Nổi tiếng là nhà phân phối hàng loạt thương hiệu thời trang xa xỉ, mảng thời trang của IPPG được phụ trách bởi 3 đơn vị: DAFC, ACFC và CMFC.
Nửa đầu năm 2022, IPPG Fashion Retail ghi nhận doanh thu thuần hơn 2.564 tỷ đồng, tăng trưởng 47% so cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) đạt 386,6 tỷ đồng, tăng 173% so với mức 141,8 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2021.
Tập đoàn IPPG dự kiến doanh thu cả năm 2022 của mảng thời trang sẽ vượt ngưỡng 5.000 tỷ đồng, EBITDA trên 547 tỷ đồng. Nếu đạt đúng kế hoạch đưa ra, đây sẽ là năm có kết quả kinh doanh cao nhất kể từ 2019.
Năm 2019, doanh thu thuần và EBITDA của IPPG Fashion Retail lần lượt đạt 3.447 tỷ đồng và 227,5 tỷ đồng. Giai đoạn 2020 - 2021, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 nhưng doanh thu của mảng kinh doanh này không biến động quá nhiều, thậm chí tăng trưởng trong năm 2020 (3.712 tỷ đồng). Năm 2021, các cửa hàng bán lẻ thời trang đóng cửa suốt nửa năm nhưng IPPG Fashion Retail vẫn thu về 171 tỷ đồng EBITDA.
Hiện phần lớn doanh thu của IPPG Fashion Retail đến từ kênh bán hàng truyền thống tại cửa hàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đang tích cực ứng dụng công nghệ mới để gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Đơn cử như ACFC - đơn vị đang phân phối các thương hiệu thời trang quốc tế như Mango, GAP, Levis, Tommy & Hilfiger... trước kia các quản lý của ACFC thậm chí ngồi cả ngày chỉ để quan sát CCTV, xem khách hàng bước vào có ai tiếp không, hàng hóa xếp có đẹp không hay khách hàng phản ứng thế nào.
Còn hiện tại, ACFC và DAFC bắt đầu triển khai camera công nghệ AI để phân tích dữ liệu, tính toán thời gian khách hàng dừng lại ở các địa điểm nào trong cửa hàng, từ đó đưa ra quyết định giúp khách hàng có trải nghiệm tốt nhất.