An ninh nước sạch

An Phương| 28/11/2019 06:00

Trong Nghị định 117/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ Về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, Chương VII Bảo đảm an toàn cấp nước, quy định: “Chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với đơn vị cấp nước bảo vệ an toàn hệ thống cấp nước trên địa bàn. Đơn vị cấp nước có nhiệm vụ tổ chức lực lượng bảo vệ an toàn hệ thống cấp nước do mình quản lý. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham quan, nghiên cứu các công trình cấp nước phải được phép của đơn vị cấp nước”.

An ninh nước sạch

Luật Tài nguyên nước có quy định riêng đối với việc bảo vệ chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nước sinh hoạt. Theo đó, đơn vị khai thác nước phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước do mình trực tiếp khai thác, thường xuyên theo dõi, quan trắc chất lượng nguồn nước. Luật này cũng quy định UBND cấp tỉnh, quận - huyện, phường - xã có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn.

Vậy nhưng hầu hết nhà máy sản xuất và cung cấp nước sạch ở nước ta hiện nay không có lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, tức cảnh sát bảo vệ, mà là người của các công ty vệ sĩ hay nhà máy tự tuyển chọn. Chính quyền các cấp thì xem việc bảo vệ nguồn nước cấp cho nhà máy xử lý nước và nước sạch là trách nhiệm của công ty cấp nước.

Ở các nước tiên tiến, việc bảo vệ hồ chứa thiên nhiên cũng như nhân tạo và nhà máy sản xuất nước sạch, nếu do Nhà nước đầu tư, kinh doanh thì có lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, nếu tư nhân đầu tư, kinh doanh thì tự thuê lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp. Lực lượng này không chỉ bảo vệ tại hồ chứa nước và nhà máy mà còn phải tuần tra 24/7 từ xa để đề phòng kẻ xấu xả chất độc hại, đề phòng bọn chống đối đầu độc nguồn nước. 

Ngày 8/10/2019 vừa qua, một nhóm tội phạm đổ trộm dầu thải xuống suối Trầm thuộc xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Dầu thải chảy từ suối đến hồ Đầm Bài là nơi cung cấp nước cho Nhà máy Nước sạch Sông Đà, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và nguồn nước cung cấp cho hàng chục vạn dân ở Thủ đô. Đây là vụ đầu độc đầu tiên nguồn nước sinh hoạt tại nước ta và đó là bài học cảnh tỉnh về việc bảo đảm an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt cho người dân. 

Từ vụ việc nghiêm trọng ấy, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV đang diễn ra, nhiều đại biểu Quốc hội yêu cầu các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện những bất thường về chất lượng nước, cảnh báo và có các biện pháp cần thiết để ứng phó sự cố kịp thời. Đồng thời, phải rà soát lại toàn bộ pháp luật liên quan đến cấp nước sinh hoạt cho người dân để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối, bảo đảm an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt. Nhiều đại biểu thống nhất đưa kinh doanh nước sạch vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện vì liên quan an ninh nguồn nước. 

Cũng từ sự kiện đáng báo động ở Nhà máy Nước sạch Sông Đà, ngày 22/11/2019 vừa qua, Bộ Công an bắt đầu lấy ý kiến góp ý Dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37 Về các mục tiêu quan trọng cần có cảnh sát bảo vệ.

Theo đó, dự thảo này bổ sung nhiều mục tiêu mới phải bảo vệ, trong đó có những nhà máy nước lớn, như Nhà máy Nước Thủ Đức (TP.HCM). Giải thích về đề xuất ấy, đại diện Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động cho biết: “Nhà máy Nước Thủ Đức là công trình thuộc sở hữu nhà nước, có công suất 850.000m³ nước sạch mỗi ngày, cấp nước sạch cho hàng triệu hộ dân nên cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt".

Những yêu cầu và đề nghị bảo đảm an ninh nước sạch ấy đang được người dân trông đợi trở thành văn bản luật và được thi hành triệt để. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
An ninh nước sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO