Một nghiên cứu mới từ Đại học Stcokholm đã xác nhận rằng sự trì hoãn không chỉ là vấn đề quản lý thời gian. Các nhà nghiên cứu tìm thấy lý do để kết luận rằng cảm tính chính là “công tắc” kích hoạt cho sự trì hoãn. Một số người cố tình để mọi việc đến phút cuối mới làm bởi vì họ nghĩ mình sẽ làm tốt hơn dưới áp lực, nhưng đến lúc đó thì mọi việc đã muộn.
Trong một bài viết trên Inc., Tiến sĩ Shatte - nhà sáng lập và Giám đốc khoa học tại meQuilibrium, một trung tâm “quản lý căng thẳng” (giúp khách hàng đánh bại stress và xây dựng khả năng phục hồi bằng cách thực hành các thói quen lành mạnh của cuộc sống), cho rằng những cảm xúc chán nản là khởi nguồn cho căn bệnh trì hoãn, được tác động bởi những suy nghĩ tiêu cực bên trong.
Tiến sĩ Shatte là một nhà nghiên cứu tại Trung tâm của Viện Brookings, một cựu giáo sư tâm lý học tại Đại học Pennsylvania và hiện đang làm việc tại Đại học Arizona ngành Y khoa. Ông phân tích diễn biến của căn bệnh trì hoãn: Thay vì đi ngay đến bàn làm việc, mở sách và đọc thì bạn lại để cảm xúc chán nản hoặc sự mệt mỏi trong suy nghĩ ngăn cản bước chân tiến về phía trước. Sau đó, bạn chọn những hoạt động mang lại cảm giác dễ chịu và thoải mái hơn như lướt Facebook, xem tivi hay nằm nghĩ, để rồi cuối cùng bạn cảm thấy tồi tệ và hối tiếc khi nhìn lại.
>>5 mẹo làm việc thông minh
Tại lớp học ở meQuilibrium, Shatte dạy học viên cách suy nghĩ để chống lại căn bệnh trì hoãn. Theo Shatte, có 4 cách để bắt đầu chuyển hướng suy nghĩ của bạn từ tâm trạng đắn đo, chán chường sang hướng hoạt động có mục đích và đưa bạn trở lại đường ray, nơi mà bạn đã thiết lập trước đó. Cụ thể:
1. Tìm nguyên nhân gốc
Đầu tiên, bạn phải hiểu và xác định những gì bạn đang cố gắng vươn tới và những gì đang ngăn cản bạn. Hãy bắt đầu bằng việc tự đặt câu hỏi: Trường hợp tồi tệ nhất là gì? Đâu là nguyên nhân của vấn đề? Những cảm giác gì sẽ nảy sinh khi bạn đang cố gắng để viết dự án hoặc sắp đối mặt một cuộc trò chuyện khó khăn? Điều gì đang khiến bạn lo sợ và có thể xảy ra nếu bạn thực sự làm điều đó? Giải pháp?
Đối với hầu hết mọi người, trì hoãn là do lo lắng. Lo không thể đảm nhận hoặc làm không tốt công việc. Nhưng chỉ lo lắng mà không bắt tay vào thực hiện không phải là cách giải quyết và không thể mang lại kết quả gì.
2. Nghĩ đến phần thưởng
Trong một bài viết trên Wall Street Journal, giáo sư tâm lý học Timothy Pychyl cho rằng cách để chữa lành tâm trạng trì hoãn trước viễn cảnh phải hành động là nghĩ đến phần thưởng bạn sẽ đạt được. Đây cũng là bí quyết để bạn thoát ra vòng xoáy Facebook.
Hãy tự nói với mình rằng khi làm một việc gì đó, bất cứ điều gì để hướng đến mục tiêu đều sẽ mang lại phần thưởng về sau. Hãy nghĩ về phần thưởng như là công cụ chống lại sự trì hoãn hiệu quả.
>>5 thói quen thành công của nhà đồng sáng lập Twitter
3. Thay đổi tư duy
Cách bạn cảm nhận một tình huống sẽ quyết định cách bạn phản ứng với chúng và cuối cùng là hành động của bạn.
Nếu bạn nghĩ rằng “dự án này quá khó khăn và tôi sẽ không bao giờ có thể làm được”, cũng có nghĩa là bạn đang soi chiếc kính lúp vào những thách thức, và những khó khăn sẽ được phóng to lên, trong khi những lợi thế thì bị bỏ qua. Điều này sẽ triệt tiêu động lực của bạn. Thay vào đó hãy nghĩ: “Đây là một thử thách, nhưng tôi sẽ làm được, và phần thưởng sẽ đến ngay khi bắt đầu”.
Khi phải làm một dự án nhưng lại không biết bắt đầu ở đâu, cách tốt nhất để “đầu xuôi đuôi lọt” là tìm một phần trong dự án mà bạn biết rằng mình có thể làm tốt nhất và bắt đầu từ đó.
“Mỗi dự án, bất kể lớn hay nhỏ, đều có một điểm khởi đầu, đó là hãy bắt tay vào làm nó”, Tiến sĩ Shatte cho biết.
4. Điều chỉnh mục tiêu
Cho dù bạn đang chán nản tới mức cảm thấy không có chút hy vọng nào để vượt qua được các chướng ngại, thì vẫn có hai lý do để bạn nên cố gắng. Lý do thứ nhất: Bạn có thể thành công.
Và lý do thứ hai: Ngay cả khi không thành công thì những nỗ lực để vượt qua khó khăn cũng giúp bạn hướng về phía trước, thay vì nhìn lại đằng sau.
Thay vì đặt mục tiêu là vượt chướng ngại vật, bạn hãy hướng đến những điều mà mình được thụ hưởng khi làm việc đó. Suy nghĩ này sẽ giúp bạn giải phóng năng lượng.
Vì vậy, lần sau khi bạn muốn tìm thấy chính mình trong một nhiệm vụ quan trọng, hãy làm theo các bước: tìm hiểu gốc rễ của vấn đề, nghĩ đến phần thưởng khi hoàn thành, thay đổi tư duy và điều chỉnh lại các chướng ngại vật. Bạn sẽ thấy danh sách những việc phải làm được rút ngắn và có thể thưởng thức thời gian đang trôi chậm lại.
>>3 cách để sở hữu cảm giác hạnh phúc