Chuyện làm ăn

Xanh hóa thương mại hướng đến phát triển bền vững

Hồng Nga 30/06/2024 18:48

Thương mại xanh là khâu cuối cùng trong quy trình “xanh hóa”, đưa sản phẩm Việt đến với người tiêu dùng trên khắp thế giới.

Phát triển thương mại xanh

Thương mại xanh đã trở thành xu hướng tất yếu và phát triển thương mại xanh đã trở thành chiến lược quốc gia. Ngày 13/7/2021, Thủ tướng đã ký Quyết định 1163 phê duyệt chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Cụ thể hóa chiến lược này, Bộ Công Thương đề ra mục tiêu về phát triển thương mại xanh giai đoạn đến năm 2025 là thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp, thương mại nhằm đạt mục tiêu giảm 5-8% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành dệt may, thép, nhựa, hóa chất, rượu, bia, nước giải khát, giấy...

thuong-mai-xanh-2.jpg
Tiêu dùng dùng xanh đã được người tiêu dùng quan tâm

Chia sẻ tại Hội thảo Thương hiệu-Nội lực “mềm” cho doanh nghiệp Việt vừa diễn ra vào ngày 27/6, ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, hàng Việt đã được đầu tư phát triển về chiều sâu, lan toả và có sức hút đặc biệt với người tiêu dùng. Nhờ đầu tư vào “xanh hóa”, nên hàng Việt đã chiếm đến 75-85% trên quầy kệ các siêu thị trong cả nước.

Theo Bộ công Thương, tiêu dùng xanh đã được triển khai từ nhiều năm qua và việc dán nhãn năng lượng với đồ gia dụng rất thành công. Tại thị trường nội địa, hiện có đến 85% các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy. Ở các kênh bán lẻ này, các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm dán nhãn tiết kiệm năng lượng và nhãn sinh thái đang được ưu tiên trưng bày và cũng được người tiêu dùng ưa thích.

Không chỉ khẳng định tại thị trường nội địa, hàng Việt cũng từng bước chinh phục thị trường thế giới bằng chất lượng và giá cả cạnh tranh. Việt Nam đã vươn lên top 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu trên thế giới. Với sự phát triển nội tại của từng doanh nghiệp (DN) cùng với lợi thế từ nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong nhiều năm, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 20 quốc gia có thương mại hàng đầu thế giới.

Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia với tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới (đến 102%) trong giai đoạn 5 năm, từ 2019-2023. Giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2023 đạt hơn 498 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022 và xếp thứ 33/121 quốc gia được đánh giá.

Bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương

Nền tảng thương mại bền vững

Lợi thế của thương mại xanh là rất lớn, ông Vương Ngọc Dũng - Giám đốc Tiếp thị Phát triển Thị trường Công ty CP mỹ phẩm Sài Gòn (SCC) khẳng định , thương mại xanh giúp DN tiếp cận được các thị trường phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, những nơi có nhu cầu cao về sản phẩm thân thiện với môi trường. Việc áp dụng thương mại xanh giúp nâng cao hình ảnh DN, tạo niềm tin với khách hàng và đối tác, nhờ vậy sẽ giúp DN tăng trưởng doanh số, mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất xanh đi kèm với việc tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và giảm lãng phí, giúp DN tiết kiệm chi phí và tăng cường hiệu quả sản xuất.

thuong-mai-xanh.jpg
Sản phẩm của các doanh nghiệp đang hướng đến "xanh hóa"

Lợi thế là vậy nhưng trên thực tế, trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, sản phẩm Việt vẫn tồn tại chủ yếu dưới hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian là chính, rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng thương hiệu của mình.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, có đến 70-80% hàng hóa xuất khẩu theo dạng hàng thô, giá trị gia tăng thấp. Nông sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực cung ứng cho cả thị trường trong và ngoài nước, nhưng có tới 80% sản phẩm chưa có thương hiệu... Nhiều quốc gia nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ở dạng thô, hoặc đầu tư nhà máy chế biến nông sản tại Việt Nam, sau đó sơ chế, đấu trộn, đóng gói dưới thương hiệu của đơn vị sản xuất, rồi bán ra thị trường với giá cao gấp hàng chục lần…

DN cần hiểu rằng, thương mại bền vững chỉ có thể được thiết lập khi trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại tạo ra lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của phát triển bền vững như tạo ra giá trị kinh tế, bảo tồn và tái sử dụng tài nguyên môi trường...

Sản phẩm để có thể đứng vững và phát triển trên thị trường toàn cầu phải an toàn, có khả năng tái tạo, được sản xuất có trách nhiệm, sản phẩm sử dụng lâu bền (hạn chế sản phẩm dùng nhanh, xả thải ra môi trường, vòng đời sản phẩm ngắn)…

Nâng cao vị thế hàng Việt

Không chỉ có cơ hội và lợi thế, với các DN Việt, phát triển theo hướng thương mại xanh cón gặp cả những thách thức. Theo ông Vương Ngọc Dũng, những thách thức đó là chi phí đầu tư cao, việc chuyển đổi sang quy trình sản xuất xanh đòi hỏi đầu tư lớn vào công nghệ, cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân lực.

Với nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, chi phí này có thể vượt quá khả năng tài chính hiện tại và cũng chưa có đủ kiến thức và kinh nghiệm về các quy trình sản xuất xanh. Sự thiếu hụt này gây khó khăn trong việc triển khai và duy trì các biện pháp thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, thị trường quốc tế ngày càng đòi hỏi các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt. DN Việt Nam phải đối mặt với thách thức tuân thủ các quy định này để có thể tiếp cận và duy trì thị trường xuất khẩu.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Đức cho rằng, để nâng cao năng lực cung ứng và vị thế hàng Việt tại thị trường trong nước và trên thế giới, có 4 vấn đề cần phải cải tiến. Đầu tiên, Việt Nam cần có quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng trồng tránh sự cạnh tranh giữa các địa phương, quy hoạch và phân bố hợp lý sản phẩm OCOP.

Tiếp đó là phải định hướng đầu tư sản phẩm tiêu dùng mang thương hiệu quốc gia, thậm chí là sản phẩm mang thương hiệu toàn cầu.

Phải thúc đẩy phát triển đồng bộ các ngành cung ứng hậu cần, thương mại điện tử và số hóa, hiện đại hóa, tập trung vào sản xuất, lưu thông, phân phối hàng Việt. Bên cạnh đó, phải củng cố thị trường hiện hữu bằng các giải pháp trên và phát triển thêm các thị trường mới.

Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, xây dựng thương hiệu DN Việt Nam càng trở nên cấp thiết. Việc này sẽ giúp gia tăng nội lực, nội sinh cho DN, giúp DN hướng tới phát triển vững mạnh, từng bước vươn xa hơn không chỉ ở thị trường trong nước mà cả ở quốc tế.

“Cần tìm cho sản phẩm Việt nhân tố mới, và tạo nét mới cho thương hiệu Việt để đi xa hơn. Nhân tố mới đó chính là yếu tố “xanh”, bởi nếu không xanh hóa thì không có tương lai. Phải chuyển đổi xanh, tạo nội lực mềm cho DN đón đầu cho tương lai”, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xanh hóa thương mại hướng đến phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO