Vốn ngoại nhắm ngành ngân hàng?

ANH KHOA| 07/03/2019 07:00

Nhiều dự báo cho thấy ngành ngân hàng sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài, khi có nhu cầu gọi thêm vốn để gia tăng nội lực tài chính.

Vốn ngoại nhắm ngành ngân hàng?

Vốn ngoại vào mạnh

Mới đây, Vietcombank đã tăng vốn điều lệ lên hơn 37.000 tỷ đồng, Quyết định số 300/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc sửa đổi mức vốn điều lệ. Được biết phần vốn tăng thêm này đến từ thương vụ bán cổ phần cho cổ đông chiến lược Mizuho, để duy trì tỷ lệ sở hữu 15% và bán thêm 2,55% cổ phần cho Quỹ Đầu tư GIC của Singapore, thương vụ đã hoàn tất từ cuối tháng 12/2018.

Cũng trong ngày 21/2, NHNN đã có Quyết định số 302/QĐ-NHNN về việc sửa đổi vốn điều lệ tại Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered (Việt Nam), theo đó vốn điều lệ của ngân hàng 100% vốn nước ngoài này tăng từ 3.080 tỷ lên 4.215 tỷ đồng.

Đó chỉ là hai trong số các tổ chức tín dụng có kế hoạch tăng vốn và đã ghi nhận số vốn tăng thêm ngay từ những tháng đầu năm, cùng đến từ nguồn tiền của các nhà đầu tư nước ngoài. Trước đó, trong năm 2018 dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng đã bị thu hút bởi những phiên niêm yết lần đầu của nhiều ngân hàng, như Techcombank, HDBank, VPBank.

Thị trường cũng đang trông chờ những thương vụ khác như BIDV bán vốn cho đối tác KEB Hana của Hàn Quốc với tỷ lệ 17,65% vốn điều lệ, hay lộ trình cổ phần hóa của Agribank đã thu hút sự quan tâm của Tập đoàn Tài chính NongHuyp của Hàn Quốc, trong khi Công ty Tài chính ALC I của Agribank đã nhận được đề nghị mua lại từ phía tập đoàn Srisawad Corporation của Thái Lan.

Chẳng những vậy, các ngân hàng yếu kém đang trong giai đoạn tái cơ cấu hoặc bị mua 0 đồng cũng nhận được sự quan tâm từ nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể là theo NHNN, Oceanbank đã có đối tác nhắm đến từ năm 2017.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tín dụng khác cũng tích cực tìm kiếm vốn ngoại để gia tăng nội lực tài chính, như Ngân hàng Nam Á gần đây đã làm việc với một nhà đầu tư nước ngoài và đến nay hai bên cơ bản đã nhất trí các nguyên tắc hợp tác.

Động lực từ đâu?

Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài nhờ các hiệp định thương mại tự do được ký kết, vị thế được nâng cao trên thế giới do được chọn là nơi "trú ẩn" trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ngành ngân hàng là một trong những ngành tất yếu sẽ được hưởng lợi.

Thống kê cho thấy, chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng 25,1% về số dự án và tăng 75,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018, 1.039 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị 5,17 tỷ USD, gấp 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng lưu ý là báo cáo mới nhất của hãng xếp hạng tín nhiệm Moodys về ngành ngân hàng Việt Nam dự báo, huy động vốn từ  nhà đầu tư nước ngoài sẽ là tâm điểm trong năm 2019, do hầu hết các ngân hàng vẫn thiếu vốn để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của tiêu chuẩn Basel II sẽ có hiệu lực từ năm 2020, trong khi các ngân hàng yếu kém tái cơ cấu cũng cần thu hút thêm vốn đầu tư.

Dù vậy, trong bối cảnh thị trường vốn chưa phát triển và còn nhiều hạn chế, trong khi giá trị vốn đầu tư trong ngành ngân hàng luôn rất lớn, việc huy động vốn sẽ phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế, các nhà đầu tư nội đang có nhiều hạn chế, nếu có tiềm lực tài chính thì lại không đáp ứng được điều kiện phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, còn không thì lại bị giới hạn bởi những quy định về sở hữu chéo. Do đó thu hút vốn từ các tập đoàn tài chính nước ngoài là khả dĩ nhất.

Đứng ở góc độ nhà đầu tư, các định chế tài chính nước ngoài muốn gia tăng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là các tổ chức trong khu vực, cộng tiềm năng ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam ở phân khúc bán lẻ vẫn còn rất lớn.

Thời gian qua đã chứng kiến nhiều nhà đầu tư Đông Á rót vốn mua cổ phần, thâu tóm và sáp nhập nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không dừng lại ở hình thức mua cổ phần, mà có thể mua trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi, cho vay ưu đãi hay tài trợ thương mại, nhằm bước đầu tìm hiểu và gia tăng sự hiện diện tại các tổ chức tài chính của Việt Nam.

Quá khứ cho thấy, những định chế tài chính như IFC hay các ngân hàng nước ngoài đã mua trái phiếu ưu đãi hay tài trợ thương mại để rồi sau đó chuyển thành vốn cổ phần khi được phép, với điều kiện vẫn đảm bảo hạn mức tỷ lệ sở hữu theo quy định của NHNN.

Nếu xu hướng này tiếp tục như các dự báo đưa ra, sẽ giúp nguồn cung vốn ngoại tệ vào ngành ngân hàng tiếp tục tăng mạnh, tạo điều kiện để ổn định tỷ giá, cũng như giúp các ngân hàng có nguồn ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu vay của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trong bối cảnh huy động vốn ngoại tệ trở nên khó khăn, kể từ sau trần lãi suất USD điều chỉnh về 0% kể từ cuối năm 2015 đến nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vốn ngoại nhắm ngành ngân hàng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO