Đặng Lê Nguyên Vũ không tiếp tôi ở Sài Gòn mà là M'Drak; không phải 1 buổi mà là... 3 ngày. Lý do: để hiểu anh hơn. Kết quả: Thay vì hiểu anh, tôi hiểu hơn về... ngựa. Bởi trên ấy, anh nuôi một đàn ngựa, dễ đến cả trăm con, được kỳ công mang về từ Australia.
Thực ra thì lúc đầu tôi cũng định cố công hiểu Vũ. Rằng, sau những việc “đại sự” anh làm, và cả những lời “đại ngôn” anh nói, được ngưỡng mộ có, bị “ném đá” cũng có, anh thực ra là một người thế nào. Nhưng tới lúc gặp anh, không hiểu sao tôi lại càng thấy anh xa ngái, ngay trong chính cái cách anh tỏ ra dễ gần. Như chính bạn anh từng bảo: “Nếu tinh ý, bạn sẽ thấy Đặng Lê Nguyên Vũ rất giỏi che giấu cảm xúc”. Nhưng tôi lại thấy, anh cười thì cười hết cỡ, bực thì bực ra mặt, nói thì nói hết nhẽ…
Thế nên, tôi mới nản. Và tìm đến những cái… dễ hiểu hơn.
Người ta bảo, Đặng Lê Nguyên Vũ rất giỏi che giấu cảm xúc... |
Vì với tôi, có lẽ, Vũ dễ hiểu nhất là khi anh đứng cạnh… những con vật mà anh chọn làm vật nuôi ở M’Drak, nơi mấy khi Vũ thả lỏng, giữa guồng quay đầy áp lực của anh. Đó là những chú chó mà Vũ cất công mang về từ Phú Quốc, rồi nhẫn nại cho nhân giống, gây đàn. Là những chú lợn “sọc dưa” mà anh hay gọi đùa là “trí thức sọc dưa” để giễu những kẻ “trí thức nửa mùa”. Và đáng kể hơn cả, là ngựa.
Thực sự là tôi đã bị ngợp trước những chú ngựa hùng dũng, cao lớn, không như ngựa bản địa của Việt Nam mà tôi từng thấy. Tới nỗi, tôi chỉ đứng ngang khuỷu chân của chúng, và mỗi lần một, hai con trong số sán lại, đòi được vuốt ve, tôi chỉ còn nước nín thở, chỉ sợ bất ngờ bị nó tung vó đá văng đi đâu. Cứ như thể trong đời chưa từng… “bị đá”.
Vũ đương nhiên không thể. Tiếng là chủ, nhưng anh cũng rất ít khi có dịp gần chúng. Năm vài lần, ngược lên đây, cậy nhờ yên tĩnh để “ủ mưu” cho chiến lược đưa hạt cà phê Buôn Mê ra thế giới (mà trên hết và trước hết phải là Mỹ), thì người và ngựa may ra mới có dịp “tái hồi”. Thế mà, riêng đối với Vũ, thì những chú ngựa của anh lại có một “thái độ” rất khác. Cứ như ngựa Australia thì nhất thiết phải… biết tiếng Anh vậy: “Chào mừng trở lại!”, với dáng vẻ rất hớn hở.
Rồi cả cách Vũ “chào” bạn mình, cũng lạ: Anh đứng giữa đỉnh đồi, vỗ tay ba tiếng, thật đanh. Thế rồi từ đâu đó, những chú ngựa tung bờm trắng xóa, hiện ra. Có con trắng muốt, có con đen tuyền, cũng có con vàng đất. Nhưng trong chớp mắt ấy, tự dưng tôi bỗng cảm thấy như tất cả chúng đều là màu trắng. Và như thế, chúng hiện ra từ một mặt biển với những con sóng lớn.
Còn hơn cả những chỉ số cơ học, là chiều kích của cảm xúc.
"Vua cà phê" có niềm đam mê với những chú ngựa |
Tôi tin là Vũ chơi ngựa không phải vì anh thích thể hiện. Vì nếu thế, anh đã phải chọn những thứ khác, có thể đem trưng ở Sài Gòn, hơn là một nơi heo hút gió ngàn như M’Drak.
Tôi biết Vũ còn chơi xe, chơi máy ảnh, nhưng đặt mua một con xe, hay một chiếc máy ảnh, cho dù đó là bản độc, thì cũng không kỳ công như khi anh mua ngựa. Và đó mới thực là cuộc chơi tốn kém nhất, khó sinh lợi nhất của anh. Những 4 tháng rong ruổi khắp nước Australia để ngắm nghía lựa chọn và thương thảo. Trong đó có một con ngựa giống Arab, Vũ đắc ý lắm, nghe đâu thuộc dòng “hoàng tộc”, dễ thường được hét giá trên trời, cuối cùng lại mua được bằng một cái giá chấp nhận được. Tài thương thảo của một ông vua cà phê, đã đành! Nhưng còn là câu chuyện người Việt Nam đầu tiên lặn lội sang tận Australia mua bằng ấy ngựa chỉ để về chơi (trong khi phần lớn là mua ngựa Tàu về… nấu cao) đã khiến chủ nhân chuồng ngựa quý ấy ngạc nhiên và cảm động. Nghề chơi là vậy, nhiều khi còn phải cảm được cái lòng, cái gu của nhau nữa. Ấy hẳn là lúc người ta không nỡ dùng những phép tính thông thường để đối đãi với nhau.
Có điều, chú ngựa “cành vàng lá ngọc” ấy, khi Vũ cho người dắt nó ra, tôi lại thấy… hơi thất vọng. Tưởng nó phải hùng dũng, cao lớn hơn mấy con ngựa mà trước đó tôi vừa thấy. Hay ít ra cũng phải có một… màu lông thật đặc biệt. Đây, không hẳn! Ra là, trong cuộc chơi ấy, ở một đất nước mà xuất khẩu ngựa đã trở thành một “công nghệ”, thì những cuốn gia phả ngựa là một chỉ dẫn đáng tin cậy và có thể kiểm chứng. Vả, ngựa khôn, nhìn cái nước chạy của nó thì biết: Nhanh chưa hẳn đã ngon, bền mới là đáng kể!
Vũ bảo: Đà Lạt giờ không còn là Đà Lạt, vì không còn ngựa và xe ngựa thả dốc giữa đồi thông – một khoảng trống từng là phần ký ức đẹp trong anh. Sâu xa của cuộc chơi này vì vậy, còn là một tham vọng xa hơn: Cải tạo được giống ngựa bản địa (tất nhiên không dễ). Để một lúc nào đó, biết đâu, những người yêu Đà Lạt cũng sẽ lại có lại một Đà Lạt như họ từng biết, từng mất.
Ba ngày đằng đẵng trò chuyện với Vũ, có lúc tôi đã mong nó chóng kết thúc bởi quá ngộp thở trước những câu chuyên “đại sự” của anh, Vũ như biết ý, đột nhiên chùng giọng hỏi: “Chị biết vì sao đàn ông họ… chơi không?”. Có thể tôi biết, nhưng tôi không nói. Còn Vũ lý giải: “Vì thường…, một tay đàn ông đúng nghĩa, là phải chơi được, thì mới làm được”.
Và ngược lại, cũng phải làm được, thì mới chơi được, mới biết cách chơi? Như cái cách Vũ thuê máy bay chuyên dụng để chở cả trăm con ngựa từ Australia về đến sân bay Tân Sơn Nhất, rồi lại thuê cả một đoàn xe kéo bằng ấy công-ten-nơ ngựa ngược lên M’Drak, ngay trong đêm hôm ấy. Cách anh giấu đi niềm đam mê của mình cũng như cách một người hạnh phúc thường chỉ cười mỉm về hạnh phúc của mình. Còn những gì cần làm, anh đã, đang và sẽ làm, trong một câu chuyện khác.
M’Drak, tận tới khi rời đi, tôi cũng vẫn chưa biết phát âm cái tên đó thế nào cho phải. Nhưng tôi nghĩ là tôi sẽ nhớ ly cà phê đầu tiên trong đời tôi đã uống trên đất cà phê, do chính “vua cà phê” pha tặng – thực ra là thích cái cách anh chăm chút những giọt cà phê đó. Nhớ vẻ mặt khó tả của Vũ khi nghe tôi thú nhận cái điều “đáng xấu hổ” đó, rồi Vũ bảo: “Vậy thì tự giờ, tôi mừng cho chị!”. Và câu hát mà Y Moan từng hát khi lừng lững gọi “Ơi M’Drak”: “Nơi đây thảo nguyên, từng đàn bò đùa nắng tung tăng mặt trời…”, nhưng từ giờ, có thể phải sửa lại một chút: “…đàn ngựa”. Ở đó, tôi đã gặp “vua cà phê”, tại một “ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” vi vu gió. Và cách đó không xa, là những chú ngựa cao lớn chạy đến. Như bay từ mặt biển…