Trong nước

50 năm thống nhất đất nước: Doanh nhân Việt Nam với bài toán nội lực quốc gia

AV 15/04/2025 14:08

50 năm sau ngày đất nước thống nhất, Việt Nam đã đổi thay sâu sắc. Nhưng có một điều không hề thay đổi, đó là khát vọng vươn lên bằng chính sức mạnh của dân tộc mình. Từ lịch sử đấu tranh giành độc lập đến hành trình phát triển kinh tế hôm nay, dòng chảy của tinh thần tự lực, tự cường vẫn luôn hiện hữu, là trụ cột tinh thần cho mọi chặng đường phát triển.

Ngày 30/4/2025 đánh dấu nửa thế kỷ kể từ thời khắc lịch sử khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà. Chiến thắng năm 1975 không chỉ chấm dứt chiến tranh mà còn mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập và thống nhất. Điều còn lại trường tồn chính là tinh thần bất khuất, khát vọng tự chủ và niềm tin vào nội lực dân tộc, một di sản vô giá của người Việt.

Sau 50 năm dựng xây từ tro tàn chiến tranh, Việt Nam không còn là quốc gia nghèo nàn, mà đã trở thành nền kinh tế năng động, hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thành quả ấy đến từ đường lối đúng đắn của Đảng, từ sự kiên cường của người dân, và đặc biệt là từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân, nơi hội tụ tinh thần “tự lực, tự thân, tự cường” như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính từng kêu gọi: “Không trông chờ, ỷ lại, không chủ quan, thỏa mãn, mà phải chủ động vươn lên trong mọi tình huống.”

Nếu 50 năm trước, lớp lớp thanh niên cầm súng bảo vệ Tổ quốc thì hôm nay, đội ngũ doanh nhân Việt chính là lực lượng tiên phong trên mặt trận kinh tế, chiến trường mới đầy thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội. Trên mặt trận đó, yêu nước không còn là giữ từng tấc đất, mà là giữ từng thị phần, từng chuỗi cung ứng, từng thương hiệu Việt giữa vòng xoáy cạnh tranh toàn cầu.

Tinh thần tự lực, tự cường giờ đây không chỉ là biểu tượng lịch sử mà trở thành phương châm hành động hiện đại. Đó là khi một doanh nghiệp dám đầu tư vào công nghệ lõi thay vì phụ thuộc nhập khẩu; là khi startup Việt chọn con đường "Make by Vietnam" thay vì gia công cho thế giới; hay khi tập đoàn tư nhân kiến tạo hệ sinh thái sản xuất, bệnh viện, trường học… mang thương hiệu Việt vươn ra toàn cầu.

Nghị quyết 60: Thông tin sáp nhập tỉnh về hợp nhất TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương

Tinh thần khởi nghĩa hôm nay có thể không mang dáng dấp chiến hào, nhưng vẫn mang sức mạnh tương tự: là sự kiên định giữ cam kết với đối tác quốc tế giữa khó khăn; là quyết tâm nội địa hóa chuỗi cung ứng dù chi phí cao; là lòng tin vào tri thức, công nghệ và con người Việt, dẫu trước mắt là con đường chông gai.

Lịch sử dân tộc từ kháng chiến chống ngoại xâm đến chiến thắng 1975, đều khẳng định một chân lý: sức mạnh của Việt Nam đến từ tinh thần đoàn kết, từ lòng yêu nước đi liền với hành động, và đặc biệt là từ niềm tin vào nội lực dân tộc.

Ngày nay, khi thế giới đang bước vào thời kỳ hậu toàn cầu hóa, các quốc gia đều hướng tới tự chủ kinh tế, an ninh chuỗi cung ứng và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh đó, tinh thần tự lực, tự cường càng trở thành chiến lược sống còn. Việt Nam không thể mãi là công xưởng giá rẻ, mà cần chuyển mình thành nền kinh tế sáng tạo, có bản quyền trí tuệ, công nghệ lõi và thương hiệu toàn cầu.

Câu chuyện phát triển hôm nay không còn là câu chuyện đơn lẻ về ngành nghề, mà là bài toán tổng thể về năng lực cạnh tranh quốc gia, khả năng thích ứng trước biến động địa chính trị, và vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

Từ dịch chuyển chuỗi cung ứng hậu COVID-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đến chính sách thuế đối ứng mới của Mỹ, tất cả đều là tín hiệu cho thấy: nếu không đủ nội lực, chúng ta sẽ mãi bị dẫn dắt; nếu không đủ sức cạnh tranh, doanh nghiệp Việt chỉ là vệ tinh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bởi vậy, “tự thân, tự lực, tự cường” không còn là khẩu hiệu, mà là đòi hỏi sống còn. Doanh nhân Việt hôm nay phải là người vừa giỏi chuyên môn, am hiểu chiến lược, có khả năng hội nhập quốc tế, vừa mang trong mình trách nhiệm công dân và đạo đức kinh doanh bền vững.

Muốn thực hiện được khát vọng 2045, trở thành quốc gia phát triển thu nhập cao, Việt Nam cần một thế hệ doanh nhân mới: dấn than, đổi mới và có trách nhiệm xã hội. Đó là những người không chỉ tạo ra của cải, mà còn tạo ra giá trị bền vững; không chỉ kiếm lợi nhuận, mà còn kiến tạo tương lai.

Vai trò của nhà nước rất quan trọng, từ cải cách thể chế, hỗ trợ vốn, chuyển giao công nghệ,… nhưng điều cốt lõi vẫn là nội lực của chính doanh nghiệp. Không ai khác, doanh nhân Việt phải là người đầu tiên đặt niềm tin vào trí tuệ Việt, đầu tư vào tài nguyên con người Việt và sản phẩm Việt, từ đó tạo nên những giá trị “Make by Vietnam” đích thực.

Tinh thần tự lực, tự cường, vốn được hun đúc từ máu xương cha ông trong những năm tháng kháng chiến, hôm nay tiếp tục sống dậy mạnh mẽ trong hành trình phát triển kinh tế đất nước. Đó là hành trình của bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng Việt Nam.

Trong thời khắc thiêng liêng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, mỗi doanh nhân, mỗi doanh nghiệp ôn lại vai trò tiên phong của mình: không chỉ là trụ cột kinh tế, mà còn là hiện thân sống động của ý chí độc lập dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
50 năm thống nhất đất nước: Doanh nhân Việt Nam với bài toán nội lực quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO