Tài sản của tỷ phú Mỹ tăng hơn 60% trong thời gian đại dịch

Khởi Vũ| 30/08/2021 00:56

17 tháng qua, trong khi khối tài sản của giới tỷ phú tăng hơn 60%, khoảng 86 triệu người dân Mỹ đã mất việc vì Covid-19.

Trong 1 năm rưỡi qua, tổng tài sản của giới tỷ phú Mỹ đã tăng 1.800 tỷ USD, từ xấp xỉ 3.000 tỷ USD vào tháng 3/2020 - thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng do Covid-19, lên 4.800 tỷ USD vào tháng 8/2021. Như vậy, tổng tài sản của top 1% người giàu nhất nước Mỹ đã tăng xấp xỉ 2/3.

Theo báo cáo mới nhất từ Viện Nghiên cứu Chính sách Chương trình về Bất bình đẳng (IPS) và nhóm hoạt động mang tên Người Mỹ vì Công bằng Thuế (ATF), không chỉ khối tài sản của các tỷ phú gia tăng mà số lượng tỷ phú cũng tăng. Tháng 3 năm ngoái, có 614 công dân Mỹ với tài khoản ngân hàng có 10 con số. Đến tháng 8 năm nay, con số này đã là 708.

[Caption]

Tài sản của 15 người giàu nhất nước Mỹ từ tháng 3/2020 đến tháng 8/2021, cùng mức tăng tài sản của họ.

Trong số các tỷ phú có tài sản gia tăng, CEO Tesla Elon Musk là người ghi nhận mức tăng mạnh nhất - hơn 600%, tương đương 150 tỷ USD.

Và, bằng cách lợi dụng lỗ hổng trong luật pháp Mỹ, khối tài sản 1.800 tỷ USD tăng thêm trong thời gian qua sẽ không chịu bất kỳ một khoản thuế nào, trừ phi các tỷ phú "thể hiện" rằng mình có lợi nhuận sau khi bán ra tài sản của họ.

Trên thực tế, dữ liệu từ Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) cho thấy, những người giàu nhất có thể "trốn thuế" một cách hợp pháp, khi mức thuế thu nhập mà họ phải đóng hằng năm chỉ bằng một phần rất nhỏ trong số hàng trăm triệu, nếu không nói là hàng chục tỷ USD tài sản tăng thêm. 

Dữ liệu từ Forbes cho thấy, giai đoạn 2014 - 2018, tổng giá trị tài sản của 25 người giàu nhất nước Mỹ tăng 401 tỷ USD. Tuy nhiên, tổng thuế thu nhập liên bang họ phải đóng trong 5 năm đó là 13,6 tỷ USD, tương đương thuế suất thực 3,4%.

Ngược lại, cùng thời gian đó, tài sản ròng của một hộ gia đình làm công ăn lương ở độ tuổi trung niên điển hình tăng bình quân 65.000 USD sau thuế, chủ yếu do giá trị ngôi nhà họ ở tăng lên. Song, vì phần lớn thu nhập đến từ tiền lương, mức thuế mà họ phải đóng khi ấy xấp xỉ 62.000 USD, gần bằng mức tăng tài sản.

Link bài viết

Đáng chú ý, sự gia tăng cả về số lượng tỷ phú lẫn tổng tài sản tích luỹ của họ diễn ra trong bối cảnh hầu hết người lao động Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. 17 tháng qua, hơn 86 triệu người Mỹ đã mất việc, trong khi gần 38 triệu người nhiễm Covid-19 và hơn 625.000 trường hợp tử vong.

Có thể nói, đại dịch và những ảnh hưởng kéo theo của nó đang khoét sâu thêm khoảng cách giàu nghèo. Kết hơp việc ngân sách các nước bị thâm hụt nặng nề do vừa chống dịch vừa hỗ trợ, kích thích kinh tế phục hồi, chính phủ các nước nhiều khả năng sẽ tăng cường đánh thuế nhắm vào những người giàu. Trong đó, đề xuất tăng thuế thu nhập và dự thảo đánh thuế tài sản của Mỹ là một ví dụ điển hình.

Cụ thể, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất tăng thuế đối với những người Mỹ có thu nhập cao nhất để có thể chi trả cho cơ sở hạ tầng. Đề xuất này gồm áp thuế thu nhập 39,6% với người Mỹ kiếm được trên 1 triệu USD, cũng như bị áp thuế 3,8% theo Đạo luật Chăm sóc sức khỏe Giá cả phải chăng.

Điều này sẽ khiến những người giàu bị áp thuế lợi tức vốn 43,4%, gần gấp đôi mức hiện hành. Theo báo cáo của Viện Thuế và Chính sách kinh tế, với đề xuất tăng thuế của ông Biden, mỗi người giàu ở Mỹ phải trả thêm 100.000 USD tiền thuế mỗi năm. Đây cũng là một trong các lý do khiến ngày càng nhiều người Mỹ giàu có muốn từ bỏ quốc tịch.

Trong khi đó, ở cấp độ thế giới, phân tích của Oxfam, Liên minh Chống Bất bình đẳng, Viện Nghiên cứu Chính sách và Hội Các triệu phú yêu nước cho rằng, khoản thuế một lần đánh vào 2.690 tỷ phú toàn cầu là đã đủ để hỗ trợ 20.000 USD tiền mặt cho tất cả người lao động thất nghiệp vì đại dịch.

Ông Morris Pearl - cựu Giám đốc điều hành của công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock, cho biết trong một tuyên bố, tài sản của các tỷ phú thế giới đã tăng mạnh giữa lúc hàng triệu người trên thế giới bị mất mạng và mất sinh kế. "Các tỷ phú cần trao đi số tiền đó và chính phủ cần bắt họ làm việc đó bằng cách đánh thuế tài sản của họ", Pearl nhấn mạnh.

Về phần mình, nhiều người trong số các tỷ phú Mỹ cũng tích cực cho đi số tài sản của họ thông qua hoạt động từ thiện. Đáng chú ý nhất phải kể đến MacKenzie Scott - người đã cho đi khoảng 6 tỷ USD cho hàng trăm nhóm từ thiện. Trong khi chồng cũ của bà - tỷ phú Jeff Bezos cam kết đầu tư 10 tỷ USD cho "Bezos Earth Fund" để chống lại biến đổi khí hậu.

Riêng tỷ phú Bill Gates cùng Warren Buffett, với việc sáng lập quỹ "Giving Pledge" vào năm 2010, cam kết sẽ cho đi phần lớn tài sản của mình. Theo cổng thông tin của Giving Pledge, từ năm 2010 đến nay, đã có 210 tỷ phú từ 23 quốc gia cam kết sẻ chia sẻ phần lớn của cải của mình cho cộng đồng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, hoạt động từ thiện của các tỷ phú cũng phải đối mặt với nhiều áp lực và vấn đề gây tranh cãi. Lý giải cho vấn đề này, tờ The Guardian cho biết, dù các tỷ phú đang sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để làm từ thiện, nhưng khối tài sản của họ đang tăng quá nhanh vì kinh doanh thuận lợi, thậm chí là ngay cả trong đại dịch và vượt xa tốc độ làm từ thiện. 

Do đó, nếu muốn thực hiện tốt cam kết của mình, các tỷ phú không còn cách nào khác ngoài việc tăng cường hoạt động từ thiện để bắt kịp tốc độ gia tăng tài sản của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tài sản của tỷ phú Mỹ tăng hơn 60% trong thời gian đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO