![]() |
Sau vụ mua bán USD trái phép lên đến gần 400.000USD, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ráo riết đẩy mạnh kiểm tra, xử phạt đối với dịch vụ này. Kết quả là một số tiệm vàng đã ngưng mua bán USD cho khách hàng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đây mới chỉ là phản ứng nhất thời...
Kết quả bước đầu
Có lẽ, sau đợt kiểm tra mạnh tay của cơ quan chức năng, phát hiện và xử phạt 9 tiệm vàng thu đổi ngoại tệ trái phép thì nhiều tiệm vàng có thu đổi ngoại tệ tại chợ Bến Thành, Chợ Lớn, Chợ Tân Định... trước giờ đều nhộn nhịp mua bán nay đã ngưng hẳn hoạt động này. Bây giờ, muốn mua bán USD, khách hàng chỉ có thể giao dịch tại các đại lý thu đổi ngoại tệ của ngân hàng (NH).
![]() |
Thị trường ngoại tệ liệu có ổn sau những biện pháp mạnh tay của NHNN? - Ảnh: Quý Hòa |
Thị trường tự do ngừng giao dịch, giá USD niêm yết trên thị trường liên NH lập tức giảm xuống 40 đồng/USD, chỉ còn 20.663 đồng/USD, giá USD niêm yết tại Vietconbank và Eximbank cũng giảm xuống vài chục đồng, còn mức 20.870 - 20.875 đồng/USD.
Phải thừa nhận rằng, từ sau Tết, cơ quan quản lý đã triển khai hàng loạt các biện pháp mạnh để chấn chỉnh thị trường ngoại hối, trong đó tập trung vào việc giao dịch hàng hóa bằng USD và mua bán USD trên thị trường tự do.
Hiệu quả gần như tức thì đối với thị trường này, ngoại trừ một số điểm thu đổi xa trung tâm thành phố vẫn còn mua bán USD, giá USD bán ra cũng được điều chỉnh nhỉnh hơn (khoảng 21.900 đồng/USD) nhưng giao dịch có phần e dè hơn trước.
Khi được hỏi về lộ trình tiếp theo của NHNN trong việc kiểm soát, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM nói rằng, NHNN chưa có chủ chương gì mới mà chỉ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm tăng cường kiểm tra hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép, thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ quyết liệt hơn.
Hoạt động mua bán ngoại tệ trên thị trường chợ đen là trái pháp luật và thời gian qua nó đã gây ra không ít khó khăn cho công tác quản lý, điều hành thị trường này.
Hơn nữa, khối lượng giao dịch ngoại tệ trên thị trường tự do có lẽ không nhiều, nhưng nếu nguồn ngoại tệ này đổ về giao dịch trong NH thì càng tốt hơn đối với hệ thống NH nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Nói như ông Minh thì tất cả giao dịch mua bán ngoại tệ được thực hiện qua hệ thống NH sẽ giúp nền kinh tế lành mạnh, minh bạch hơn, cung cầu ngoại tệ sẽ được kiểm soát và không còn tái diễn chuyện doanh nghiệp không mua được USD trong khi thị trường chợ đen lại bán tràn lan với giá cao?
Nhưng còn nhiều chông gai
Dẫu vậy, đó cũng mới chỉ là kỳ vọng của những nhà quản lý, vì theo một số chuyên gia kinh tế, thì những kết quả trên chưa thể nói lên điều gì trên lộ trình xóa bỏ thị trường “hai tỷ giá”.
Hơn nữa, đây không phải là lần đầu thị trường này tạm ngưng hoạt động. Vào những năm 2007, 2009 đã có thời điểm khi giá USD biến động khó lường, NHNN cũng tiến hành kiểm soát gắt gao, ra lệnh cấm và mọi chuyện cũng đã xảy ra như hiện tượng trên.
Bởi lẽ chuyện “hai tỷ giá” đã tồn tại từ rất lâu và nó ăn sâu vào suy nghĩ của mỗi người. Nguyên nhân rất đơn giản: mua USD trong NH thì trầy trật, nên người mua đành phải mua bên ngoài, chấp nhận giá cao một chút nhưng dễ dàng.
Hay nói như TS. Vũ Đình Ánh, một khi tiền đồng vẫn tiếp tục mất giá, thì chuyện găm giữ USD vẫn không thể xóa bỏ. Theo ông Ánh, mỗi lần tiền đồng mất giá, DN lại phải tốn kém hơn khi nhập khẩu, từ đó, tự nhiên người có tài sản và hàng hóa sẽ tự bảo hiểm bằng việc dùng USD để tích trữ và thanh toán. Không chỉ tâm lý người dân, ngay của các NH cũng đã có thói quen ấy.
Bằng chứng là mỗi lần tỷ giá thay đổi, ngay lập tức các NH điều chỉnh lãi suất USD tăng giảm tương ứng, như vậy, không lý nào người dân lại không tin vào USD như một tài sản đảm bảo không bao giờ bị mất giá, nhất là trong tình hình lạm phát hiện nay.
Thực tế là đã rất nhiều lần, NHNN tiến hành hàng loạt biện pháp để xóa bỏ tình trạng "đô la hóa" trong giao dịch, nhưng mọi chuyện dường như vẫn hoài công.
Nguyên nhân là do có những quy định về giao dịch ngoại tệ nhưng trong một thời gian dài, rất nhiều quy định không được thực thi hoặc có thực thi cũng bỏ dở nửa chừng.
Chẳng hạn, ra quy định cấm niêm yết hàng hóa bằng USD, nhưng thực tế, đến nay các DN vẫn quy giá trị hàng hóa mình bán từ USD sang tiền đồng và thay đổi giá bán liên tục. Khi được hỏi tại sao giá tăng từng ngày, DN công khai giải thích rằng “vì tỷ giá tăng”.
Việc này đã diễn ra một cách công khai trong một thời gian dài và cả người mua lẫn người bán đều chấp nhận nó như một lẽ bình thường.
Theo PGS-TS. Trần Hoàng Ngân, các động thái của NHNN như cấm kinh doanh vàng miếng, hạn chế giao dịch ngoại tệ tự do là biện pháp để ổn định nền kinh tế theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, nhưng việc cấm này không thể nói cấm là cấm ngay được.
Nhà nước cần có biện pháp để ổn định tâm lý người dân, nếu không đây là cơ hội để giới đầu cơ lợi dụng ép giá. Hơn nữa các đại lý thu đổi ngoại tệ đều hoạt động bằng giấy phép của NHNN cấp, nếu muốn xóa bỏ hoàn toàn đại lý chợ đen thì trước hết NHNN phải sửa pháp lệnh này.
Ông Alan Phan, chuyên gia kinh tế độc lập, nói rằng, đây là lần đầu tiên ông thấy Chính phủ đưa ra những chính sách đồng bộ như giảm lãi suất OMO, lãi suất chiết khấu, giảm dư nợ tín dụng, kiểm soát thị trường ngoại tệ, kiểm soát vàng miếng... Mọi biện pháp tốt sẽ giúp chúng ta thoát khỏi lạm phát.
Tuy nhiên, Nhà nước cũng nên lưu ý một điều là các biện pháp được thực hiện phải thắt chặt cho đến cuối năm. Không để như những năm trước, chúng ta điều hành nửa vời, chỉ thực hiện đến giữa năm nên mọi kết quả đã không đạt như mong muốn.
Vì thế, không có gì lạ khi người ta cứ nói rằng việc thanh toán bằng USD có tồn tại hay không phụ thuộc vào niềm tin của người dân vào chính sách điều hành, sự ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định giá trị của tiền đồng.
Nói như thế cũng để thấy rằng, nếu muốn dùng biện pháp hành chính để kiểm soát thị trường thì NHNN phải kiểm soát chặt và liên tục, chứ nếu không lại rơi vào tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” như nhiều năm qua.