1+1=3++: Giá trị mới cho doanh nghiệp hậu M&A

Ý Nhi| 17/10/2021 04:44

Trước nhiều thách thức, khó khăn do đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) đã năng động, quyết liệt  trong các hoạt động tái cơ cấu, mở rộng hệ sinh thái và tạo lập chuỗi giá trị thông qua các hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A).

1+1=3++: Giá trị mới cho doanh nghiệp hậu M&A

M&A: Nhiều điểm mới 

Chia sẻ tại hội thảo "M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị" do Báo Đầu tư phối hợp với NovaGroup tổ chức sáng 15/10, ông Lê Trọng Minh- Tổng biên tập Báo Đầu tư  nhấn mạnh: “Trước những ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 gây ra, ngay lúc này, doanh nghiệp phải tỉnh táo nhìn nhận để thấy được trong nguy có cơ, thấy được lối đi trong ngổn ngang hệ luỵ. Khi chưa biết đại dịch khi nào kết thúc, còn hay không những ‘đại dịch tương tự’ đang chực chờ trong tương lai, thì việc tiếp tục hành trình vạch sẵn chính là thách thức của mỗi DN. Đặc biệt, việc tìm ra cơ hội trong thách thức cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho trí tuệ và tiềm lực của DN. “Ai tìm ra sớm người đó có quyền làm chủ cuộc chơi”.

Trong phiên thảo luận với chủ đề: “Biến nguy thành cơ - Lối mở cho doanh nghiệp Việt”, ông Minh đặt câu hỏi : “Trong điều kiện hiện nay, khi nền kinh tế thế giới nói chung đang chao đảo bởi đại dịch Covid, tiềm lực kinh tế của nhiều DN bị ảnh hưởng, tìm kiếm cơ hội để mua bán - sáp nhập có phải là lựa chọn sống còn? 

Ông Nguyễn Công Ái- Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho rằng: “Năm 2020, số thương vụ M&A có giảm đi đáng kể do ảnh hưởng của bệnh dịch. Tuy nhiên, bước sang năm 2021, các nước đã bắt đầu kiểm soát được đại dich và đã chuẩn bị nguồn lực, nguồn tiền cho chuẩn bị cho các hoạt động M&A.Từ cuối năm 2020, giá trị thượng vụ đã ghi nhận tăng đáng kể. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động M&A toàn cầu tăng trưởng kỷ lục nhờ sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Mỹ.

Tại Việt Nam, năm 2021 dù thị trường khó khăn, nhưng vẫn có những thương vụ lớn như thời điểm tháng 9/2021, Tập đoàn Thaco đã hoàn tất việc chuyển nhượng hoạt động kinh doanh siêu thị Emart tại Việt Nam.

Ông Vũ Hữu Điền- Giám đốc Đầu tư Công ty Dragon Capital Vietnam cũng cho biết, trong vòng 18 tháng qua, ông cùng các cộng sự làm được nhiều thương vụ M&A hơn so với lúc chưa có đại dịch. Đã có hơn 10 thương vụ được trao tay, với tỉ lệ bán cổ phần trên 10% cho đối tác. Nguyên nhân bán đắt hàng vì quỹ đã chào hàng mới mức giá rẻ hơn 15-20% so với trước đây.

“Tinh thần làm chủ doanh nghiệp của giới doanh nhân Việt Nam rất cao, họ thấy đại dịch là cơ hội để mua nhiều mảng kinh doanh tốt. Thậm chí có thương vụ chốt online luôn. Xu hướng này sẽ tiếp tục vì tư tưởng mua  - bán của mọi người đã thay đổi”, ông Điền nói.

Ông Điền cũng cho rằng, việc có nhiều thương vụ M&A thời đại dịch không phải là thôn tính với giá rẻ. Các nhà đầu tư và DN đang tiếp sức nguồn lực cho nhau, để tăng sức mạnh hơn.

Với tín hiệu đó, "Từ đầu năm 2022, khi đại dịch được kiểm soát, khi chúng ta tiêm vắc xin đầy đủ, hoạt động M&A sẽ sôi động trở lại và có thể đạt tốc đổ tăng trưởng 100% so với cùng kỳ năm 2021. Và M&A là cơ hội cho DN vượt qua khó khăn và tiếp tục lớn mạnh”, ông Ái khẳng định.

Ông Ái cũng cho rằng, có 3 đặc điểm tích cực về M&A đáng chú ý trong giai đoạn dịch bệnh Covid bùng phát và ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Thứ nhất là tác động Covid lên M&A. Cụ thể, M&A toàn cầu có sự sụt giảm trong 6 tháng 2020 với tổng giao dịch 917 tỷ USD, nhưng sự tăng trưởng lại rất nhanh trong nửa cuối năm khi được kiểm soát, giá trị 2.200 tỷ USD. Trong năm 2021, giá trị M&A toàn cầu là 2.600 tỷ USD.

Tác động tương tự ở Việt Nam, M&A năm 2019 đạt giá trị 7,2 tỷ USD, nhiều tập đoàn kinh tế trong nước xuất hiện, nhưng khối ngoại vẫn ảnh hưởng lớn. Cả năm 2020, tổng giá trị các thương vụ M&A chỉ 3,5 tỷ USD.

Thứ hai là sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp nội. Năm 2018, doanh nghiệp Việt Nam là bên mua chiếm 18%, năm 2019 - 2020 là 30% và quý I/2021 là 49%. Điều này cho thấy, các DN,  tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam đã nắm thế chủ động hơn. 

Ví dụ, trong năm 2020, dù đại dịch hoành hành, Quỹ Đầu tư tư nhân (PE) KKR đã đầu tư 650 triệu USD mua 6% cổ phần tại Vinhomes, công ty con của Vingroup trong lĩnh vực bất động sản.

Một thương vụ quan trọng khác là việc Masan Group mua lại Vm Commerce và VinEco của Vingroup. Ngoài ra, còn có các thương vụ liên quan tới các tập đoàn lớn như: Masan, Thaco, Gelex, Vinamilk...

Thứ ba là sự hợp tác liên kết hình thành chuỗi, thay vì M&A mang tính thôn tính. Giai đoạn 2019 - 2021 chỉ 11% giao dịch M&A là sáp nhập - tức triệt tiêu một bên. Còn lại 80% mua lại (mua cổ phần chiếm tỷ lệ đa số) để kiểm soát và 9% là liên doanh.

 Thời điểm để DN "dọn dẹp" sau bão Covid-19 

Ông Trần Đình Thiên- nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, đây là thời điểm hợp lý để bàn về cơ hội M&A, “dọn dẹp” lại các DN sau khi bị “cơn bão” Covid-19. Nói đến cơ hội M&A, ông Thiên cho rằng cần quan tâm hai vấn đề: Thứ nhất tái cấu trúc DN Việt. Muốn vậy, cần thay đổi điều kiện, tháo gỡ cơ chế chính sách, bởi đây không chỉ là cơ hội cho DN Việt thay đổi chân dung mà rộng hơn là cơ hội cho đất nước.

Dau-SG-5188-1634419283.jpg

Các diễn giả tại hội thảo

Thứ hai là nỗ lực từ phía DN, là cách thức thực hiện M&A sao cho hiệu quả nhất. Từ việc phân tích xu hướng, có thể nhận diện cơ hội mới mà các DN trong nước tham gia vào thay đổi DN, không chỉ trông chờ vào các đối tác quốc tế. Tuy nhiên, có một điểm khác so với trước đây, thay vì đứng trên vai người khổng lồ, “dựa” vào người khổng lồ thì nay là liên kết thông qua hợp tác, bắt tay nhưng có sở hữu lẫn nhau.  

Ông Nguyễn Thái Phiên- Phó tổng giám đốc NovaGroup chia sẻ: "Trong giai đoạn Covid-19 vừa qua, các DN SME cũng muốn thay đổi chiến lược, từ bỏ mảng kinh doanh hiện hữu. Hướng đi cộng sinh với các DN lớn hơn được đặt ra.

Thực ra, các DN lớn ở Việt Nam sau thời gian tích lũy thì trách nhiệm xã hội của họ cũng lớn hơn rất nhiều, không phải là câu chuyện từ thiện, mà là tạo ra cộng đồng DN Việt Nam lớn mạnh hơn, đủ sức cạnh tranh.

Các DN lớn không thể tự làm tất cả các ngành, họ chỉ có thể bơm vốn, đưa nhân sự vào để hỗ trợ DN nhỏ, nhưng sự cộng sinh từ DN lớn hơn thì bản thân cộng đồng SME có cơ hội phát triển lớn hơn.

Ngược lại, các DN SME muốn phát triển bền vững hơn, tồn tại dài hạn hơn thì phải cộng sinh với DN lớn. Và “1+1=3++” trở thành thuật ngữ mới trên thị trường M&A. Sự cộng sinh này thể hiện quyết tâm và ý chí của DN.

Tâm đắc với ý kiến của ông Thiên cho rằng, thời điểm hiện tại đang là cơ hội vàng cho doanh nghiệp, ông Ái ví dụ, một ngành khó khăn lớn trong đại dịch là F&B, doanh nghiệp phục vụ dịch vụ, nhà hàng. Khi nghiên cứu thị trường này cho thấy, có khả năng 30% các nhà hàng độc lập biến mất sau thời gian dài dịch bệnh chịu không nổi chi phí mặt bằng, trừ phi người kinh doanh tại nhà của họ.

Nhưng có một loại DN khác có thể phát mạnh, đó chính là các chuỗi cà phê, nhà hàng… với khách hàng quay lại sau đại dịch thì đây la cơ hội lớn.

Trong nguy có cơ, chúng tôi thấy trong đại dịch mỗi người có cơ hội ngồi lại, suy nghĩ, về cuộc sống, làm sao để cải thiện. DN cũng vậy, họ thấy rõ ràng ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh là cực quan trọng. Như các chuỗi nhà hàng bán tại chỗ, thì phải có dịch vụ bán mang về, như chuỗi Haidilao - bán gói lẩu ăn tại nhà, rất sáng tạo, doanh nghiệp luôn có giải pháp.

Trong giai đoạn mới, chuyển đổi số cũng là định hướng bắt buộc, nhưng phải nhanh. Đây là các xu hướng không thể bỏ qua, là cơ hội cho DN chớp được cơ hội và có chiến lược phù hợp.

M&A gần đây có tính định hướng rất cao. Trước đây, có những DN rất nhiều tiền, họ tham gia mỗi lĩnh vực một chút. Vingroup có thời gian định thành lập DN bảo hiểm, hàng không…., nhưng hiện họ đang có định hướng chiến lược rất rõ ràng và cương quyết. Hay Masan, Novaland đã mở rộng là NovaGroup, Nova Services Group, Nova Consumer Group… Có thể nói, định hướng chiến lược rõ ràng giúp định hướng M&A rõ ràng và cơ hội thành công cao hơn.

Ông Phan Đức Hiếu- Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: “DN trong bối cảnh Covid không thể gượng dậy trên con đường cũ, mà phải mạnh mẽ đứng dậy trên con đường mới, tức phải tự cấu trúc lại. Đã có nhiều DN quay về kinh doanh cốt lõi thay vì trước đây thiếu đi chiến lược dài hạn… và M&A là công cụ, là cách thức có nhiều lợi ích mà DN sẽ sử dụng”.

Có thể hình dung, tái cấu trúc có 3 cách, thúc đẩy giải thể DN nhanh, mở cửa nhanh cho nhiều DN mới gia nhập thị trường nhưng cách này có vẻ sẽ có tác động mang nhiều yếu tố bất lợi.

Còn cách khác là khuyến khích M&A. Có 2 yếu tố M&A là hợp tác cùng phát triển, có tính bền vững hơn nhiều sự liên kết giữa 2 DN, một nhà sản xuất, một nhà cung cấp. Sự liên kết của M&A theo hình thức hợp tác còn có sự đóng góp hỗ trợ về nguồn lực, chi phối về nguồn vốn sẽ chặt chẽ và bền vững hơn nhiều. Các cách thức như vậy là cần, bên cạnh việc thúc đẩy, đưa ra các chủ trương, chính sách để tăng tính liên kết của DN, hình thành chuỗi mới, phát huy điểm mạnh của DN.

“Như vậy, thể chế sắp tới sẽ định hình, thúc đẩy M&A và định hình M&A theo hướng là cơ cấu lại DN, tăng cường hợp tác”, ông Hiếu nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
1+1=3++: Giá trị mới cho doanh nghiệp hậu M&A
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO