![]() |
Nghe tên hơi “sốc” nhưng những ai đã thưởng thức bánh xèo ở nhà hàng này đều cảm nhận như thế về loại bánh dân dã, mộc mạc, đậm chất Nam Bộ mà chủ nhân nhà hàng đã nhọc công gầy dựng.
![]() |
Đặng Hoài Phong thưởng thức bánh xèo Ăn Là Ghiền - Ảnh: T.Thảo |
“Nếu như phở là món ăn của người miền Bắc cầu kỳ, tinh tế thì bánh xèo là món ăn thể hiện phong cách của người miền Nam phóng khoáng. Tại sao mình không xây dựng thương hiệu cho bánh xèo như món phở quốc hồn, quốc túy của Việt Nam?” - đó là lý giải của Đặng Hoài Phong về sự ra đời của nhà hàng bánh xèo Ăn Là Ghiền tại TP.HCM. Và sau hai năm chuẩn bị, vợ chồng Đặng Hoài Phong - Trương Thị Thanh Trúc quyết định mở nhà hàng kinh doanh món ăn đậm chất Nam Bộ này tại 54A Nguyễn Văn Trỗi, P.15, Q.Phú Nhuận.
Vợ chồng Phong - Trúc vốn là những người đam mê ẩm thực, thích đi đây đó để thưởng thức các món ăn. Hơn nữa, nhà Trúc lại có “truyền thống” làm bánh xèo đãi khách. Khi thì 5 - 7 người khách của bố, khi thì 30 - 40 người bạn của gia đình. Món bánh xèo do hai mẹ con Trúc chế biến đã “hút hồn” không biết bao nhiêu khách của gia đình khiến nhiều người thắc mắc: Làm bánh xèo ngon như thế sao không mở tiệm bán? Trúc tâm sự:
“Ngoài may mắn thừa hưởng công thức pha bột “gia truyền” của gia đình thì sự thành công của Ăn Là Ghiền là do đam mê. Chúng tôi luôn tâm niệm: mình không chỉ phục vụ bánh xèo mà còn đem cả niềm đam mê tâm huyết của mình ra phục vụ thực khách”. Nói về tên nhà hàng, Hoài Phong chia sẻ: “Tụi tôi là dân miền Tây lên lập nghiệp, mà chị biết đó, dân miền Tây chất phác, không hoa mỹ. Khoái thì cứ nói là khoái, ghiền thì cứ bảo là ghiền, chứ không ăn nói lòng vòng mắc công.
Mà chị có công nhận với tôi là cái món bánh xèo quê trớt, chỉ toàn bột với rau, lâu lâu không được ăn lại thấy nhớ, thấy ghiền?”. Phong cười, nói tiếp: “Tên quán cũng là sự tự tin khẳng định chất lượng bánh xèo của tụi tôi: Ăn Là Ghiền. Có nhiều thực khách lần đầu đến quán đã hỏi nhân viên phục vụ: “Ghiền thiệt hôn em?”, và trước khi ra về đã gật gù nói: “Đúng là ghiền thiệt”. Đó là sự động viên vô cùng to lớn để tụi tôi tự tin đem cái “ghiền” của món ăn dân dã miền Tây Nam Bộ giới thiệu với thực khách Sài Gòn”.
Mặc dù hiện nay có nhiều quán bánh xèo bán bánh xèo rau mầm, bánh xèo nấm kim châm nhưng khách hàng vẫn nhớ Ăn Là Ghiền là nơi đầu tiên tung ra các món bánh xèo “không đụng hàng» này. Qua một lần đi ăn món Nhật về, vợ chồng chủ nhà hàng đã thử thay nhân giá bằng nhân nấm kim châm và rau mầm. Kết quả thật bất ngờ vì cho đến bây giờ, đây là hai món bán chạy nhất. Nhà hàng còn kết hợp với nấm bào ngư, nấm linh chi, nấm đùi gà... tạo cho khách hàng nhiều hương vị lý thú.
Gần đây nhất, Ăn Là Ghiền tung ra món bánh xèo biến tấu từ nguyên liệu Nhật Bản kết hợp với rong biển tạo một hương vị rất thú vị và lạ miệng. Hoài Phong tâm sự: “Không phải tất cả các món đều đưa vào bánh xèo được, bởi có nhiều nguyên liệu kết hợp với bánh xèo sẽ trở nên rất vô duyên và... trớt quớt. Khi sáng chế ra một loại bánh mới, tôi phải làm đi làm lại hàng chục lần mới chọn được loại nguyên liệu mà khi kết hợp với bánh sẽ nâng được giá trị của bánh và tạo ra một hương vị mới lạ, hấp dẫn, giúp bánh xèo có hồn, có sức sống”.
Không chỉ “nâng tầm” cho món ăn dân dã Nam Bộ, cách bài trí của Ăn Là Ghiền cũng được chăm chút một cách tinh tế. Tất cả đều làm từ tre như: bàn tre, ghế tre, trần tre và nhất là, bên dưới mỗi bàn ăn là những tiểu cảnh về nhà tranh, ao sen, cây cầu, ruộng lúa, cánh cò... tạo cho thực khách cảm giác thật gần gũi và thân thuộc. Trong khuôn viên nhà hàng, thực khách thích thú khi gặp lại những gì rất đỗi thân quen trong một không gian ấm cúng với bàn tre, mái lá, bụi chuối, gốc dừa, cối xay bột... được chọn lọc và sắp xếp một cách bình dị và có hồn.
Thành công với địa chỉ đầu tiên, vợ chồng Phong bàn nhau mở nhà hàng thứ hai trên đường Sương Nguyệt Ánh, rồi đến nhà hàng ở đường Cao Thắng. Hiện tại, khách hàng của Ăn Là Ghiền không chỉ có khách Việt mà cả khách Tây, khách Tàu và khách Hàn Quốc, Nhật Bản. Hiện tại, 20% doanh thu của hệ thống nhà hàng Ăn Là Ghiền đều nhờ vào lượng khách này.
Nhiều thực khách nước ngoài do các công ty du lịch dẫn đến giới thiệu về các món ăn dân dã Nam Bộ nhưng cũng có không ít khách Tây tự tìm đến đây thưởng thức. Vào những ngày cuối tuần hay ngày lễ, nếu không đặt trước, khách phải chờ đợi khá lâu. Riêng ở Ăn Là Ghiền trên đường Nguyễn Văn Trỗi, chuyện khách đợi 30 - 40 phút là “chuyện thường ngày”.
Chưa bằng lòng với 3 địa điểm, hiện Phong - Trúc đang “bù đầu” với việc chuẩn bị cho sự ra đời của nhà hàng thứ tư trong tháng 5 này. Trong tương lai, đôi vợ chồng trẻ này đã tính đến chuyện nhượng quyền thương mại thương hiệu bánh xèo Ăn Là Ghiền. Và hiện tại, Ăn Là Ghiền cũng đang liên kết với các đối tác cùng “đẳng cấp” để mở rộng thương hiệu. Hiện tại, hướng này đã được Phong - Trúc phối hợp với Saigon Co.op. Với sự hợp tác này, trong thời gian không xa nữa, những người yêu thích thương hiệu Co.op Mart sẽ được thưởng thức món bánh xèo dân dã nhưng đầy quyến rũ này.
Hiện nay, “thị trường đã có, thương hiệu cũng đã được nhiều người biết đến, việc hiện nay là làm sao để kiện toàn bộ máy quản lý”, Phong khẳng định.