Nhật Bản hiện là thị trường đứng thứ tư về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Hai nước là thành viên trong các FTA đa phương như CPTPP, RCEP. Chính phủ hai nước cũng luôn quan tâm tạo điều kiện cho cộng đồng DN hai bên hợp tác, giao thương hàng hóa. Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản, ngoài tận dụng lợi thế song phương, còn có thể tận dụng tốt cơ hội từ các ưu đãi thuế quan đa phương.
Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật Bản đạt trị giá khoảng 20 tỷ USD. Tại phiên tư vấn xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Tạ Hoàng Minh - Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, người Nhật khá ưa chuộng nông sản của Việt Nam, như chuối, hạt điều (chiếm thị phần khá lớn), xoài, dừa, dứa, vải, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, trong đó thị phần xoài, vải đang tăng khá nhanh.
Mặc dù vậy, khối lượng và giá trị nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản còn hạn chế do vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm khó đạt tiêu chuẩn của một thị trường "rất khó tính". Ví dụ, quả thanh long, quả xoài xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản phải diệt ấu trùng, chi phí xử lý khá cao, trong khi Nhật Bản lại yêu cầu phải sử dụng các phương tiện, thiết bị do họ cung cấp. Đến nay, rau quả tươi và đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản còn rất ít, do chưa chế biến sâu, phải tuân thủ khắt khe các quy định về dư lượng chất bảo vệ thực vật.
Hệ thống phân phối tại Nhật Bản có nhiều tầng nấc, mỗi tầng lại có chiết khấu riêng, muốn đưa trực tiếp sản phẩm đến tay người tiêu dùng Nhật Bản là tương đối khó, thường phải qua trung gian. Để có mặt trên kệ hàng tại các siêu thị lớn ở Nhật Bản, ngoài việc đạt tiêu chuẩn của siêu thị, sản phẩm còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu, trong đó có vấn đề sử dụng lao động.
Theo ông Vũ Hoàng Đức - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản, thị trường Nhật Bản cho nông sản của Việt Nam còn rất lớn. Nhiều đặc sản vùng miền nổi tiếng của Việt Nam đến nay vẫn vắng bóng tại thị trường Nhật Bản. Hầu hết nông sản mà DN Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản vẫn ở dạng thô, sơ chế, khi đến tay người tiêu dùng Nhật Bản thì đã mang tên của nhà nhập khẩu.
Muốn mở rộng thị phần tại Nhật Bản, nông sản Việt Nam cần phải tuân thủ tiêu chuẩn GlobalGAP và các tiêu chuẩn khác. Để xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản, ông Đức cho rằng Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. DN cần phải chủ động nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, xây dựng và bảo vệ uy tín, danh tiếng cho sản phẩm, liên kết chuỗi để cộng hưởng sức mạnh, nắm vững nhu cầu, thị hiếu thị trường, xúc tiến thương mại sang thị trường Nhật Bản một cách bài bản, chuyên nghiệp.
"Có được hàng hóa với thương hiệu uy tín, tiêu chuẩn quốc tế, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản sẵn sàng liên kết với DN trong nước để giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại Nhật Bản, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này", ông Vũ Hoàng Đức chia sẻ.
Kinh doanh quốc tế luôn có rủi ro, thị trường Nhật Bản không phải ngoại lệ. DN tại Nhật Bản không chỉ có pháp nhân của nước sở tại, mà cũng có nhiều pháp nhân của nước ngoài, hành vi và cách thức giao dịch đa dạng, lừa đảo cũng có, nhất là trong giao dịch trực tuyến rất khó kiểm chứng. Ông Tạ Hoàng Minh khuyến nghị, làm ăn với thị trường Nhật Bản, nhất là với đối tác mới, cần phải thẩm định kỹ thông qua các kênh tin cậy. Khi xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, cần kiểm soát chặt chẽ đầu vào liên quan đến tỷ lệ hàng hóa hỏng hóc, bị lỗi, chất lượng không đồng đều để tránh gặp vướng mắc.