Việt Nam đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, với sự tham gia đóng góp của nhiều ngành nghề, tạo ra nhu cầu lớn về việc làm "xanh" và kỹ năng "xanh" trên thị trường lao động. Việc làm "xanh" là khái niệm mới nổi lên cùng với khái niệm kinh tế "xanh", khi những ảnh hưởng của vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng tại các quốc gia trên thế giới. Nhu cầu về việc làm "xanh" ngày càng nhận được sự quan tâm lớn của người lao động. Điều này thể hiện rất rõ qua việc tìm kiếm việc làm hướng đến các doanh nghiệp "xanh" của ứng viên.
Theo kết quả khảo sát vừa được công ty cung ứng giải pháp nhân sự ManpowerGroup Việt Nam công bố về cơ hội việc làm "xanh" và phát triển bền vững tại Việt Nam, những vị trí việc làm "xanh" được áp dụng từ năm 2022 đến nay tại Việt Nam chủ yếu như quản lý kỹ thuật dự án, giám sát xây dựng, giám đốc đầu tư, giám đốc quản lý vận hành…
Kể từ năm 2022, ManpowerGroup Việt Nam đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp tìm kiếm nhân tài cho hàng trăm vị trí việc làm "xanh" gồm công việc toàn thời gian và cho thuê lại lao động. Cho đến nay, nhu cầu việc làm "xanh" cao nhất đến từ các ngành sản xuất (48%), năng lượng (34%), nông nghiệp (11%) và công nghệ (4%).
Nếu như trước đây ứng viên thường quan tâm nhiều hơn đến ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp, mức lương, địa điểm làm việc… thì nay ngoài những yếu tố trên, nhà tuyển dụng nhận được nhiều câu hỏi về các hoạt động xã hội của công ty hơn. Dễ nhận thấy là những quảng cáo tuyển dụng có đề cập đến yếu tố doanh nghiệp có trách nhiệm cao với cộng đồng, môi trường thường thu hút số ứng viên đông đảo hơn, nhất là khi phỏng vấn, nếu nhà tuyển dụng có những giải thích cụ thể về yếu tố này thì đây sẽ là điều rất hấp dẫn đối với các ứng viên, đặc biệt là lao động trẻ.
Cơ hội việc làm "xanh" là xu hướng trên toàn cầu khi các quốc gia đang hướng đến tăng trưởng "xanh", Việt Nam đã có xu hướng này và còn tiếp tục nở rộ trong thời gian tới. Việc làm "xanh" chắc chắn có nhiều hơn ở những doanh nghiệp "xanh", song ngay cả những ngành nghề có tác động tới môi trường như xi măng sắt thép, vật liệu công nghiệp thì vẫn có cơ hội để mở rộng việc làm "xanh".
Có thể thấy các doanh nghiệp đang ngày càng xem trọng việc thực hành "xanh'" trong các hoạt động của mình, đặc biệt là lĩnh vực thu hút nhân tài. Việc làm "xanh" không tự nhiên xuất hiện mà hình thành từ chiến lược của doanh nghiệp, nếu họ có những cam kết về phát triển bền vững, đồng nghĩa cần có cam kết về về bảo vệ môi trường.
Điều quan trọng để mở rộng và duy trì việc làm "xanh", đặc biệt ở những ngành nghề, doanh nghiệp có tác động lớn đến môi trường thì đầu tiên phải đi từ chiến lược của ban lãnh đạo. Chiến lược này cần được truyền tải bằng hành động cụ thể trong hoạt động sản xuất kinh doanh hằng ngày; bằng các chương trình truyền thông đào tạo cho người lao động.
Trong những năm qua, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác về tăng trưởng "xanh" với nhiều quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Hà Lan… cũng như các tổ chức, hiệp hội quốc tế. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg về phê duyệt chiến lược quốc gia tăng trưởng "xanh" giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam thúc đẩy các hoạt động phát triển bền vững.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), việc làm "xanh" giúp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và nguyên vật liệu; hạn chế phát thải khí nhà kính; giảm thiểu rác thải và ô nhiễm; bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái, cũng như hỗ trợ thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.