Việt Nam xếp thứ 3 trong top 10 các nhà sản xuất ứng dụng game của ASEAN

HT| 27/01/2023 09:15

Theo bảng xếp hạng của App Annie 2020, Việt Nam đứng thứ 7 trên thế giới, thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về số lượng game tải về. Ngoài ra, Việt Nam cũng xếp thứ 3 trong top 10 các nhà sản xuất ứng dụng game của khu vực; cứ 25 game được download, có 1 game sản xuất tại studio Việt Nam.

Việt Nam xếp thứ 3 trong top 10 các nhà sản xuất ứng dụng game của ASEAN

Theo dự báo của Newzoo, thị trường game (trò chơi điện tử) toàn cầu ước tính sẽ vượt mốc 200 tỷ USD vào năm 2023, đánh dấu một cột mốc quan trọng. Thị trường game đang ngày càng trở nên sôi động và bắt đầu có những đóng góp rõ rệt vào nền kinh tế toàn cầu.

Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và quá trình chuyển đổi số, ngành công nghiệp game cũng đang phát triển với quy mô, tốc độ tăng trưởng cao, có nhiều cơ hội trở thành ngành xuất khẩu mới, giá trị cao, hỗ trợ quá trình hồi phục kinh tế.

Nhận định về sự phát triển của game Việt, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, thời gian qua thị trường game sôi động đã mở ra cơ hội cho các studio, nhà phát hành game có cơ hội thể hiện năng lực sản xuất vượt trội của đội ngũ nhân sự người Việt.

Theo bảng xếp hạng của App Annie 2020, Việt Nam đứng thứ 7 trên thế giới, thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về số lượng game download (tải về). Ngoài ra, Việt Nam cũng xếp thứ 3 trong top 10 các nhà sản xuất ứng dụng game của khu vực; cứ 25 game được download, có 1 game sản xuất tại studio Việt Nam. Còn theo số liệu thống kê của Sensor Tower và Câu lạc bộ Game studio Việt Nam, hiện có khoảng 5.000 game do người Việt sản xuất, trong đó tập trung chủ yếu vào các đề tài, nội dung dành cho trẻ em, giải trí, giáo dục.

Doanh thu ngành game trong nước những năm qua cũng đã có sự tăng trưởng dương. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, doanh thu ngành game năm 2021 đạt hơn 7 nghìn tỷ đồng, dự kiến sẽ đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng vào năm 2022. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được xem là “đại lộ giao thương” của các công ty phát hành game online hàng đầu trên thế giới đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và khu vực Bắc Mỹ với lợi thế về dân số trẻ, dễ dàng thích nghi và tiếp nhận làn sóng công nghệ mới.

Nhất là từ năm 2021, Việt Nam nổi lên như một “thủ phủ” của game ứng dụng công nghệ blockchain, NFT với hàng loạt tựa game do người Việt sản xuất, phát hành. Thông qua game, Việt Nam có thể xuất khẩu văn hóa ra thế giới. Nhận thấy được tiềm năng, giá trị kinh tế khổng lồ ngành game mang lại, các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam đang dần tận dụng được lợi thế này để xây dựng “đòn bẩy” cho nền kinh tế của nước nhà.

Theo Statista, Việt Nam là nước có tỷ lệ người trưởng thành độ tuổi từ 18 đến 64 chơi game trên các thiết bị điện tử cao nhất trên thế giới. Báo cáo của Adsota cho biết, tỷ lệ người Việt Nam chơi game hằng ngày đứng thứ 4, đồng thời dẫn đầu về tỷ lệ người chơi tìm trò chơi mới mỗi tuần trong số những nước được khảo sát như Brazil, Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Hàn Quốc (năm 2020).

Ngoài ra, theo báo cáo của We Are Social 2022, có 92% người Việt Nam đã từng chơi game trên ít nhất một thiết bị, thể hiện sự phổ biến của digital game trong đời sống của chúng ta. Trong đó chủ yếu chơi game trên smartphone (85%), PC (44,4%), tablet (22,6%), console (8,6%).

Bên cạnh là một thị trường giàu tiềm năng về khai thác doanh thu trong lĩnh vực game, Việt Nam từ nhiều năm đã trở thành địa chỉ “outsource” (thuê ngoài) đáng tin cậy của các công ty phát hành game lớn trên thế giới. Có rất nhiều tựa game nổi danh được sản xuất bởi đội ngũ nhân sự 100% người Việt, như Free Fire, Caravan War, Game 7554, I Squad, Arena of Survivors...

Lĩnh vực sản xuất game phát triển đã đem đến nhiều cơ hội về việc làm, mức lương hấp dẫn cho các vị trí sản xuất trò chơi tại Việt Nam, với mức lương trung bình cho vị trí game developer (nhân viên lập trình game) khoảng 187 triệu đồng/năm, vị trí game artist (nghệ sĩ game - người vẽ hình ảnh cho game dưới hình thức 2D và 3D) khoảng 389 triệu đồng/năm.

Đây là mức lương cao so với mặt bằng thu nhập chung của người Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành game còn mở rộng ra nhiều loại hình đa dạng, như marketing, quảng cáo, streamer (những người thực hiện việc phát sóng trực tiếp cho người xem thông qua một nền tảng online trực tuyến).

Hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo các chuyên ngành liên quan đến game, như lập trình, thiết kế, đồ họa… cũng đã được các trường đại học, trung tâm đào tạo chú trọng, bổ sung, đáp ứng nhu cầu đào tạo, cung cấp nhân lực có trình độ, chuyên môn cao cho ngành game trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam xếp thứ 3 trong top 10 các nhà sản xuất ứng dụng game của ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO