Là chuyên gia thiết kế môi trường làm việc, Erica Keswin đã có hơn 20 năm kinh nghiệm tư vấn cho những thương hiệu nổi tiếng thế giới. Ngoài ra, cô còn làm diễn giả và là tác giả của quyển “Bring Your Human to Work: Ten Sure-Fire Ways to Design a Workplace That is Good for People, Great for Business, and Just Might Change the World” (Tạm dịch: Đưa nhân văn vào công sở: 10 cách hữu hiệu để thiết kế một nơi làm việc tốt cho mọi người, tuyệt vời cho kinh doanh, và có thể thay đổi thế giới).
Chia sẻ trên trang Quartz, Erica Keswin đưa ra 4 ví dụ thực tế về những công ty đã trao cơ hội phát triển chuyên môn cho đội ngũ nhân viên mà không cần phải đầu tư quá nhiều tiền.
1. Tìm hiểu nhu cầu của nhân viên
Thay vì tự xác định nhu cầu phát triển của 60 nhân viên trẻ đang làm việc tại công ty DoSomething.org, CEO Aria Finger quyết định gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với từng nhân viên.
Cô đã hỏi nhân viên của mình: "Điều quan trọng đối với bạn là gì?", "Bạn có muốn thuyết trình tốt hơn không?", "Bạn có muốn thăng chức không?", "Bạn có muốn đi học thêm về chuyên môn không?"...
Cách tiếp cận này đã làm cho các nhân viên tại DoSomething.org cảm nhận được sự quan tâm và lắng nghe từ cấp lãnh đạo. Và thực tế, lãnh đạo công ty đã mở ra những cơ hội phát triển phù hợp cho nhân viên, thay vì chỉ "nghe cho có".
2. Trao quyền
Thay vì đưa ra những gợi ý về nơi tổ chức các lớp học ngoài văn phòng, CEO của mạng xã hội thể thao ZogSports - Rob Herzog đã quyết định để nhân viên tự xây dựng không gian học cho chính họ. Anh đã chỉ định 5 nhân viên đến từ những văn phòng khác nhau, với cấp độ chức vụ khác nhau hợp lại thành một nhóm. Nhóm này được trao quyền tự quyết định nội dung và cách thức tổ chức lớp học dựa trên ngân sách có sẵn và những chủ đề mà công ty đang muốn nhân viên phát triển.
3. CLB sách
Nathan Rosenberg - CEO của công ty tư vấn quản trị Insigniam đã tạo ra một CLB sách cho 65 nhân viên của mình cùng tham gia đọc và thảo luận về ít nhất 2 quyển sách mỗi năm. Rosenberg chọn ra những quyển sách mà anh tin rằng có thể mang đến những bài học giá trị cho nhân viên của mình. Những bài học không chỉ có thể áp dụng vào môi trường công việc mà còn thúc đẩy các nhân viên trao đổi, thảo luận với nhau.
2 quyển sách gần đây anh lựa chọn là Atlas Shrugged của Ayn Rand và Getting Naked - quyển sách về quản trị của Patrick Lencioni. Kết nối và học hỏi thông qua việc đọc sách có thể là một ý tưởng "lỗi thời" ở trường học nhưng lại hiệu quả nơi công sở.
Erica Keswin - Chuyên gia tư vấn thiết kế môi trường làm việc cho các doanh nghiệp nổi tiếng thế giới |
4. Thực hành, Làm mẫu, Huấn luyện, Trao quyền
Khi nhân viên mới tham gia vào công ty tư vấn lãnh đạo SYPartners, hoặc bắt đầu quản lý một dự án mới, hoặc được thăng chức, họ đều có cuộc gặp gỡ với quản lý trực tiếp của họ trong chương trình "Thực hành, Làm mẫu, Huấn luyện và Trao quyền".
Trong buổi gặp này, người quản lý sẽ giúp xác định đâu là công việc nhân viên cảm thấy tự tin để làm và đâu là công việc nhân viên cần được hỗ trợ thêm. Trong những buổi họp này, cả hai người tham dự đều cùng ký vào một cam kết sẽ đồng hành cùng người còn lại trong suốt quá trình học. Cả người hướng dẫn và người được hướng dẫn đều có cơ hội để phát triển kiến thức, góc nhìn và đặc biệt là mối quan hệ với người còn lại. Một mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp là sợi dây then chốt trong cảm giác hài lòng của nhân viên nơi công sở.
Phát triển chuyên môn, cũng giống như những khía cạnh khác trong công sở, đều dựa trên một yếu tố trọng tâm, đó là những mối quan hệ đáng trân trọng. Khi chúng ta dành thời gian để trò chuyện cùng nhân viên, trao đến họ cơ hội học hỏi thì đó là những trải nghiệm có giá trị đối với nhân viên. Bạn cũng sẽ thấu hiểu hơn về cả năng lực lẫn nhu cầu của nhân viên công ty.
Nói cách khác, thông qua tạo dựng môi trường phát triển chuyên môn cho từng nhân viên, bạn sẽ có thể quản lý nhân viên hiệu quả hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể tạo dựng được không gian làm việc tốt cho mọi người, tuyệt vời cho kinh doanh và biết đâu, công ty bạn có thể góp phần tạo ra sự thay đổi cho thế giới.