Với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị, thành phố thông minh đã trở thành xu thế tất yếu, là động lực cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và các vùng miền, giúp các thành phố giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa.
Tại Việt Nam, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950 phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030. Cùng năm đó, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã phối hợp với Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về thành phố thông minh, khởi đầu cho chuỗi hội nghị thượng đỉnh thường niên của ASOCIO nhằm thúc đẩy phát triển các thành phố thông minh tại Việt Nam và trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749 phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia, hoạt động xây dựng, phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới, tổng thể hơn, toàn diện hơn và quyết liệt hơn. Chuyển đổi số chính là phương thức, là con đường để phát triển đô thị thông minh một cách toàn diện trên cả ba trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
“Phát triển đô thị thông minh giờ đây không còn chỉ là sự lựa chọn của những thành phố lớn mà đã trở thành yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết đối với tất cả đô thị trên cả nước”, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA nhấn mạnh, đồng thời cho hay đại dịch Covid 19 bùng phát trong hai năm nay cũng tạo sức ép cho các đô thị, đặc biệt là các thành phố lớn cần nhanh chóng áp dụng công nghệ và các giải pháp phát triển thông minh để tăng cường khả năng chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới.
Theo ông Trương Gia Bình, các bước chuẩn bị pháp lý và nguồn lực triển khai về cơ bản đã được hoàn thành, các đô thị tại Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới trong hành trình xây dựng và phát triển smart city - giai đoạn tăng tốc.
Gần 5 năm qua với nỗ lực rất lớn từ Chính phủ và các địa phương, và sự đồng hành của các doanh nghiệp công nghệ; 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai thành phố thông minh; 30 tỉnh, thành phố đã phê duyệt đề án, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị thông minh. Cùng với đó, 15 tỉnh, thành phố đã phê duyệt kiến trúc ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) phát triển đô thị thông minh; 38 tỉnh, thành phố đã triển khai trung tâm điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh...
Tiêu biểu, Đà Nẵng đã triển khai chính quyền điện tử và thành phố thông minh dựa trên ba trục tam giác gồm hạ tầng - dữ liệu - thông minh. Theo đó, đã xây dựng 560 cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý nhà nước; cổng dữ liệu mở, chatbot hướng dẫn thủ tục hành chính, dịch vụ công xử lý 103.000 yêu cầu; giao thông và an ninh trật tự kết nối 1.800 camera thành phố và hơn 34.500 camera của người dân; triển khai ứng dụng y tế điện tử tại 100% trung tâm y tế xã, phường.
Thái Nguyên hoàn thành trung tâm điều hành IOC và ứng dụng C-Thai Nguyen cho công dân, 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện cấp 4, với hơn 1.300 dịch vụ được cung cấp. Hay thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) chỉ 8 tháng đã hoàn thành IOC với 9 phân hệ quan trọng.
Lâm Đồng đã triển khai với đầy đủ một hệ sinh thái du lịch thông minh từ cổng thông tin du lịch; bản đồ du lịch, mạng xã hội liên kết với cổng thông tin; hệ thống quản lý du lịch cho cơ quan chính quyền; hệ thống quản lý lưu trú; hệ thống tích hợp, phân tích số liệu, kho dữ liệu.