Để sản phẩm du lịch không trùng lắp

AN PHƯƠNG| 09/07/2009 00:20

Từ những lợi thế về địa lý, điều kiện tự nhiên, văn hóa, du lịch, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều tiềm năng phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch sông nước, sinh thái miệt vườn, du lịch văn hóa...

Để sản phẩm du lịch không trùng lắp

LTS - Với 12 tỉnh và một thành phố, gồm Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Cần Thơ, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 4 triệu ha đất tự nhiên; trên 17 triệu dân, trong đó trên 60% từ 15 - 30 tuổi.

ĐBSCL có rừng ngập mặn ven biển, rừng nguyên sinh ở đảo Phú Quốc, rừng tràm ở Đồng Tháp Mười, có trữ lượng đá vôi và dầu khí khá lớn.

ĐBSCL đã trở thành vùng kinh tế nông nghiệp hàng hóa lớn nhất nước, hướng mạnh vào xuất khẩu và tiếp cận kinh tế thị trường từ rất sớm. ĐBSCL chiếm hơn 50% diện tích và sản lượng lúa, đóng góp đến 90% lượng gạo xuất khẩu; 250.000ha diện tích trồng cây ăn quả, hằng năm cung cấp đến 70% sản lượng trái cây, cũng là vựa thủy sản với diện tích nuôi trồng trên 1,1 triệu ha, hằng năm cung cấp khoảng 52% lượng thủy sản đánh bắt và gần 67% lượng thủy sản nuôi trồng, xuất khẩu, chiếm 60% sản lượng thủy sản cả nước. ĐBSCL đang nỗ lực đầu tư phát triển nhanh và bền vững để mau chóng trở thành một vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, bằng việc tập trung thực hiện bốn nhóm giải pháp.

Một là, phát triển nhanh hệ thống giao thông, nhất là sớm hoàn thành việc mở rộng quốc lộ 1A, xây dựng đường Hồ Chí Minh, cầu Cần Thơ, sân bay quốc tế Cần Thơ và Phú Quốc; nạo vét cửa Định An và xây dựng cảng Cần Thơ để đảm bảo vận tải phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng. Hai là, hoàn thiện hệ thống thủy lợi và xây dựng cụm tuyến dân cư cho vùng ngập lũ, đảm bảo kiểm soát lũ và cấp nước ngọt cho vùng tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười và vùng phía bắc kênh Vĩnh An. Ba là, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề. Bốn là đưa nhanh các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và thủy sản, nhất là kỹ thuật về giống và kỹ thuật canh tác, nuôi trồng.

Nhưng để phát triển kinh tế - xã hội xứng tầm với tiềm năng đang có, ĐBSCL rất cần sự liên kết vùng, nhất là với TP.HCM, trong lĩnh sản xuất, xuất khẩu nông sản và du lịch.

Chuyên trang Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm góp phần thúc đẩy sự liên doanh, liên kết ấy, đặc biệt là giữa doanh nhân TP.HCM và doanh nhân miền Tây Nam bộ.

Từ những lợi thế về địa lý, điều kiện tự nhiên, văn hóa, du lịch, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều tiềm năng phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch sông nước, sinh thái miệt vườn, du lịch văn hóa. Tuy nhiên, những lợi thế trên trở thành bất lợi khi các địa phương đang dẫm chân lên nhau do chỉ nhăm nhăm khai thác những gì sẵn có từ thiên nhiên mà không đầu tư những sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút khách.

Anh Nguyễn Ngọc Tuấn, hướng dẫn viên Saigontourist chuyên dẫn du khách Tây Ban Nha, kể, chưa có một vị khách nào yêu cầu quay lại thăm ĐBSCL khi họ trở lại VN, mặc dù trước đó chỉ mới ghé Cần Thơ hay Vĩnh Long. Một tour của chúng tôi bao gồm thăm chợ nổi Phụng Hiệp, len lỏi trên những con rạch để tham quan vườn cây ăn trái, nghe đờn ca tài tử, ăn cơm nhà vườn. Rồi hết. Như vậy du khách chỉ cần ghé Cần Thơ là có thể hình dung các tỉnh còn lại.

Cầu Rạch Miễu

Ông Hoàng Tuấn Anh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định: “Bên cạnh các sản phẩm nổi trội của một số địa phương như du lịch sông nước (chợ nổi Phụng Hiệp, Cần Thơ; khu du lịch sinh thái Thới Sơn, Tiền Giang)... thì việc phát triển du lịch sinh thái miệt vườn tại một số địa phương trong vùng ĐBSCL có nhiều điểm giống nhau, nhiều mô hình du lịch sinh thái miệt vườn cũng chưa đúng du lịch sinh thái. Một số tiềm năng du lịch của từng địa phương trong vùng chưa làm nổi bật các đặc trưng riêng khi xây dựng sản phẩm, dễ bị cảm nhận là đơn điệu và trùng lặp.Nếu không có giải pháp tích cực, kịp thời thì dẫn đến sản phẩm du lịch sẽ trùng lặp, lãng phí đầu tư. Nguyên nhân của sự bất cập này là do giữa các tỉnh vùng ĐBSCL chưa liên kết chặt chẽ với nhau; từng địa phương chưa tìm được sản phẩm độc đáo riêng”.

ĐBSCL không chỉ có du lịch sinh thái miệt vườn mà còn cả loại hình du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng ở Ba Động (Trà Vinh), Hà Tiên - Phú Quốc (Kiên Giang); du lịch khám phá núi, hang động ở Hà Tiên và An Giang; du lịch mũi Cà Mau - điểm đến cuối cùng đất nước; du lịch học hỏi kinh nghiệm các nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản của người Nam Bộ... Nhưng những lợi thế này vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Anh Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: “Tất cả các tour chúng tôi thiết kế hầu hết là đi về trong ngày. Chúng tôi cũng muốn cho khách thưởng thức nhiều loại hình du lịch khác nhau, biết thêm nhiều địa phương nhưng cơ sở hạ tầng ở các tỉnh ĐBSCL không đáp ứng được. Các tỉnh rất thiếu khách sạn cao cấp, ban đêm không có điểm giải trí cũng như những địa điểm có thể cho du khách hiểu thêm về đời sống văn hóa của địa phương, đã khiến họ không thích những tour dài ngày, thậm chí hai ba ngày.

Theo TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ: ĐBSCL là vùng đất bằng phẳng với sông nước, ruộng lúa. Bản thân cảnh quan đó cũng làm cho người ta có cảm giác đơn điệu.

Ngay tại Cần Thơ, trung tâm của ĐBSCL hiện cũng chưa có khách sạn 4 sao, chưa có những điểm du lịch đặc trưng của vùng sông nước; thức ăn lại khá giống nhau giữa các tỉnh cũng tạo nên cảm giác dễ nhàm chán. Một nét văn hóa đặc sắc của Nam bộ là đờn ca tài tử thì cách tổ chức biểu diễn cũng không khác nhau.

Hiện tại, lượng khách du lịch về các tỉnh ĐBSCL đa số do các đơn vị kinh doanh lữ hành tại TP.HCM đưa đến nên mặc dù lượng khách tăng nhưng doanh thu tăng không tương ứng vì thời gian khách lưu trú ngắn, các sản phẩm lưu niệm cũng đơn giản, không hấp dẫn nên khách chi tiêu rất thấp. Anh Tuấn vẫn còn nhớ mãi câu nói của một người khách Tây Ban Nha “Chúng tôi có tiền mà không biết chi vào đâu ở miền sông nước này”.

Nhận thấy những bất lợi từ việc thiếu và yếu của ngành du lịch ĐBSCL, các tỉnh đã tìm kiếm các cơ hội để đưa ngành công nghiệp không khói trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế. Đã từng có những hội nghị, hội thảo bàn về sự liên kết để xây dựng sản phẩm du lịch chung giữa 13 tỉnh - thành ĐBSCL, nhưng đến nay chưa có sản phẩm nào ra đời.

Ngày 1/7/2009, UBND tỉnh Bến Tre đã tổ chức hội thảo “Du lịch Bến Tre - Cơ hội đầu tư và phát triển” nhằm kêu gọi các DN, nhất là DN đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm đưa du lịch Bến Tre phát triển. Hội thảo đã thu hút hơn 300 đại biểu là DN, nhà đầu tư từ TP.HCM, các tỉnh, thành trong khu vực và địa phương... Ông Nguyễn Thái Xây, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, các DN đến với Bến Tre, cùng Bến Tre khai thác thế mạnh du lịch”.

Sau khi cầu Rạch Miễu thông xe, các nhà đầu tư đã nhìn nhận Bến Tre có nhiều tiềm năng du lịch, nhất là những làng nghề thủ công và vùng cây trái Cái Mơn. Hiện tại, đã có nhiều dự án đầu tư vào cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ du lịch đang được triển khai tại đây. Chẳng hạn, Công ty Phước Kiển (TP.HCM) đang là chủ đầu tư ba dự án tại Bến Tre với quy mô hơn 200 hecta, bao gồm: Khu dịch vụ - thương mại - nghỉ dưỡng và dân cư cho hai dự án Mê Kông và Rạch Miễu tại huyện Châu Thành; khu đô thị mới đại lộ Đông - Tây, thị xã Bến Tre. Bến Tre cũng đặt phát triển du lịch trong mối quan hệ liên kết với TP.HCM và các tỉnh, thành phố thuộc ĐBSCL, đặc biệt là mối quan hệ với TP.HCM và Cần Thơ.

Để du lịch ĐBSCL khai thác hết tiềm năng, cần tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp và cần được sự hỗ trợ, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội, để xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đặc biệt loại hình du lịch sinh thái, trong đó lưu ý việc phát triển du lịch sinh thái gắn với cộng đồng dân cư để đảm bảo phát triển bền vững; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch chuyên nghiệp; đào nguồn nhân lực (đặc biệt là hướng dẫn viên).

Bài tham gia chuyên trang ĐBSCL, xin gửi về Lê Hoành Sơn, Văn phòng đại diện tại ĐBSCL, email: cantho@doanhnhansaigon.vn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để sản phẩm du lịch không trùng lắp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO