![]() |
Nguyên tắc: Phục vụ tốt nhất lợi ích người dân
Điểm vướng mang tính chất mấu chốt khiến dự thảo Nghị định 86 không được thông qua chính là Bộ GTVT vẫn chưa đưa ra được giải pháp phù hợp nhất cho quy định quản lý xe hợp đồng 9 chỗ ( hay còn gọi là xe vận tải công nghệ) và xe taxi truyền thống, những tranh cãi bất tận giữa hai bên dường như chưa báo hiệu đâu là hồi kết.
Thời gian qua, Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan đã tích cực góp ý xây dựng dự thảo Nghị định; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học; nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm của các nước; lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp; nghiên cứu, giải trình, rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định theo đúng trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều ý kiến cho rằng: nội dung dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/NĐ-CP về kinh doanh vận tải vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, bên cạnh đó những quan điểm khác nhau đối với một số nội dung trọng yếu của dự thảo cũng chưa tìm được tiếng nói thống nhất.
![]() |
Đèn hiệu trên nóc giúp khách hàng vãng lai nhận diện xe ( ảnh : Kenh14.vn) |
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về buổi họp rà soát dự thảo Nghị định 86/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Phó Thủ tướng cho rằng, đây là Nghị định có tác động rất lớn đến trật tự, ATGT cũng như quyền lợi của người dân, doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Phó Thủ tướng khẳng định, nội dung dự thảo Nghị định vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, còn nhiều ý kiến khác nhau đối với một số nội dung trọng yếu; một số nội dung chưa phù hợp với pháp luật hiện hành, điển hình là Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao dịch điện tử...
Để bảo đảm tính khả thi khi Nghị định được ban hành, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, đơn vị: Công an, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ủy ban ATGT quốc gia, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội và doanh nghiệp vận tải lớn trong và ngoài nước nghiên cứu, rà soát kỹ nội dung dự thảo trên tinh thần phù hợp với các luật có liên quan, nhất là Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao dịch điện tử, Luật Hợp tác xã...;
Đồng thời, phải bảo đảm các nguyên tắc: phục vụ tốt nhất lợi ích của người dân, cũng như bảo đảm vai trò quản lý của Nhà nước; trật tự, ATGT và chống ùn tắc giao thông; văn minh đô thị; minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh; tuyệt đối không để xảy ra kẽ hở pháp lý, làm phát sinh lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách và thực thi pháp luật.
Đèn hay không đèn?
Trong dự thảo lần thứ 8, Bộ GTVT tiếp tục quan điểm sẽ quản lý xe hợp đồng (Grab, Go-viet, Be…) như xe taxi, theo đó phải gắn phù hiệu, hộp đèn trên nóc xe. Đặc biệt có hộp đèn với chữ “TAXI” gắn cố định trên nóc xe phải có kích thước tối thiểu 12 x 30 cm. Đây là một trong những điểm mà Grab đang phản đối quyết liệt. Theo ông Lim Yen Hock, Giám đốc Công ty TNHH Grab, gắn hộp đèn trên nóc xe kết nối với hành khách qua ứng dụng và xe hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử không cần thiết. Mục đích quy định hộp đèn trên nóc xe nhằm nhận diện xe của khách hàng khi có nhu cầu đón, vẫy xe taxi trên đường, trong khi xe hợp đồng không đón khách vãng lai. Ngoài ra, tất cả các phương tiện đã được niêm yết phù hiệu “xe taxi” hoặc “xe hợp đồng” trên kính trước. Thông tin về xe, lái xe, số điện thoại tài xế cũng đã được cung cấp cho khách hàng qua ứng dụng.
Grab đã gửi văn bản tới Bộ GTVT cho rằng, khoản 2 điều 3 dự thảo Nghị định 86 quy định nếu doanh nghiệp thực hiện một trong hai công đoạn: “trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe” hoặc “quyết định giá cước vận tải”, thì sẽ được coi là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, 2 khái niệm này sẽ “dẫn đến sự bất bình đẳng trong việc áp dụng các quy định” và đề nghị bổ sung thêm các công đoạn đặc trưng như sử dụng và quản lý xe ô tô, thuê và quản lý người lái xe, điều khiển phương tiện…vào khái niệm kinh doanh vận tải bằng ô tô.
“Điều này sẽ dẫn đến khả năng một đơn vị dù chỉ thực hiện một công đoạn của hoạt động kinh doanh vận tải, nhưng vẫn phải xin phép kinh doanh và tuân thủ toàn bộ các điều kiện kinh doanh vận tải”, văn bản của Grab nêu.
Công ty này cũng đề xuất quy định rõ điều kiện kinh doanh đối với đơn vị thực hiện từng công đoạn cụ thể trong hoạt động kinh doanh vận tải. Dựa trên những điều kiện kinh doanh như trên, cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết đối với hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh vận tải phù hợp với đơn vị thực hiện theo từng công đoạn tương ứng.