Trong nước

7 tháng đầu năm, hơn 750 doanh nghiệp bất động sản giải thể

Minh Huy 03/08/2023 08:41

Số lượng doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản giải thể trong 7 tháng qua là 756 doanh nghiệp, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

bat-dong-san.jpg

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến nay, cả nước có 89.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 834.300 tỷ đồng. Mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới tăng 0,2% nhưng lại sụt giảm tới 17,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, lĩnh vực bất động sản dẫn đầu về sự tụt giảm số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Cụ thể, trong 7 tháng qua, bất động sản có 2.622 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm tới 56,2% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản giải thể trong 7 tháng qua là 756 doanh nghiệp, cũng tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản trong quý II/2023 do Bộ Xây dựng công bố ngày 2/8/2023 cho biết, hiện nay, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Đánh giá về những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp bất động sản, Bộ Xây dựng phân làm ba nhóm chính.

Nhóm một là nhóm khó khăn, vướng mắc về pháp lý. Hiện nay, nhiều dự án bất động sản đang gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý dự án, cụ thể như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc; quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên (các quy hoạch cấp trên trước đó không còn phù hợp đang phải rà soát, điều chỉnh, cập nhật theo quy định); về điều chỉnh chủ trương đầu tư; về thẩm quyền chuyển nhượng dự án... Bộ Xây dựng thông tin.

Nhóm hai là nhóm khó khăn, vướng mắc về tổ chức thực hiện. Cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ, gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho dự án bất động sản trong công tác giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn với người dân; công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, giao nền tái định cư (sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan đến định giá đất chưa kịp thời); một số nhà đầu tư chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thực hiện các hồ sơ, thủ tục của dự án… báo cáo của Bộ Xây dựng nêu rõ.

Nhóm ba là nhóm khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn. Với thực trạng này, Bộ Xây dựng nhận định, hiện nay doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng, hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án, phải giãn tiến độ, dừng triển khai. Theo đó, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Đặc biệt là trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023 rất lớn, nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu...

Bên cạnh đó, theo Bộ Xây dựng, niềm tin của nhà đầu tư, tính thanh khoản của thị trường bất động sản thấp, dẫn đến các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thiếu vốn. Nhiều doanh nghiệp đang phải áp lực nợ ngắn hạn và tổng nợ lớn hơn so với quy mô tài sản. Cùng với đó, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng biến động khiến cho chi phí doanh nghiệp tăng cao, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đánh giá về thị trường, các chuyên gia kỳ vọng khoảng cuối quý IV giao dịch trên thị trường sẽ tốt lên, hoặc muộn hơn là quý II/2024.

Hiện Chính phủ đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án luật liên quan đến thị trường bất động sản hiện nay như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai… đồng thời, tiếp tục chủ trương hạ lãi suất cho vay, nới room tín dụng cho toàn hệ thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
7 tháng đầu năm, hơn 750 doanh nghiệp bất động sản giải thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO