Cơn khát chip toàn cầu sẽ tiếp tục trầm trọng

Khởi Vũ| 17/05/2021 04:05

Nhu cầu về chip tiếp tục tăng, trong khi nguồn cung không có nhiều cải thiện dự báo sẽ gây ảnh hưởng tới tất cả các mặt của lĩnh vực sản xuất, từ các cá nhân cho tới tập đoàn lớn.

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này đến từ các dự báo sai lệch về nhu cầu thị trường chip vào năm ngoái, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, bên cạnh sự gián đoạn cho ngành sản xuất chip do tác động từ thương chiến Mỹ - Trung.

Khi dịch bệnh bắt đầu lan từ Trung Quốc ra thế giới, nhiều công ty dự đoán người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu do tình hình kinh tế khó khăn. "Tôi đã hạ thấp mọi dự đoán. Tôi áp dụng mô hình dự báo của một cuộc khủng hoảng tài chính. Nhưng nhu cầu của thị trường không hề giảm sút", Stacy Rasgon - người phụ trách mảng công nghiệp thiết bị bán dẫn tại Sanford C. Bernstein, nói.

Nhiều người không thể ra khỏi nhà đã bắt đầu đặt mua các sản phẩm công nghệ. Họ mua những chiếc máy tính tốt hơn, màn hình to hơn để làm việc tại nhà. Họ cũng mua cho con cái laptop để chúng tham gia lớp học online. Các sản phẩm như TV 4K, máy chơi game, máy tạo váng sữa, nồi chiên không dầu và máy xay là các sản phẩm rất được ưa chuộng, vì chúng sẽ giúp cho cuộc sống "bị giam lỏng" trở nên dễ chịu hơn.

Cuộc khủng hoảng nguồn cung chip đến từ các dự báo sai lệch về nhu cầu thị trường chip vào năm ngoái, khi đại dịch Covid-19 bùng phát,

Cuộc khủng hoảng nguồn cung chip đến từ các dự báo sai lệch về nhu cầu thị trường chip vào năm ngoái, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, bên cạnh sự gián đoạn sản xuất ngành chip từ thương chiến Mỹ - Trung

Cầu tiếp tục tăng, cung không cải thiện

Dẫn lời Glenn O’Donnell - Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại Forrester, CNBC cho biết, tình trạng thiếu hụt chip có thể kéo dài tới năm 2023. "Lý do là nhu cầu về các sản phẩm chip tiếp tục ở mức cao, trong khi nguồn cung không được cải thiện nhiều. Chúng tôi dự đoán tình trạng này có thể kéo dài tới năm 2023", ông O’Donnell nói.

Đồng thời, cần biết rằng, khu vực Đài Loan (Trung Quốc) đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 50 năm qua - yếu tố có thể làm trầm trọng thêm "cơn khát" chip, khi Đài Loan là nhà cung cấp chính chip bán dẫn trên thế giới, và cần rất nhiều nước để sản xuất chip. Hiện, vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu nào của mưa lớn, và các nhà sản xuất chip đã bị cắt 15% nguồn cung nước do mực nước tại hai đập lớn ở Đài Trung chỉ ở mức 5% so với công suất.

Theo CNBC, các nhà sản xuất theo hợp đồng ở Đài Loan chiếm tới hơn 60% tổng doanh thu toàn cầu từ lĩnh vực sản xuất chip. Trong đó, công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan Taiwan Semiconductor Manufacturing (TSMC) là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, với các khách hàng lớn như Apple và Qualcomm. Hãng tin AFP cho biết, TSMC sử dụng 156.000 tấn nước/ngày để sản xuất chip. 

Nhằm ứng phó với hạn hán, TSMC đang tái sử dụng nước trong sản xuất và huy động xe chở nước từ các hồ chứa khác ở Đài Loan đến các nhà máy của công ty. Hiện, TSMC được dự báo có thể sẽ đáp ứng đủ nhu cầu chip của khách hàng trong tháng 6, nhưng theo Patrick Armstrong - Giám đốc công nghệ của Plurimi Investment Managers, mục tiêu đó là quá tham vọng. Vị giám đốc này cho rằng, "cơn khát" chip có thể kéo dài 18 tháng, tức đến tháng 11/2022.

"Không chỉ có lĩnh vực sản xuất xe hơi, thiếu chip còn ảnh hưởng tới mảng sản xuất điện thoại và xu hướng Internet vạn vật. Có quá nhiều thiết bị sử dụng chip và số lượng chip được sử dụng còn nhiều hơn. Chúng đều được tích hợp tính năng sử dụng Internet", ông Amrstrong nói. 

Sản xuất xe hơi, vốn phụ thuộc rất nhiều vào các dòng chip sử dụng trong các hệ thống quản lý động cơ và hỗ trợ lái, đang là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ảnh: AP.

Sản xuất xe hơi, vốn phụ thuộc rất nhiều vào các dòng chip sử dụng trong các hệ thống quản lý động cơ và hỗ trợ lái, đang là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi 'cơn khát chip'. Ảnh: AP

Ảnh hưởng sâu rộng tới sản xuất

Với việc ngày càng nhiều người ở nhà làm việc hoặc giãn cách xã hội do Covid-19, nhu cầu về thiết bị điện tử ngày một tăng cao. Đây là yếu tố góp phần thúc đẩy nhu cầu về chip, khi nó được sử dụng rất rộng rãi, xuất hiện trong vô số sản phẩm, từ điện thoại thông minh, máy tính, máy chơi game, bàn chải đánh răng cho tới máy giặt, ô tô hay đồng hồ báo thức. Thế nên, cơn khát chip kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tới tất cả các mặt của lĩnh vực sản xuất, từ đồ dùng cá nhân cho tới các tập đoàn lớn.

Tuần trước, Samsung - ông lớn công nghệ Hàn Quốc - cho biết, tình trạng thiếu hụt chip đã và đang ảnh hưởng tới lĩnh vực sản xuất TV và các thiết bị gia dụng, trong khi LG cũng thừa nhận rằng tình trạng này thực sự là nguy cơ lớn. "Với việc thiếu hụt nguồn cung chip bán dẫn, chúng tôi đang phải hứng chịu một số tác động, đặc biệt là đối với khả năng sản xuất một số bộ sản phẩm nhất định và màn hình", theo Ben Suh - Giám đốc Quan hệ đầu tư của Samsung, nói.

Trên thực tế, tình trạng thiếu hụt chip đã tồn tại trong một thời gian dài, song đến nay vẫn chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt. Dù nhu cầu về các dòng máy tính có sử dụng một số loại chip tối tân sẽ hạ nhiệt "đôi chút" trong năm tới, nhưng điều này là không đáng kể, O’Donnell dự báo. Theo ông, các trung tâm dữ liệu - nơi tập trung hệ thống máy chủ, sẽ tăng mua chip trong năm 2021, sau một năm 2020 ảm đạm.

Link bài viết

"Ngoài ra, không thể không đề cập tới tham vọng không ngừng thiết bị hóa vạn vật, cùng với sự phát triển không ngừng của điện toán đám mây và đào tiền mã hoá. Chúng ta chắc chắn sẽ được chứng kiến sự bùng nổ nhu cầu trong các sản phẩm về chip", O’Donnell nói.

Trong khi đó, Armstrong cho rằng, ngành công nghiệp sản xuất ô tô sẽ là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ "cơn khát" chip. "Nếu như bạn lắng nghe những chia sẻ từ Ford, BMW và Volkswagen, họ đều nhấn mạnh rằng tồn tại nhiều nút cổ chai trong sản xuất và họ không có đủ số lượng chip cần thiết để cho ra đời xe mới", ông nói.

Riêng Gartner dự báo, tình trạng thiếu chip sẽ kéo dài tới hết năm 2021, và cho rằng tất cả dòng chip sẽ bị ảnh hưởng, đẩy giá sản phẩm này tăng cao. Theo Alan Priestley - chuyên gia phân tích của Gartner, tình hình có thể được cải thiện ở một số lĩnh vực trong 6 tháng tới, nhưng những tác động vẫn kéo dài tới năm 2022. Về tác động của cơn khát này, Priestley tuần trước nói “đó có thể là không mua được sản phẩm mong muốn, hoặc giá sản phẩm yêu thích tăng lên”.

“Bạn không thể bất ngờ tới gặp một nhà phân phối chip và nói rằng 'hãy cho tôi một triệu con chip mới' nếu như bạn không gửi đơn đặt hàng trước đó, vì đó không phải là một quy trình 'mỳ ăn liền'. Nếu như bạn tiến hành đặt hàng hôm nay, và công suất sản xuất của họ vẫn còn, phải mất 3 tháng bạn mới có được thứ bạn muốn”, Priestley nói.

Reinhard Ploss - Giám đốc điều hành Infineon, công ty sản xuất chip của Đức, nhận xét "sẽ mất thời gian" trước khi cung và cầu cân bằng. "Hai năm là khoảng thời gian dài nhưng chắc chắn chúng ta sẽ vẫn thấy sự hiện diện của tình trạng thiếu hụt chip trong năm 2022. Tôi cho rằng mục tiêu sản xuất thêm chip sẽ sớm trở thành hiện thực. Tôi kỳ vọng tình trạng này sẽ ổn định hơn trong năm tới", ông nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơn khát chip toàn cầu sẽ tiếp tục trầm trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO