![]() |
Nỗi khát khao tung cánh
Amelia Earhart sinh ngày 24/7/1897 tại Atchison (bang Kansas, Mỹ). Khác với những bé gái cùng trang lứa, Amelia thích thú với những trò chơi của lũ con trai như trèo cây, săn chuột bằng súng trường, cắt tóc ngắn và mặc quần áo con trai.
“Chuyến bay” đầu tiên của Amelia Earhart là từ… mái nhà, với trò chơi xe trượt được cô mô phỏng lại trò chơi tàu lượn tại St. Louis trong một lần đi qua đây. Những chiếc thùng gỗ được gia cố lại như một xe trượt tuyết và từ mái nhà, Amelia trượt xuống đất. Chiếc xe vỡ tan tành, bản thân cô cũng bị thương nhưng lúc đó, Amelia đã reo lên sung sướng: “Thật tuyệt vời, nó giống như đang bay”.
Càng lớn, Amelia càng quan tâm đến những người phụ nữ nổi tiếng trong những lĩnh vực công việc dành cho đàn ông như cơ khí, luật sư, đạo diễn và nhất là những phi công nữ. Ngày 28/12/1920 là một ngày thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Amelia khi cô được người cha dẫn đến sân bay ở Long Beach, nơi cô gặp Frank Hawks - người sau này trở thành tay đua máy bay nổi tiếng. Cha của Amelia đã bỏ 10 USD để con gái mình được tận hưởng chuyến bay 10 phút ở độ cao 300 feet (khoảng 90m). Sau sự kiện đó, Amelia tuyên bố, cô “phải học bay và sẽ bay”.
![]() |
Thời gian sau đó, Amelia dồn hết công sức cho việc kiếm tiền để học lái máy bay. Cô làm đủ mọi nghề, từ tài xế xe tải, chụp ảnh dạo cho đến làm nhân viên tốc ký để có tiền chi trả học phí. Amelia chấp nhận mọi điều kiện khó khăn và cả những cơ sở hạ tầng không đáp ứng đủ an toàn để học bay.
Earhart đã dành dụm tiền để mua chiếc máy bay hai tầng cánh Kinner Airster và đặt tên cho nó là The Canary. Ngày 22/10/1922, Earhart lập kỷ lục đầu tiên của cuộc đời khi cho chiếc Airster bay ở độ cao 14.000 feet (4.300m). Cô trở thành phi công nữ đầu tiên trên thế giới bay ở độ cao này.
Gần một năm sau, ngày 15/5/1923, Earhart trở thành người phụ nữ thứ 16 được cấp giấy phép trở thành phi công do Fédération Aéronautique Internationale (FAI) cấp. Earhart đã thực hiện chuyến bay chính thức đầu tiên tại sân bay Dennison vào năm 1927. Cô cũng trở thành đại diện bán hàng cho hãng chế tạo máy bay Kinner ở khu vực Boston.
Hai lần vượt Đại Tây Dương
Sau chuyến bay solo vượt Đại Tây Dương đầu tiên của phi công Charles Lindbergh vào năm 1927, nước Mỹ quan tâm đến việc tìm kiếm một nữ phi công lặp lại điều này. Sau nhiều lựa chọn, tháng 4/1928, Amelia nhận được cú điện thoại đặc biệt sẽ thay đổi hoàn toàn sự nghiệp của cô sau này. Đại úy Hilton H. Railey đã gọi điện cho Amelia và hỏi: “Cô có muốn bay vượt Đại Tây Dương không?”. Ngay lập tức, Amelia trả lời là có.
Chuyến bay đầu tiên của Amelia gồm hai hành khách, phi công Wilmer Stultz và thợ máy Louis Gordon. Đội bay rời cảng Repassey (Newfoundland) trên một chiếc F.VIIb/3m Fokker vào ngày 17/6/1928 và hạ cánh tại Burry Port (xứ Wales, Vương quốc Anh) sau 20 giờ và 40 phút bay.
Nhưng, Amelia tỏ ra không hài lòng với chuyến bay, cô cho biết: “Tôi giống như một hành lý mang theo, Stultz đã làm mọi việc, có lẽ một ngày nào đó tôi sẽ tự bay một mình”. Tại nước Anh, Earhart được chào đón nồng nhiệt và cô lái thử một số loại máy bay. Khi trở lại Mỹ, đội bay được chào đón và có buổi tiếp kiến với Tổng thống Calvin Coolidge tại Nhà Trắng.
Sau chuyến bay, Amelia đã vạch ra kế hoạch vượt Đại Tây Dương một mình. Cô liên tục tích lũy giờ bay, tham gia vào một số các cuộc đua máy bay để trao đổi kinh nghiệm. Năm 1928, Amelia trở thành người phụ nữ đầu tiên bay qua lục địa Bắc Mỹ rồi quay trở lại.
Sáng ngày 30/5/1932, khi ở tuổi 34, Amelia chính thức thực hiện hành trình chinh phục Đại Tây Dương. Tại sân bay Harbour Grace (Newfoundland, Canada), Amelia cất cánh trên chiếc máy bay một động cơ 5B của Vega Lockheed cùng với một tờ báo địa phương để xác nhận ngày khởi hành.
Trong 14 giờ 56 phút bay, Amelia đã chống chọi với gió mạnh từ hướng bắc, băng giá và những vấn đề về cơ khí xảy ra với máy bay. Vượt qua những thử thách, cô hạ cánh xuống một đồng cỏ tại Culmore, phía bắc của Derry (Bắc Ai-len). Khi cô hạ cánh, có hai người nông dân chứng kiến, đó là Cecil King và T. Sawyer. Họ hỏi cô: “Cô bay đến từ đâu?” Amelia trả lời: “Tôi đến từ nước Mỹ”.
Amelia đã trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới bay một mình qua Đại Tây Dương và sau chuyến hành trình đó, cô nhận được nhiều phần thưởng xứng đáng từ Quốc hội, Chính phủ và Hội địa lý quốc gia của Tổng thống Mỹ Herbert Hoover. Đặc biệt là một tình bạn thân thiết với Eleanor Roosevelt - người một năm sau đó trở thành đệ nhất phu nhân nước Mỹ. Amelia sau đó trở thành một biểu tượng của nước Mỹ, cô tham gia các show truyền hình, quảng bá các thương hiệu thời trang và cô cũng mở cho riêng mình một nhãn hiệu.
Chinh phục những giấc mơ
Năm 1936, Amelia lên kế hoạch cho một cuộc chinh phục lớn hơn, bay vòng quanh thế giới. Amelia phác thảo ý tưởng của mình, theo đó, cô sẽ bay theo đường xích đạo với 1 quãng đường lên đến 47.000km. Ý tưởng của cô lập tức nhận được sự chú ý, và quỹ Purdue đồng ý tài trợ cho hành trình này. Tháng 7/1936, chiếc máy bay mang tên Lockheed Electra 10E được chế tạo bởi Công ty Lockheed với những thông số kỹ thuật đảm bảo cho hành trình dài của Amelia.
Amelia lựa chọn bạn đồng hành cùng mình gồm ba người: Harry Manning - cơ trưởng từng phục vụ Tổng thống Roosevelt; Albert Paul Mantz - phi công nổi tiếng trong những cuộc đua máy bay, và cuối cùng là hoa tiêu Fred Noonan - người có rất nhiều kinh nghiệm bay trên biển.
Ngày 17/3/1937, Amelia Earhart và phi hành đoàn của cô đã cất cánh từ Oakland (California) đến Honolulu (Hawaii), mở đầu cho cuộc chinh phục lớn nhất cuộc đời người nữ phi công quả cảm này. Tại Hawaii, sau một số trục trặc liên quan đến động cơ, chiếc Lockheed Electra 10E đã không thể tiếp tục hành trình và bị hư hại nặng nề. Nó được đóng gói và chuyển về California để sửa chữa. Trong thời gian sửa chữa, Amelia quyết không bỏ cuộc, quỹ bảo đảm Putnam đã đứng ra tài trợ cho hành trình lần thứ hai của cô.
Ở lần chinh phục này, chỉ còn duy nhất Fred Noonan tham gia cùng Amelia. Hai người rời Miami vào ngày 1/6/1937, dừng lại khá nhiều ở Nam Mỹ, Châu Phi, Ấn Độ, Đông Nam Á và đến Lae (New Guinea) vào ngày 29/6/1937. Như vậy, Amelia và Noonan đã thực hiện được 35.000km của cuộc hành trình và chỉ còn lại 11.000km nữa là hoàn thành cuộc chinh phục. Tuy nhiên, 11.000km này là thử thách nguy hiểm nhất khi họ phải bay trên Thái Bình Dương.
Ngày 2/7/1937, Earhart và Noonan đã cất cánh từ Lae với đầy đủ nhiên liệu. Đích đến của họ là đảo Howland, một mảnh đất bằng phẳng dài 2.000m rộng 500m, cao 3m so với mặt nước biển. Chuyến đi này mất 4.113km. Đáng buồn, đây cũng là lần cuối cùng người ta nhìn thấy Amelia và Noonan khi vị trí của họ được thông báo tại quần đảo Nukumanu, khoảng 1.300km từ Lae.
Tàu hải quân Hòa Kỳ USCG Itasca được giao nhiệm vụ liên lạc và dẫn đường cho Amelia đã mất liên lạc với phi hành đoàn từ Nukumanu. Mọi nỗ lực liên lạc và tìm kiếm đều trở nên vô vọng. Những cuộc tìm kiếm chính thức đã kéo dài cho đến 19/7/1937, tiêu tốn khoảng 4 triệu USD. Hải quân và Cảnh sát biển Mỹ được huy động vào cuộc tìm kiếm lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ vào thời điểm đó. Tàu sân bay Lexington, tàu chiến Colorado, tàu khảo sát hải dương học của Nhật Bản và thủy phi cơ Kamoi đã tìm kiếm trong 150.000 dặm vuông (390.000km2).
Quay trở lại Mỹ, Putnam đã đệ đơn lên tòa án và trở thành người được ủy thác toàn bộ bất động sản của Earhart để ông có kinh phí trang trải các hoạt động tìm kiếm. Ngày 5/1/1939, nước Mỹ tuyên bố Amelia Earhart đã chết mà không tìm được thi thể. Mãi cho đến tháng 12/2010, khi một đoàn sinh viên đại học tìm thấy hài cốt của một phụ nữ trẻ trên đảo Nikumaroro (Phoenix, Kiribati). Những xét nghiệm ADN trùng khớp cho thấy đây chính là nữ phi công nổi tiếng Amelia Earhart .
Dù mang kết cục bi thảm, nhưng Amelia Earhart vẫn là nữ phi công được biết đến rộng rãi nhất như một biểu tượng của sự độc lập, kiên trì, can đảm. Sự mất tích của Amelia đã trở thành nguồn cảm hứng của những câu chuyện, những tác phẩm văn học và cả điện ảnh. Bên cạnh đó, cô còn thường được coi như một biểu tượng nữ quyền và là thần tượng của các nữ phi công trong chiến tranh thế giới thứ II.