Hamburg , 820 năm tuổi

P.N.DŨNG| 09/06/2009 06:33

Từ trên bao-lơn của một trong số 170 phòng của Golden Tulip, một khách sạn nằm bên bờ sông Elbe, bạn có thể dễ dàng nhận biết được vì sao Hamburg là một thành phố cảng nổi tiếng thế giới vừa mừng sinh nhật thứ 820 trong các ngày 7, 8, 9 và 10 tháng 5 vừa qua. Và bạn sẽ ngỡ ngàng khi biết được một sự thật lịch sử đàng sau thành công của cảng Hamburg.

Hamburg , 820 năm tuổi

Từ trên bao-lơn của một trong số 170 phòng của Golden Tulip, một khách sạn nằm bên bờ sông Elbe, bạn có thể dễ dàng nhận biết được vì sao Hamburg là một thành phố cảng nổi tiếng thế giới vừa mừng sinh nhật thứ 820 trong các ngày 7, 8, 9 và 10 tháng 5 vừa qua. Và bạn sẽ ngỡ ngàng khi biết được một sự thật lịch sử đàng sau thành công của cảng Hamburg.

Đêm cũng như ngày, ngày này qua ngày nọ, từ Đại Tây Dương và Biển Bắc tiến vào cảng Hamburg trên sông Elbe là đủ các loại tàu thuyền.

Từ những chiếc phà chở dân địa phương đi làm, tàu chở du khách ngắm cảnh hai bên bờ sông, du thuyền của người giàu có qua những xà lan chất đầy hàng tưởng như muốn chìm, đến những tàu container trọng tải vài chục ngàn tấn được đẩy kéo vào sâu trong đất liền bằng những con tàu kéo nhỏ nhoi mà rất mạnh.

Phía bên kia bờ, những ngôi biệt thự màu trắng thấp thoảng giữa từng mảng rừng cây xanh. “Toàn là dinh thự của những gia đình tỷ phú, triệu phú nhờ kinh doanh vận tải đường sông, đường biển không đấy”, một đồng nghiệp người Đức nói.

Thi nhau vẫn vũ trên trời xanh là những khinh khí cầu, máy bay cánh quat loại nhỏ kéo theo dải băng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ và cả những loại máy bay cánh quạt từng thống trị bầu trời cách nay vài chục năm, chẳng hạn như chiếc Super Constellation, chiếc Junker 52 (vận tải cơ hàng đầu của không lực Đức Quốc xã thời Thế chiến II)...

Và dĩ nhiên không thiếu các chiếc máy bay Airbus mới tinh đang trong giai đoạn thử nghiệm trước khi giao cho khách hàng đã đặt mua.

Một khu vực rộng lớn bên bờ sông Elbe này có tên là Finkenwerder, từ đầu thập niên 1910 cho đến nam 1973, là khu vực dành cho công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển, có cả xưởng đóng, bảo trì tàu ngầm U-Boot của hải quân Đức thời Thế chiến II. Còn bây giờ, nó lại là nơi lắp ráp máy bay phản lực dân dụng, trong đó có cả máy bay khổng lồ A380.

Nữ hướng dẫn viên kể rằng trong thời gian từ ngày 7 đến ngày 10/5, đã có hơn 1,2 triệu người Đức và du khách nước ngoài đến thăm Hamburg nhân dịp sinh nhật thứ 820 của cảng Hamburg. “Chúng tôi đã có tiệc bên bến cảng lớn nhất trong lịch sử với sự tham gia diễu hành của hơn 300 chiếc tàu thuộc đủ mọi loại, mọi kiểu”, cô khoe.

Xin nâng ly chúc mừng “Thành phố trên sông nước”, như cách người Đức gọi Hamburg (cũng có tên Venice phương Bắc). Họ kể rằng cảng Hamburg chính thức ra đời vào ngày 7/5/1189 khi hoàng đế Frederich Barbarossa quyết định miễn trừ thuế nhập khẩu cho các con tàu chở hàng qua lại từ thành phố Hamburg đến Biển Bắc.

Nhưng sự thật nào phải là như thế! Hamburg phát triển rầm rộ thành một trong những cảng thương mại hàng đầu châu Âu trong mấy thế kỷ liền chẳng phải vì đã được ưu ái đặc biệt bởi vị hoàng đế nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Đức.

Phải mãi đến năm 1982 thì chuyện “bịa đặt” này mới bị lật tẩy, rằng chiếu chỉ của Hoàng đế Barbarossa, từng được gọi là “giấy khai sinh” của cảng Hamburg chỉ là giấy giả.

Các tài liệu lịch sử cho biết văn bản ấn định Hamburg là cảng tự do, miễn thuế được ban hành trong những năm 1360, thời điểm có mâu thuẫn về quyền lợi phát sinh từ việc giao thương trên song Elbe giữa giới chức quản lý Hamburg và tổng giám mục giáo phận Bremen.

Để giữ lại những đặc quyền sinh lợi lớn, giới chức năng thành phố cảng đã giả mạo hoàng đế mà soạn thảo chiếu chỉ để làm bằng chứng trình cho tổng giám mục.

Tài nghệ làm “bằng giả” của họ rất tinh vi nên đến thế kỷ 19 mới bị nghi ngờ là “hàng dỏm”. Chỉ vì một chút sai lệch thời gian và không gian mà bằng chứng giả này đã bị lật tẩy.

Trong văn bản giả ghi hoàng đế Barbarossa ký ban hành chiếu chỉ khi đang ở Neunburg nhưng trong thực tế, vào thời điểm ký, ngài lại ở Regensburg, bận rộn chuẩn bị cho cuộc thập tự chinh lần thứ ba đến Đất Thánh (Jerusalem, Palestine)!

Rồi các sử gia còn khám phá được thêm rằng dấu ấn trong chiếu chỉ không phải là dấu ấn của hoàng đế Barbarossa mà là của cháu nội của ông là hoàng đế Frederick Đệ nhị!

Hóa ra, từ rất lâu rồi, các nhà cầm quyền ở địa phương Hamburg đã biết thế nào là hiệu quả của một “câu chuyện hay xây dựng nên thương hiệu nổi tiếng” nay được dùng như công cụ đắc lực trong nghề marketing.

Và nhân vật chính trong vụ giả mạo để làm tiếp thị, giành quyền lợi cho Hamburg chính là ông Adolph von Schauenburg. Ngày nay du khách tham quan cảng Hamburg có thể thấy bức tượng của nhà quý tộc này dựng bên cầu Trost.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hamburg , 820 năm tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO