3 vấn đề nổi cộm tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc Khóa 72

LÊ DUY| 26/09/2017 05:17

Chú trọng con người, phấn đấu vì hòa bình và cuộc sống tốt đẹp dành cho mọi người trên một hành tinh bền vững" là chủ đề chung của kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 72.

3 vấn đề nổi cộm tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc Khóa 72

"Chú trọng con người, phấn đấu vì hòa bình và cuộc sống tốt đẹp dành cho mọi người trên một hành tinh bền vững" là chủ đề chung của kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) Khóa 72. 

Đọc E-paper

Dưới sự chủ trì của Chủ tịch ĐHĐ LHQ Miroslav Lajcak và Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, cùng sự tham gia của đại diện 193 quốc gia thành viên, kỳ họp thường niên ĐHĐ LHQ đã khai mạc ngày 12/9 tại New York, Hoa Kỳ. Trọng tâm cuộc họp nằm ở tuần lễ từ ngày 19-29/9, khi các nhà lãnh đạo cấp cao toàn cầu trình bày quan điểm xung quanh chủ đề chung.

Căng thẳng hạt nhân

Từ tháng 2, bất chấp sức ép của Hội đồng Bảo an LHQ, Bình Nhưỡng đã 15 lần phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Phản ứng với động thái của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: "Nếu bị buộc phải bảo vệ bản thân hoặc các đồng minh, chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào ngoại trừ hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên". Tổng thống Mỹ cũng tranh thủ diễn đàn ĐHĐ LHQ lần này kêu gọi các nước cùng gây sức ép và cô lập Triều Tiên cho đến khi quốc gia này chấm dứt triệt để những hành động mang tính "thù địch".

Trong bài phát biểu 40 phút, ông Trump còn chỉ ra rằng, khủng hoảng hạt nhân không phải là vấn đề của riêng Mỹ với Triều Tiên mà là vấn đề của cả thế giới với quốc gia này.

Đồng ý với Mỹ trong ứng phó tình hình Triều Tiên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết: "Chúng tôi ủng hộ quan điểm của Hoa Kỳ về việc cân nhắc mọi biện pháp có thể để ngăn chặn tham vọng hạt nhân từ phía Bình Nhưỡng".

Khác với Mỹ, Nga và Trung Quốc đã tái khẳng định rằng ngoại giao mới là con đường khả dĩ để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh việc các quốc gia phải cùng chung tay giải quyết vấn đề hạt nhân: "Giải pháp hữu hiệu duy nhất là ngoại giao. Tất cả các hành động quân sự đều sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng mà sẽ mất hàng trăm năm mới có thể phục hồi".

Việc Mỹ nhiều lần cảnh báo rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của nhóm P5+1 với Iran (JCPOA) cũng làm dấy lên nhiều tranh luận gay gắt tại ĐHĐ LHQ. Theo thỏa thuận, Iran nhất trí hạn chế làm giàu uranium, đổi lại các cường quốc sẽ xóa bỏ lệnh trừng phạt với Tehran. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng việc rút khỏi JCPOA là sai lầm nghiêm trọng, vì nó không chỉ đem lại lợi ích cho Iran mà còn cho cả thế giới. Tổng thống Hassan Rouhani cảnh báo Iran sẽ sẵn sàng đáp trả Mỹ trong vòng vài ngày nếu Washington quyết định rút lại thỏa thuận.

Biến đổi khí hậu

Tổng thư ký LHQ Guterres phát biểu: "Mưa bão và lũ lụt trên toàn cầu là cảnh báo việc các hiện tượng thời tiết cực đoan đang trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn bao giờ hết do biến đổi khí hậu".

>>Nhiều thành phố tại Mỹ vẫn sẽ thi hành Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

Tháng 12/2015, tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu 2015 (COP 21), 197 quốc gia đã ký kết Thỏa thuận chung Paris. Đây là bước ngoặt lịch sử, góp phần thúc đẩy các nước cắt giảm lượng khí thải để ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu. Đến nay đã có 160 nước thông qua thỏa thuận này.

Tuy nhiên, vào tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói có khả năng Mỹ sẽ rút khỏi COP 21, đồng nghĩa với việc đặt Hoa Kỳ vào tình thế đi ngược lại với cộng đồng thế giới. Trong khi đó, Mỹ lại là quốc gia có lượng xả thải CO2 nhiều thứ nhì thế giới, sau Trung Quốc. Đến kỳ họp ĐHĐ LHQ vừa rồi, Nhà Trắng vẫn khẳng định sẽ "ra đi" trừ phi có biến chuyển mới.

Phản ứng trước quan điểm của Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ ra: "Cộng đồng quốc tế tới nay đã bất lực trong giải quyết các mối hiểm họa lớn như biến đổi khí hậu. Giờ đây, hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải chung tay để có thể đương đầu với những thách thức môi trường cũng như các vấn đề mang tính toàn cầu như chiến tranh, khủng bố và khí hậu thay đổi".

Nhân quyền

Một vấn đề nổi cộm cũng được đưa ra bàn luận tại ĐHĐ LHQ lần này là khủng hoảng nhân quyền và tình trạng bạo lực leo thang ở Myanmar.
Theo UNICEF, từ ngày 25/8, đã có hơn 400.000 người Hồi giáo Rohingya, trong đó 60% là trẻ em, đã phải chạy trốn sang Bangladesh. Ông Zeid Ra'ad Al Hussein - Cao ủy LHQ về nhân quyền đã gọi chiến dịch an ninh nhắm vào người Hồi giáo tại Myanmar là một cuộc "thanh trừng sắc tộc". Tuy nhiên, Myanmar đã phủ nhận việc này và gọi những hoạt động quân sự của chính phủ là biện pháp đối phó với khủng bố.

Tổng thư ký LHQ đã yêu cầu Chính phủ Myanmar thừa nhận quyền hợp pháp của thiểu số người Rohingya tại bang Rakhine và kêu gọi nước này "chấm dứt hoạt động quân sự, tình trạng bạo lực, thực thi pháp luật cũng như công nhận quyền được trở lại quê hương của những người trốn đi tị nạn". Tuy nhiên, sẽ không có bất kỳ phản hồi nào từ phía Myanmar dành cho LHQ khi bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo tinh thần của người dân nước này, đã không dự kỳ họp ĐHĐ LHQ vào tuần trước.

Bên cạnh đó, kỳ họp ĐHĐ LHQ lần này cũng đề ra mục tiêu thiết lập bình đẳng giới tại LHQ vào năm 2028. Tổng thư ký Guterres cho biết đến nay, hơn một nửa trong số 17 thành viên Ban quản lý cấp cao LHQ đều do nữ đảm nhiệm. Theo một báo cáo năm 2016, đã có 143 quốc gia đồng ý đưa nội dung nam nữ bình quyền vào hiến pháp.

>>Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua UPR của Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
3 vấn đề nổi cộm tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc Khóa 72
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO