Tự động hóa sản xuất để tăng năng suất, chất lượng là xu thế tất yếu hiện nay. Điểm qua hoạt động của một số doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, có thị phần, có thể thấy rõ sự thành công của họ gắn liền với tự động hóa sản xuất.
Đọc E-paper
Tiền tỷ cho công nghệ
Tại thị trường sữa Việt Nam, không ai có thể phủ nhận sức mạnh của thương hiệu Vinamilk. Đây là một trong những doanh nghiệp đầu tư mạnh cho tự động hóa sản xuất. Công ty này có 10 trang trại bò sữa và 13 nhà máy sản xuất (trong đó có 3 nhà máy tại Mỹ, New Zealand và Campuchia). Riêng 2 nhà máy sản xuất sữa tại Bình Dương có vốn đầu tư lên đến gần 5.000 tỷ đồng.
Trong đó, nhà máy sữa bột được xây dựng tại KCN Việt Nam - Singapore (Bình Dương) mỗi năm cung ứng ra thị trường 54.000 tấn sữa bột, cao gấp 4 lần công suất trước đó. Nhà máy thứ 2 đặt tại KCN Mỹ Phước (Bình Dương), cung ứng ra thị trường 400 triệu lít sữa nước mỗi năm - bằng tổng lượng sữa nước của 9 nhà máy khác của Vinamilk. Giai đoạn 2 nhà máy đã tăng công suất lên 800 triệu lít sữa mỗi năm. Cả 2 nhà máy đều được trang bị công nghệ hiện đại, gần như các công đoạn đều sử dụng robot.
Chia sẻ lý do đầu tư vào tự động hóa, bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food cho biết, nhiều năm nay, việc tìm nguồn lao động là vấn đề khó khăn của doanh nghiệp. Những năm trước, cán bộ quản lý của Công ty chỉ cần ra Thanh Hóa là tuyển dụng công nhân theo nhu cầu, nhưng hiện nay tại các tỉnh, nhiều nhà máy được xây dựng đã hút một lượng lớn lao động.
Chính vì vậy, để giải quyết bài toán nhân công và để tăng năng suất, từ cuối năm 2013, Sài Gòn Food đã xây dựng nhà xưởng mới với máy móc, thiết bị hiện đại, hướng đến việc tự động hóa 70% quy trình sản xuất. Nhà xưởng mới có công suất đến 400.000 tấn sản phẩm/tháng, gấp đôi so với 3 xưởng sản xuất hiện có của Công ty.
>>Trương Triều Thuận: “Giám đốc tự động hóa”
Trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh trứng gia cầm, giữa tháng 4 vừa qua, Công ty Ba Huân đã khánh thành nhà máy xử lý trứng tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Nhà máy có mức đầu tư 110 tỷ đồng, công suất xử lý 65.000 quả trứng/giờ bằng thiết bị tự động 100%.
Trước đó, tại miền Nam, Công ty Ba Huân đã xây dựng khu chăn nuôi công nghệ cao theo quy trình châu Âu, diện tích 18ha vốn đầu tư 320 tỷ đồng, gồm 22 trại với tổng đàn 1 triệu con gà lấy trứng, tất cả đều tự động, từ cung cấp thức ăn, gom thức ăn thừa cho đến thu trứng, thu phân. Công ty cũng đầu tư tự động nhà máy xử lý trứng gia cầm công suất 185.000 trứng/giờ và một trang trại chăn nuôi 3 triệu con gà lấy thịt.
Tập đoàn Dabaco Việt Nam cũng đã đưa dây chuyền tự động xử lý trứng gà của Hà Lan vào sử dụng với vốn đầu tư 500 tỷ đồng, sẽ cung cấp cho thị trường trên 200 triệu quả trứng/năm.
Hái "trái ngọt"
Theo đại diện của Vinamilk, việc sử dụng robot trong vận hành nhà máy giúp tiết kiệm chi phí cũng như sức lao động của con người. Chỉ riêng nhà máy sữa nước ở Bình Dương đã đủ đáp ứng nhu cầu sữa nước cho thị trường Việt Nam. Trong năm 2013, khi nhà máy sữa bột đi vào hoạt động đã giúp Vinamilk đạt doanh thu hơn 31.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 6.500 tỷ đồng, tăng 12% so với trước đó.
Bà Mai Kiều Liên - TGĐ Công ty Vinamilk cho biết, sữa và cà phê là 2 thứ Việt Nam có thể xuất khẩu tốt. Với sự ra đời của 2 nhà máy sữa hiện đại, Vinamilk trở thành thương hiệu đáng tin cậy cho hàng triệu gia đình Việt Nam, và đang dần hiện thực hóa giấc mơ đưa thương hiệu Vinamilk vào bản đồ ngành sữa thế giới.
Năm 2016, Vinamilk đạt doanh thu 46.965 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2015, và dự kiến năm nay sẽ đạt 51.000 tỷ đồng. Hiện tại, sản phẩm của Vinamilk đã có mặt ở 40 nước.
>>Robot cướp việc làm hay mang lại thịnh vượng?
Công ty Sài Gòn Food tuy mới đẩy mạnh đầu tư vào tự động hóa nhưng bà Lê Thị Thanh Lâm tin tưởng vào thành quả sẽ đạt được là rất cao. Khi xưởng sản xuất mới đi vào hoạt động trong tháng 8 tới đây sẽ tăng gấp đôi sản phẩm so với trước. Với công nghệ mới này, trong năm 2018, Công ty sẽ tiếp tục ra dòng sản phẩm mới tiện dụng hơn với người tiêu dùng.
Trong khi đó, nhờ đầu tư vào quy trình tự động hóa mà trên thị trường trứng gia cầm, sản phẩm của Ba Huân đang chiếm thị phần lớn khi mỗi ngày cung cấp hơn 1 triệu quả trứng sạch các loại (trứng gà, trứng vịt, trứng vịt muối, trứng vịt lộn) cho người tiêu dùng. Không chỉ có trứng, Ba Huân còn cung cấp thịt gà tươi, lạp xưởng, xúc xích, chà bông gà, trứng gà, trứng vịt luộc, các sản phẩm ăn nhanh từ thịt gà.
Thành công với việc đầu tư tự động hóa sản xuất, lãnh đạo Vinamilk nhiều lần khẳng định sẽ luôn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nhằm tăng chủng loại, chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh đối với sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Trong 5 năm qua, Vinamilk đã đầu tư hơn 6.500 tỷ đồng để xây dựng các nhà máy có trình độ tự động cao ngang tầm khu vực và thế giới. Vinamilk cũng không dừng lại ở việc sử dụng robot trong sản xuất sữa mà còn đưa vào khâu chăn nuôi bò sữa.
Chia sẻ với các cổ đông mới đây, bà Mai Kiều Liên cho biết: "Để tăng năng suất, sắp tới Công ty sẽ đưa robot tự động vắt sữa bò vào các trang trại".