Trong vòng xoáy của kinh tế thế giới, chưa bao giờ kinh tế Việt Nam gặp phải nhiều biến động như thế. Cuốn theo những biến động đó là một năm nhiều trở ngại đối với doanh nghiệp.
Thủy sản: Thoát vận đen "sách đỏ"
Thủy sản vẫn giữ vững vị thế trong nhóm những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất năm 2010 của Việt Nam, với gần 5 tỷ USD. Tuy nhiên, đây cũng là năm “con tôm, con cá” chịu nhiều sóng gió. Đầu tháng 12, Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã đưa cá tra Việt Nam vào "sách đỏ".
Sự kiện này đã khiến Việt Nam và các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cá tra trên thế giới phản ứng dữ dội. Cuối cùng, WWF đã thừa nhận sự nhầm lẫn và rút cá tra ra khỏi "sách đỏ".
Cùng với sự kiện cá tra, lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam đã đệ đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kiện Mỹ về việc áp thuế phá giá đối với mặt hàng tôm đông lạnh xuất khẩu. Chuyện thắng, thua còn phải chờ quyết định của WTO, nhưng vụ kiện này thể hiện quyết tâm không để “cá lớn ép cá bé”.
Tài chính: Nháo nhào
Chưa năm nào thị trường tài chính Việt Nam lại biến động bất thường như năm 2010. Vàng và USD khởi đầu cho "cơn sốt" này. Bắt nguồn chủ yếu từ diễn biến trên thế giới, song "cơn sốt” khiến giá vàng tháng cuối năm có lúc tăng lên mức kỷ lục, trên 38 triệu đồng/lượng và USD vượt mốc 21.000 đồng/USD.
Cú “bồi” nghiêm trọng tiếp đó là việc Techcombank bất ngờ niêm yết lãi suất huy động 17%/năm vào sáng 8/12, đã khiến “cuộc chiến” lãi suất từ chỗ ngấm ngầm trở nên công khai và quyết liệt hơn.
Bất động sản: Vẫn bất động
Dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản đạt khoảng 228 ngàn tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, nhìn chung cả năm, giao dịch bất động sản không sôi động, thậm chí vào thời điểm cuối năm vốn là mùa cao điểm, tình hình vẫn rất trầm lắng.
Nguyên nhân đầu tiên khiến thị trường ảm đạm vào mùa cao điểm lại là vấn đề vốn. Các ngân hàng không còn ưu tiên cho vay mua bất động sản và lãi suất cũng còn ở mức khá cao. Bên cạnh đó, dù thị trường không khởi sắc nhưng giá bất động sản vẫn cao, muốn mua hoặc đầu tư cũng không đơn giản.
FDI: Cấp ít, rút nhiều
Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký năm 2010 đạt xấp xỉ 18,6 tỷ USD, bằng 82% so với năm 2009. Trong đó có 17,2 tỷ USD là vốn mới và 1,4 tỷ USD là vốn đăng ký tăng thêm. Tuy lượng vốn đăng ký giảm mạnh, nhưng FDI năm nay vẫn được chú ý nhờ vốn giải ngân khá (khoảng 11 tỷ USD, tăng 10%) và chính quyền nhiều địa phương mạnh tay rút giấy phép đăng ký dự án.
Ngoài 5 dự án thép vừa bị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cắt, hai dự án “tỷ đô” khác cũng chính thức bị “trảm” là dự án Bãi Biển Rồng (4 tỷ USD) ở Quảng Nam và dự án Thành phố Sáng tạo (Nam Tuy Hòa), vốn đăng ký 11,4 tỷ USD. Nhưng cũng trong dịp cuối năm này, tỉnh Quảng Nam đã “kịp thời” cấp phép thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp phức hợp Nam Hội An trị giá 4 tỷ USD cho VinaCapital.
Xuất nhập khẩu: Cùng tiến
Năm 2010 khép lại với kim ngạch xuất và nhập khẩu đều vượt trên 10 tỷ USD so với kế hoạch. Chốt lại cả năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 71,63 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2009; nhập khẩu đạt 84 tỷ USD, tăng 20,1% so với năm 2009. Như vậy, nhập siêu cũng tiến đến 12,4 tỷ USD, giảm so với năm 2009 (12,85 tỷ USD).
Năm 2010 có tới 16/26 mặt hàng được Tổng cục Thống kê xếp vào nhóm có kim ngạch xuất khẩu đạt mức trên 1 tỷ USD, trong đó có hai gương mặt mới là hạt điều và sản phẩm chất dẻo.
Túi xách, va li, ví, ô dù cũng đang ngấp nghé bước vào nhóm “câu lạc bộ 1 tỷ USD” này. Dệt may năm nay lần đầu tiên đạt kim ngạch trên 11 tỷ USD, đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu trong 26 mặt hàng chính. Thủy sản, da giày đã vượt qua dầu thô để lọt vào top 3 mặt hàng có kim ngạch cao nhất.
Vinamilk được Forbes vinh danh
Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) được tạp chí Forbes Asia bầu chọn là một trong 200 doanh nghiệp tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2010. Đây là công ty Việt Nam đầu tiên và duy nhất lọt vào danh sách này. Forbes Asia lựa chọn các doanh nghiệp tốt nhất trong tổng số 12.000 doanh nghiệp đang niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch với doanh thu dưới 1 tỷ USD để đưa vào danh sách bầu chọn.
Các yếu tố để đánh giá doanh nghiệp gồm: lợi nhuận, tăng trưởng, số tiền nợ và triển vọng. Cũng trong năm 2010, Nielsen Singapore (công ty truyền thông và thông tin hàng đầu thế giới, chuyên cung cấp thông tin về đo lường các chỉ số truyền thông, thị trường) đã công bố Vinamilk là một trong 10 thương hiệu được người tiêu dùng yêu thích nhất Việt Nam năm 2010 và chiếm vị trí số 1 trong ngành giải khát.
Nanogen sản xuất thuốc đặc trị
Lần đầu tiên một công ty dược của Việt Nam sản xuất được thuốc đặc trị viêm gan siêu vi B và C (dạng chích) có tên Pegnano, đó là Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen, với giá bán rẻ hơn 25% so với giá thuốc cùng loại nhập khẩu.
Tuy nhiên, vừa được Cục Quản lý dược Việt Nam cấp số đăng ký ngày 8/12 thì bảy ngày sau, loại thuốc này đã bị Công ty TNHH Tầm Nhìn Mới, đại diện sở hữu công nghiệp được ủy quyền của Công ty Roche, Thụy Sĩ, khiếu nại về việc “sử dụng trái phép sáng chế đang được bảo hộ của Roche”.
Còn Cục Quản lý dược, đơn vị cấp phép cho Nanogen, thì cho rằng đơn vị này không vi phạm và Roche có quyền đưa ra các bằng chứng để khiếu kiện.
MobiFone nộp thuế nhiều nhất
Theo kết quả từ bảng xếp hạng top 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam trong ba năm liên tục vừa qua (V1000) do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố, điều bất ngờ là doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều nhất Việt Nam không giống như dự đoán là Tập đoàn Dầu khí, mà là Công ty Thông tin di động (MobiFone), với gần 6.000 tỷ đồng.
Tiếp theo là Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Tổng công ty Khí Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam, Công ty TNHH liên doanh Phú Mỹ Hưng... Trong năm 2010, dù khó khăn, nhưng doanh thu của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông vẫn tăng 57,2% so với năm trước, đạt 5,9 tỷ USD.
Vinashin “đắm”
Đầu tư dàn trải, phát triển sản xuất, kinh doanh ồ ạt, buông lỏng quản lý, giám sát dẫn tới số nợ 86 ngàn tỷ đồng tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - Vinashin, không chỉ là cái kết thảm cho biểu tượng một thời của nền công nghiệp Việt Nam, mà còn là bài học cho sự thử nghiệm mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước.
Hàng loạt quan chức cấp cao của Tập đoàn đã bị bắt trong đó có Chủ tịch Phạm Thanh Bình, Tổng giám đốc Điều hành Trần Quang Vũ.
Trả lời chất vấn tại kỳ họp cuối năm, Thủ tướng Chính phủ đã nhận trách nhiệm trước Quốc hội và cho biết các thành viên Chính phủ đang kiểm điểm nghiêm túc về vụ việc này, đồng thời phải có trách nhiệm cứu Vinashin khỏi phá sản.
Dược Viễn Đông vướng vòng lao lý
Việc Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Dược Viễn Đông, ông Lê Văn Dũng, bị bắt về hành vi thao túng giá chứng khoán đã khiến thị trường chứng khoán “rúng động”.
Đây là lần đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam có một tổng giám đốc doanh nghiệp bị xử lý hình sự về hành vi thao túng giá chứng khoán kể từ khi tội danh này được bổ sung vào Bộ luật Hình sự, có hiệu lực từ 1/1/2010.
Trước đó, ông Dũng cũng như Dược Viễn Đông nổi đình đám trên thị trường chứng khoán với kế hoạch thâu tóm cổ phần của Công ty Dược Hà Tây.