Việt Nam, Ấn Độ cần khống chế dịch để chuỗi cung ứng không quay lại Trung Quốc

Ngọc Thoại| 28/05/2021 07:00

CNBC dẫn lời Zhang Zhiwei, trưởng ban kinh tế quỹ quản lý tài sản Pinpoint (Pinpoint Asset Management), sự gia tăng nhanh các ca lây nhiễm Covid-19 ở một số khu vực châu Á có thể khiến chuỗi cung ứng quay trở lại Trung Quốc.

Việt Nam, Ấn Độ cần khống chế dịch để chuỗi cung ứng không quay lại Trung Quốc

Hiện tại, tăng trưởng xuất khẩu ở Trung Quốc dao động từ 20% đến 40% một tháng. Nếu các nhà máy ở Ấn Độ và Việt Nam sớm phục hồi, xuất khẩu của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại trong nửa cuối năm. “Nhưng nếu chuỗi cung ứng ở Ấn Độ và Việt Nam bị gián đoạn trong một thời gian dài, mức tăng trưởng xuất khẩu 20%, 30% ở Trung Quốc sẽ tiếp tục trong năm tới,” Zhang nói.

Ông Zang lý giải rằng trước đây, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến các công ty chuyển chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất và phân phối sản phẩm cũng như dịch vụ ra khỏi Trung Quốc. Kết quả là các quốc gia như Việt Nam và Ấn Độ được hưởng lợi. Nhưng tình hình dường như đang thay đổi khi các trường hợp lây nhiễm tiếp tục tăng đột biến ở Ấn Độ và Việt Nam như hiện nay.

Zhang dẫn chứng sự gia tăng đột biến về dịch bệnh đã buộc các nhà máy thuộc sở hữu của nhà sản xuất chip Foxconn, một nhà cung cấp lớn của Apple, phải đóng cửa các cơ sở ở Ấn Độ và Việt Nam.

“Điều này có thể khiến việc di dời chuỗi cung ứng bị đình trệ trong một thời gian. Vấn đề quan trọng ở đây là vì đường bay quốc tế gần như đóng băng, các công ty đa quốc gia không thể cử nhân viên của họ đến Ấn Độ và Việt Nam để thiết lập các nhà máy mới,” Zhang nói thêm.

Các trường hợp lây nhiễm ở Ấn Độ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 4 và không có dấu hiệu giảm. Các chuyên gia dự đoán nền kinh tế Nam Á này có thể sẽ thu hẹp trong quý này.

Tại Việt Nam, ở tỉnh Bắc Giang hôm 25/5, chính phủ đã ra lệnh cho 4 khu công nghiệp, trong đó có 3 khu có nhà máy sản xuất của Foxconn, tạm thời đóng cửa do sự bùng phát của Covid-19.

Zhang nhấn mạnh tình hình này trước mắt có thể có lợi cho Trung Quốc. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng mức độ dài hay ngắn phụ thuộc vào tình hình lây nhiễm của Ấn Độ và Việt Nam kéo dài trong bao lâu.

Hồi giữa tháng này, Foxconn, nhà lắp ráp iPhone chính, đã lặp lại cảnh báo về tình trạng thiếu chip khiến sản lượng đầu ra bị ảnh hưởng trong quý II, đồng thời cho biết, thời gian giao hàng đối với một số loại chip có thể kéo dài đến một năm. Apple chia sẻ việc thiếu chip không tác động nhiều đến việc sản xuất iPhone nhưng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất iPad và máy tính Mac.

Foxconn cũng cảnh báo, nguồn cung toàn cầu ảnh hưởng đến ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng và sản xuất ô tô. Chủ tịch Young Liu nhắc lại tình trạng thiếu hụt có thể kéo dài đến quý 2/2022 và tác động đến hoạt động kinh doanh, rằng nó sẽ không vượt quá 10% trong năm nay. Foxconn đã chứng kiến sản lượng iPhone tại một nhà máy giảm một nửa sau khi hơn 100 nhân viên Foxconn tại nhà máy này có kết quả dương tính.

Sự khan hiếm linh kiện đã trở nên tồi tệ hơn kể từ cuối tháng 3/2021 khiến thời gian giao hàng cho một số linh kiện hiện kéo dài tới 52 tuần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam, Ấn Độ cần khống chế dịch để chuỗi cung ứng không quay lại Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO