoát” nhân lực khá cao. SBĐ đã có những biện pháp gì để giảm thiểu tình trạng này?

- Phải khẳng định rằng, sự xáo trộn nguồn nhân lực trong bối cảnh hiện nay là không thể tránh khỏi, nhất là trong ngành công nghệ cao. Xét cho cùng, thời gian người lao động ở công ty còn nhiều hơn ở nhà. Vậy nên, theo tôi, cách tốt nhất để giữ chân họ là phải xây dựng một môi trường làm việc thoải mái, tạo mọi điều kiện để họ phát huy sự sáng tạo, kịp thời khích lệ và ghi nhận sự đóng góp của nhân viên.

- Chính văn hóa doanh nghiệp sẽ gắn kết nhân viên với công ty, khiến họ xem công ty như ngôi nhà thứ hai. Để làm được điều này không đơn giản, ngoài việc chia cổ phần cho nhân viên tùy theo mức độ đóng góp, đưa họ trở thành chủ nhân của công ty, thường xuyên tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của nhân viên... gần đây, chúng tôi còn khôi phục lại bữa ăn trưa chung tại trụ sở. Cho đến bây giờ đã gần 200 cổ đông là nhân viên của SBĐ.

Trong chuyến dã ngoại cùng nhân viên (thứ hai, hàng ngồi, từ trái sang)


* Anh vừa nói đến văn hóa doanh nghiệp - một trong những tài sản vô hình góp phần làm nên bản sắc riêng của mỗi công ty ngày nay. Vậy, trong phạm trù này, đâu là nét đặc thù của SBĐ?

- Đó là sự đề cao văn hóa trao quyền và tinh thần tự học. Phương pháp quản trị của chúng tôi không nặng về quản lý hành chính mà luôn linh hoạt với từng bộ phận. Hầu hết nhân viên của SBĐ đều có kế hoạch phát triển bản thân. Nhân viên muốn học gì, phát triển khả năng gì đều được Công ty hỗ trợ về tài chính và thời gian.

- Mỗi năm, Công ty đều dành một khoản ngân sách đáng kể cho việc đào tạo và tái đào tạo. Tôi đánh giá cao sự năng động và tính chuyên nghiệp của nhân viên. Theo tôi, mọi kỹ năng - kỹ thuật đều có thể học, thậm chí học rất nhanh, nhưng thái độ làm việc và sự chuyên nghiệp thì phải có ý thức mới đạt được.

- Bản thân tôi cũng luôn tự “làm mới” mình bằng việc đi học các khóa đào tạo chuyên sâu về quản trị, tài chính... Sự học với doanh nhân là vô cùng. Tôi học không chỉ để không bị tụt hậu về chuyên môn, kỹ thuật mà còn để không bị tụt hậu trong suy nghĩ.

* Là người lãnh đạo cao nhất, nếu một quyết định được đưa ra mà vấp phải sự phản ứng của cấp dưới thì anh sẽ làm gì?

- Tôi là người biết lắng nghe, cửa phòng tôi luôn rộng mở. Nếu một quyết định nào đó chưa có được sự đồng thuận cao của cấp dưới thì tôi sẵn sàng đối thoại trực tiếp để tìm hiểu nguyên nhân. Tuy nhiên, tôi cũng phải giữ nguyên tắc của mình - quyết định đã đưa ra thì phải được thực hiện, sau đó sẽ có sự điều chỉnh, nếu cần thiết.

* Hiện tại, anh có điều gì phải trăn trở không, nhất là về lĩnh vực mà mình đang kinh doanh?

- Những năm gần đây, Chính phủ đã nhận thức tương đối đầy đủ về lợi thế của ngành CNTT, nhưng sự cụ thể hóa trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thì vẫn chưa rõ. Chúng ta có một thị trường nhiều tiềm năng với tỷ lệ dân số trẻ cao và số lượng người có nhu cầu tiếp cận CNTT ngày càng nhiều, nhưng thật đáng tiếc vì tỷ trọng đầu tư của các doanh nghiệp nói chung còn quá cách biệt so với thế giới.

* Anh có thể cho một ví dụ cụ thể?

- Này nhé, nếu các doanh nghiệp nước ngoài quyết định chi ra 100 đồng cho CNTT thì trong đó sẽ có 40 đồng dành cho ứng dụng - dịch vụ về phần mềm, 30 đồng cho dịch vụ tư vấn - đào tạo, 20 đồng cho phần cứng để chạy các ứng dụng và 10 đồng còn lại dành cho việc bảo trì - bảo dưỡng. Còn ở Việt Nam thì ngược lại, có tới 85 - 90% ngân sách được dùng để mua phần cứng, dẫn đến kết quả đầu tư không bền vững.

- Vài năm gần đây, quan niệm này đã bắt đầu thay đổi, nhưng vẫn còn rất chậm. Mặt khác, chúng ta vẫn còn thiếu nguồn nhân lực và yếu về ngoại ngữ. Ai cũng đổ tại hệ thống đào tạo của Nhà nước, nhưng thực ra chỉ đúng một phần. Doanh nghiệp muốn phát triển lâu dài thì phải tự đào tạo thôi và có thể đối thoại hay bắt tay với các trường để chương trình đào tạo sát thực tế hơn.

* Anh có quan tâm đến gói kích cầu của Chính phủ? Theo anh, đến thời điểm nào thì thị trường mới có dấu hiệu phục hồi và liệu tình trạng tái lạm phát có thể xảy ra trong năm nay như một số chuyên gia kinh tế đã dự báo?

- Tôi nghĩ, gói kích cầu này ít ra cũng giúp thị trường ổn định hơn về mặt tâm lý. Có thể là tôi hơi bi quan, nhưng khó khăn về tài chính sẽ còn kéo dài đến giữa năm 2010 và giải pháp tiếp theo vẫn là “thắt lưng buộc bụng” thôi. Tôi hy vọng là tình trạng tái lạm phát sẽ không xảy ra.

* Và một lời chúc đầu năm cho cộng đồng doanh nghiệp ?

- Xin chúc các doanh nghiệp tìm ra được cơ hội của riêng mình và có những quyết sách phù hợp để có thể tận dụng được mọi thời cơ trong kinh doanh khi thị trường hồi phục. Tôi tin là chu kỳ đi xuống của nền kinh tế sẽ là cơ hội để những doanh nghiệp có tiềm lực thật sự vươn lên.

* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!

 Nói thì có vẻ lý thuyết, nhưng thời kỳ khủng hoảng chính là lúc thị trường sàng lọc, nhận dạng những doanh nghiệp có thực lực. Đây cũng là thời điểm để mỗi doanh nghiệp tự nhìn lại và hoàn thiện mình

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Anh Nguyễn Đức Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu: Trong “nguy” luôn có “cơ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO