36 thói quen cần tránh để giúp trẻ trưởng thành

HQ| 27/04/2022 06:30

Hãy thôi áp đặt những suy nghĩ cũ kỹ và thật sự nghĩ cho tương lai của con” chính là lời cảnh báo mà tác giả Eiko Tajima chia sẻ trong cuốn sách 36 thói quen cần tránh để giúp trẻ trưởng thành.

Trẻ con thường chỉ bắt đầu suy nghĩ và hành động khi cha mẹ đốc thúc từ những việc thường ngày trong cuộc sống như dọn dẹp nhà cửa, làm bài tập, đi tắm, đánh răng... Những thói quen nhỏ thay vì vui vẻ hoàn thành nó thì trẻ thực hiện một cách gượng ép nên không đạt được kết quả như mong đợi. Thay vì dành thời gian để con thực hiện và dạy con chịu trách nhiệm với những việc mình đã làm, thì một số bố mẹ lại làm thay phần việc của con.

Chính vì vậy, thay vì đốc thúc hay nhắc nhở con, cha mẹ hãy để con tự quyết định và tự giác làm. Dù thất bại thì con cũng phải tự chịu trách nhiệm. Hãy giải thích cho con biết mỗi người phải tự mình chịu trách nhiệm cho mỗi hành động hay việc làm của bản thân. Con sẽ chẳng thể lớn nếu luôn được bố mẹ bảo bọc. Theo thời gian, thói quen dựa dẫm và ỷ lại được hình thành thì tương lai làm sao trẻ có thể có được một gia đình hạnh phúc khi chỉ chờ đợi sự giúp đỡ của bố mẹ. Hãy giúp con từ bỏ thói quen bị động bằng cách trao ý thức tự lập cho trẻ, thay vì nhận gánh vác mọi việc từ cha mẹ.

Nếu bạn không tự xây dựng cho mình thói quen đánh giá và lựa chọn điều gì thật sự cần thiết thì bản thân sẽ tiêu tốn thời gian và tiền bạc cho những việc không thật sự có ích. Và chắc chắn bạn không muốn trong tương lai con mình sẽ không thể quản lý chi tiêu một cách hiệu quả, mà lẽ ra bài toán này có thể được hướng dẫn từ lúc bé.

Khi trẻ không đạt được sự kỳ vọng của gia đình thường sẽ bị bố mẹ mang đi so sánh với “con nhà người ta”, từ đó khiến trẻ hình thành tâm lý tự ti, nhút nhát không dám bày tỏ quan điểm của bản thân trong hiện tại và trong tương lai trẻ khó có thể có được một gia đình hạnh phúc. Tất nhiên những kỳ vọng để con có được một tương lai tươi sáng hơn là một điều cần thiết, nhưng quan trọng hơn là bố mẹ cần giúp trẻ hiểu được thông điệp “không phải khi nào bạn đạt được thành tích tốt thì mới được yêu thương”.

Để làm được điều này thì bố mẹ cần vượt qua những cảm xúc của riêng mình để thấu hiểu, khích lệ và động viên trẻ. Hành động đó sẽ giúp trẻ cảm nhận được yêu thương và hạnh phúc từ gia đình. Từ đó, trẻ có thêm năng lượng tích cực để đối mặt với thế giới bên ngoài. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
36 thói quen cần tránh để giúp trẻ trưởng thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO