Thách thức lớn nhất đối với những nhà lãnh đạo chính là thuyết phục những người khác hiểu được tầm nhìn của mình, bởi tầm nhìn của số đông thường chỉ là những ý tưởng vụn vặt, không khoáng đạt.
Đọc E-paper
Môi trường xung quanh chúng ta đầy rẫy những người chỉ muốn kéo ta xuống trở thành kẻ bình thường. Gần như ngày nào cũng có người thuyết phục bạn: “Đã có quá nhiều người lãnh đạo rồi, chẳng còn mấy người làm “thường dân” cả”.
Nói cách khác, đã có quá nhiều lãnh đạo rồi, hãy chịu khó làm nhân viên nhỏ bé thôi! Họ cũng khuyến cáo là bạn phải cạnh tranh vô cùng gay gắt thì mới mong ngoi lên vị trí hàng đầu. Nhưng liệu có đúng như vậy không?
Tại Mỹ, số hồ sơ nộp vào những vị trí có mức lương 10.000 USD/năm nhiều hơn từ 50-250 lần so với số hồ sơ cho những công việc có mức lương 50.000 USD/năm. Điều này chứng tỏ sự cạnh tranh cho một công việc bình thường nhiều gấp 50 lần trở lên so với sự cạnh tranh cho một công việc cao cấp. Những công việc cao cấp đó đang rất thiếu người.
Như vậy, vẫn còn rất nhiều chỗ trống dành cho những người dám nghĩ lớn. Những người lãnh đạo trong hầu hết các ngành nghề đều nói rằng “Vấn đề đang đặt ra hiện nay là có quá nhiều nhân viên, nhưng chẳng có mấy người lãnh đạo”.
Trong cuốn sách Dám nghĩ lớn (The magic of thinking big) do NXB Trẻ và First News phát hành, tiến sĩ David J. Schwartz đã đề xuất bốn nguyên tắc mà các lãnh đạo doanh nghiệp cần áp dụng để suy nghĩ lớn hơn:
1. Hãy trao đổi ý tưởng, suy nghĩ, quan điểm với những người bạn muốn gây ảnh hưởng
Sẽ dễ dàng hơn rất nhiều để khiến người khác làm những điều bạn muốn, nếu bạn nhìn nhận mọi thứ dưới con mắt của họ. Đặt mình vào vị trí của họ để suy nghĩ và nói theo cách của họ.
Hãy nhớ rằng, những mối quan tâm, thu nhập, sự thông minh hay nền tảng gia đình của họ có thể khác bạn rất nhiều. Tự hỏi: “Nếu mình ở trong hoàn cảnh của họ, mình sẽ phản ứng thế nào?”, sau đó thực hiện những hành động có thể khuyến khích bạn, nếu bạn là người đó.
2. Đâu là cách mọi người thường làm để giải quyết vấn đề này?
Áp dụng nguyên tắc “rộng lượng” khi đối xử với mọi người. Trước hết, hãy tự hỏi: “Đâu là cách nhân văn nhất để giải quyết vấn đề này?”. Kế đến, hành động của bạn phải thể hiện được sự tôn trọng con người.
Bạn càng thể hiện sự quan tâm đến một người nào đó, anh ta càng giúp đỡ bạn. Và những gì anh ta làm sẽ đưa bạn đến với những thành công ngày càng lớn hơn. Hãy đối xử với mọi người đúng cách và nhân bản.
3. Luôn nghĩ đến sự tiến bộ, tin tưởng và thúc đẩy sự tiến bộ
Một trong những lời ngợi khen tuyệt vời nhất mà người khác có thể nói về bạn là: “Anh/cô ấy luôn ủng hộ sự tiến bộ. Anh/cô ấy thực sự là con người của công việc”. Cơ hội thăng tiến trong mọi ngành nghề, lĩnh vực sẽ đến với những ai tin tưởng và có động lực hướng tới sự tiến bộ.
Hãy tham gia vào nhóm những người dẫn đầu, cùng nuôi dưỡng cách nhìn luôn hướng về phía trước. Có hai điều đặc biệt bạn có thể làm để phát triển cách nhìn cầu tiến: (1) Hãy nghĩ đến sự cải thiện trong bất cứ việc gì bạn làm; (2) Hãy nghĩ đến những tiêu chuẩn cao hơn trong bất cứ việc gì bạn làm.
4. Dành thời gian để tự suy nghĩ và phát huy khả năng suy nghĩ sáng tạo phi thường của bạn
Hãy xem xét cuộc sống của các lãnh tụ tôn giáo, bạn sẽ nhận thấy họ đều dành một khoảng thời gian đáng kể để sống trong suy niệm. Sẽ rất thú vị nếu đặt ra câu hỏi: “Liệu Franklin D. Roosevelt có thể phát triển phong cách lãnh đạo độc đáo của mình nếu không có quãng thời gian dài một mình khi chữa bệnh bại liệt?”. “Nelson Mandela có thể nhận giải Nobel Hòa bình năm 1993 và trở thành Tổng thống Nam Phi năm 1994 nếu không suy ngẫm, viết lách trong 27 năm ngồi tù?”…
Rất nhiều giám đốc kinh doanh thành công bị bao vây bởi nhân viên, các cuộc điện thoại, các bản báo cáo. Nhưng hãy quan sát họ trong suốt 168 tiếng một tuần và 720 giờ một tháng, bạn sẽ thấy họ luôn dành một khoảng thời gian đáng kể để ngồi một mình suy nghĩ.
Điểm mấu chốt chính là một người thành công, dù trong bất cứ lĩnh vực nào, đều dành thời gian để tự đối thoại với bản thân, ghi nhớ và nối kết tất cả các mảng của một vấn đề lại với nhau, tìm ra cách giải quyết, vạch kế hoạch và ở một giai đoạn nào đó, phát huy khả năng suy nghĩ sáng tạo tuyệt vời của mình.
Bạn nên dành thời gian (ít nhất là 30 phút mỗi ngày) để ngồi một mình, chỉ một mình mà thôi. Bạn có thể đối thoại với bản thân, cân nhắc về hai loại suy nghĩ: đã được định hướng hoặc không được định hướng. Hãy nhớ, nhiệm vụ chính của một lãnh đạo là suy nghĩ. Sự chuẩn bị tốt nhất cho vị trí lãnh đạo chính là suy nghĩ. Dành một chút thời gian ngồi một mình mỗi ngày và hướng mình đến thành công.
Áp dụng bốn nguyên tắc trên sẽ giúp bạn đạt được điều mình mong muốn: khả năng lãnh đạo xuất sắc. Hãy bắt đầu với câu nói của nhà hiền triết vĩ đại Disraeli: “Cuộc đời thật ngắn ngủi, do vậy, đừng sống nhỏ nhoi”.
>8 suy nghĩ cốt lõi của những lãnh đạo xuất sắc
>Tim Cook đứng đầu 50 nhà lãnh đạo xuất sắc 2015
>Nhận diện nhà lãnh đạo xuất sắc
>Hãy là nhà lãnh đạo tốt