Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (EAP) tháng 10/2022, công bố hôm 27/9, WB dự báo năm 2022 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt mức 7,2% và năm 2023 đạt mức 6,7%.
Theo WB, sau đợt phong tỏa do Covid-19, từ quý 4/2021 nền kinh tế Việt Nam đã hồi phục dần và ngày càng mạnh mẽ, đạt mức tăng trưởng 6,4% trong nửa đầu năm 2022.
Trong quý 2/2022, khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng kỷ lục 8,6%. Khu vực sản xuất công nghiệp (không bao gồm ngành xây dựng) tăng 8,4% trong nửa đầu năm 2022. Tháng 7/2022, lạm phát tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do chi phí vận tải tăng cao.
Theo các chuyên gia WB, dù nền kinh tế đang được phục hồi, khối doanh nghiệp và hộ gia đình vẫn chịu nhiều tác động. Từ tháng 1 đến tháng 3/2022, WB đã thực hiện một cuộc khảo sát về nhịp độ kinh doanh. Kết quả cho thấy 92,6% các công ty chính thức đã hoạt động trở lại, nhưng có đến 56% báo cáo cho thấy doanh số bán hàng trong thời gian này thấp hơn so với trước đại dịch.
Các chuyên gia WB đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ nhưng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Tổng sản lượng hiện tại vẫn thấp hơn mức trước đại dịch Covid-19. Trong ngắn hạn, các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là hài hòa giữa nhu cầu duy trì chính sách hỗ trợ để củng cố sự phục hồi trong bối cảnh môi trường toàn cầu suy yếu với nhu cầu kiềm chế lạm phát và các rủi ro tài chính đang nổi lên.
Về trung và dài hạn, mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu thập trung bình cao của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất và đổi mới bằng cách sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn sản xuất, vốn tự nhiên và con người.
Bảng dự báo tăng trưởng GDP các quốc gia trong khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của WB |
Mặc dù tăng trưởng đạt mức khả quan, kinh tế Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro ở phía trước. Các rủi ro từ bên ngoài bao gồm áp lực lạm phát toàn cầu và suy giảm kinh tế sâu hơn dự kiến của các đối tác thương mại chính của Việt Nam và sự gián đoạn tiếp diễn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Về rủi ro trong nước, WB cho rằng lạm phát cao hơn dự kiến, tình trạng thiếu lao động được ghi nhận trong các khu vực sản xuất và rủi ro tài chính gia tăng có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng.
“Nếu lạm phát tăng nhanh trên 4% và lạm phát cơ bản gia tăng, các cơ quan chức năng nên xem xét điều chỉnh lại chính sách tài khóa và tiền tệ. Rủi ro trong khu vực tài chính gia tăng đòi hỏi phải tăng cường giám sát, báo cáo và trích lập dự phòng nợ xấu, đồng thời cải thiện các cơ chế giải quyết vấn đề mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp và khu vực ngân hàng”, chuyên gia WB đưa ra lời khuyên.