Người trẻ thà nhắn tin còn hơn phải giao tiếp ngoài xã hội

Tuỳ Phong| 06/04/2022 07:00

Cùng với sự phát triển của Internet và thiết bị công nghệ là chứng ám ảnh sợ xã hội của người trẻ tại nhiều nước, gồm Trung Quốc, Mỹ hay Nga.

Người trẻ thà nhắn tin còn hơn phải giao tiếp ngoài xã hội

Sự phổ biến của mạng xã hội và đời sống kỹ thuật số được nâng cao là 2 lý do chính làm gia tăng chứng ám ảnh sợ xã hội.

Trên mạng xã hội Trung Quốc những năm gần đây, "chứng ám ảnh sợ xã hội", hay "rối loạn lo âu xã hội" là 2 thuật ngữ xuất hiện phổ biến, khi ngày càng nhiều người trẻ thừa nhận bản thân sợ giao tiếp ngoài đời thực.

Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), một số người dùng mạng xã hội cho biết họ sẽ từ chối sự giúp đỡ của người khác, ngay cả trong trường hợp "chẳng may bị một con hổ cắn""Đương nhiên, tôi sẽ gặp nguy cơ tử vong. Nhưng thà vậy còn hơn phải chủ động chào hỏi người lạ đến giúp mình", một bình luận cho biết.

Không chỉ ở Trung Quốc, tỷ lệ người trẻ mắc "chứng ám ảnh sợ xã hội", hay "rối loạn lo âu xã hội" tại một số nước khác như Mỹ, Nga hay Brazil cũng đang tăng, theo một nghiên cứu y khoa công bố trên tạp chí khoa học PLOS One năm 2020. Cụ thể, 32,1% người Trung Quốc độ tuổi 16-29 mắc chứng ám ảnh sợ xã hội. Ở Mỹ, Nga và Brazil, tỷ lệ này lần lượt là 57,6%, 42,4% và 27%.

Về nguyên nhân, chuyên gia tâm lý học Huang Jing ở Hàng Châu, Trung Quốc cho biết sự phổ biến của mạng xã hội và đời sống số được nâng cao là các lý do chính làm tăng chứng ám ảnh sợ xã hội. "Chuyện thanh niên - người ở độ tuổi tò mò và khám phá, lại từ chối ra khỏi nhà cũng như gặp gỡ người khác là điều phổ biến hiện nay", Huang Jing nói.

Link bài viết

Li Li - nữ sinh 17 tuổi ở Thượng Hải cho biết sau 1 tuần học tập ở trường rằng "thích dành cuối tuần ở nhà". "Tôi có thể nói rất nhiều trên mạng. Nhưng khi gặp gỡ ngoài đời, tôi lại ngại ngùng, không biết nói gì. Có lẽ, bởi trao đổi online sẽ an toàn hơn, ít nhất là tôi không phải lộ diện"Li chia sẻ.

Theo Charna Cassell, nhà trị liệu hôn nhân và gia đình ở Mỹ mạng xã hội chắc chắn gây ra chứng rối loạn lo âu xã hội.

Một người có thể gặp phải triệu chứng lo âu xã hội nếu cảm thấy bản thân không tương xứng với các tiêu chuẩn và hình mẫu trên newsfeed mạng xã hội của mình. Từ đó, họ có thể lo lắng về những gì người khác nghĩ về mình, hoặc tự so sánh cuộc sống của mình trên mạng với ngoài đời.

Theo một nghiên cứu  năm 2018 trên 1.000 trẻ em độ tuổi 13-17 của tổ chức phi lợi nhuận Common Sense Media, 61% thanh thiếu niên thích nhắn tin và trò chuyện trực tuyến hơn đi chơi với bạn bè ngoài đời. Trong khi đó, ở cuộc khảo sát tương tự năm 2012, chỉ 42% người trẻ ủng hộ giao tiếp online.

Bên cạnh đó, Ji Longmei - nhà tư vấn tâm lý cấp cao tại Trung tâm Tư vấn Sức khỏe Tâm thần Soul Garden ở Thượng Hải còn cho rằng, có một lý do nữa cho vấn đề này. Đó là nhiều thanh thiếu niên sinh ra trong thời đại chính sách một con được bố mẹ và ông bà bao bọc quá mức.

"Những đứa trẻ này không có ai chơi cùng ở nhà. Mặt khác, chúng phải đối mặt với kỳ vọng cao từ gia đình về thành tích học tập trong bối cảnh cạnh tranh giáo dục khốc liệt. Do đó, chúng dành phần lớn thời gian nghỉ để học. Một khách hàng trẻ của tôi hiện là tiến sĩ, nhưng không thể làm việc hay hẹn hò vì chứng ám ảnh sợ xã hội. Theo lời kể của mẹ anh này, anh không phải làm gì khác ngoài học. Bà mẹ sẽ lo mọi thứ, cả việc buộc dây giày cho con trai", bà kể.

Nỗi sợ bị soi mói, phán xét ngoài đời thực vì từng sử dụng bộ lọc chỉnh ảnh trên mạng có thể khiến một người phát triển chứng ám ảnh sợ xã hội. Ảnh: BigStock.

Nỗi sợ bị soi mói, phán xét ngoài đời vì từng sử dụng bộ lọc chỉnh ảnh trên mạng xã hội có thể khiến một người phát triển chứng ám ảnh sợ xã hội. Ảnh: BigStock.

Dù vậy, bà Ji tin rằng "chứng ám ảnh sợ xã hội" đang bị lạm dụng trên không gian trực tuyến, bất chấp sự phổ biến của nó. Theo trang thông tin sức khỏe tâm thần độc lập Psych Central, chỉ chuyên gia sức khỏe tâm thần mới có thể chẩn đoán chính xác một người có mắc chứng rối loạn lo âu xã hội hay không.

Một số triệu chứng như bạn hầu hết đều cảm thấy sợ hoặc lo lắng trong các tình huống giao tiếp xã hội. Các triệu chứng phải tồn tại ít nhất 6 tháng, gây cản trở sinh hoạt hàng ngày. "Không phải người nào tự nhận mắc chứng bệnh tâm lý này cũng đang thực sự đối mặt với nó. Trong nhiều trường hợp, họ chỉ lấy đó làm cớ để từ chối tham gia một số hoạt động, sự kiện nhất định", bà Ji nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người trẻ thà nhắn tin còn hơn phải giao tiếp ngoài xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO