Văn hóa nghệ thuật

Video ca nhạc bằng AI: Có lạ, có mới nhưng cảm xúc thì không!

Nhật Hưng 28/07/2024 - 13:40

Tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm nguồn lực thực hiện, tạo ra làn gió mới và bắt kịp xu hướng, đó là “ưu điểm” để các video ca nhạc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) được ra mắt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt, đặc biệt là về chất lượng nghệ thuật và cảm xúc trong các sản phẩm do AI tạo ra.

Lần đầu tiên ra mắt tại Việt Nam và cũng là người đầu tiên ứng dụng AI làm video ca nhạc nhưng ngay khi ra mắt, album “Em ơi ví dầu” của ca sĩ Đan Trường đã nhận lại những trận “mưa” biểu cảm sự thất vọng, chê nhiều hơn khen vì chất lượng khô cứng, thiếu cảm xúc của người xem.

dan-truong-ai-3.jpg
dan-truong-ai-2.jpg

Đầu tháng 6 vừa qua, ca sĩ người Mỹ có nghệ danh Washed Out (tên thật Ernest Weatherly Green Jr.) đã cho ra mắt video ca nhạc với tên gọi The hardest part (Phần khó nhất), với điểm nhấn chính là toàn bộ đoạn video kéo dài 4 phút này đều được tạo ra hoàn toàn bởi Sora, công cụ AI được phát triển bởi OpenAI.

Phần lớn khán giả đều khen ngợi sự sáng tạo và độc đáo của MV The hardest part đã mang đến một hành trình siêu thực và mộng mị qua cuộc sống của một cặp đôi trẻ, với các cảnh quay không thể thực hiện được bằng máy quay truyền thống hoặc hoạt hình 3D. Các đoạn clip trong MV này tạo ra hiệu ứng giống như những giấc mơ, mang lại một trải nghiệm mới lạ và đầy ấn tượng. Đạo diễn Paul Trillo đã chia sẻ rằng, Sora cho phép anh thực hiện những ý tưởng mà trước đây tưởng chừng như không thể. Những khía cạnh siêu thực và huyễn hoặc của AI giúp khám phá và phát triển những ý tưởng sáng tạo mới. Ernest Greene (Washed Out) cũng nhấn mạnh rằng AI đã thành công trong việc mang lại câu chuyện về nỗi nhớ và tình yêu mất mát một cách sống động và cảm xúc.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hoàn toàn đón nhận MV này. Một số ý kiến cho rằng việc sử dụng AI có thể làm mất đi tính nhân văn và cảm xúc thực sự của nghệ thuật. Nhiều người lo ngại rằng AI sẽ dần thay thế vai trò của các nghệ sĩ và nhà sản xuất, dẫn đến những sản phẩm thiếu đi sự tinh tế và cảm xúc chân thực mà con người mang lại.

Gần đây, ca sĩ Đan Trường đã cho ra mắt MV ca nhạc mang tên Em ơi ví dầu trên kênh YouTube có hơn 767 ngàn người theo dõi của mình và Đan Trường xuất hiện trong video dưới dạng một nhân vật đồ họa được tạo ra bởi AI, với chính gương mặt của ca sĩ này.

Nhiều khán giả khen ngợi Đan Trường đã thể hiện xuất sắc một bài hát đậm chất dân dã miền Tây Nam bộ. Tuy nhiên, ngay từ hình ảnh đầu tiên, người xem đã nhận ra sự bất thường khi những con trâu trong clip có đến năm chân. Các nhân vật và chi tiết chuyển cảnh trong video không mượt mà, gây cảm giác nhức mắt. Đặc biệt là hình ảnh của ca sĩ này do AI tạo ra rất cứng nhắc, gương mặt và thân hình không cân xứng. Nhân vật trong clip đứng yên, chỉ có gương mặt chuyển động với môi mấp máy thể hiện lời bài hát không tự nhiên. Ánh mắt ca sĩ vô cảm.

Ngoài ra, nhiều cư dân mạng còn nhận xét rằng Em ơi ví dầu là bài hát mang giai điệu miền Tây Nam bộ, nhưng nội dung trong đoạn video lại theo phong cách Tây Bắc, với những dãy núi trùng điệp và ruộng bậc thang. Điều này cho thấy AI chưa tái hiện chính xác khung cảnh phù hợp với bài hát, làm giảm đi sự thống nhất và hứng thú của người xem. Về chất lượng hình ảnh thì video còn cứng nhắc và thiếu tự nhiên, tồn tại hàng loạt lỗi gây khó chịu, không đạt được sự sống động và biểu cảm cần thiết.

Dù vẫn khuyến khích việc ứng dụng AI làm video ca nhạc của Đan Trường là sự nhanh nhạy, dám tiên phong nhưng để làm một video bằng Ai tạo đủ cảm xúc cho người xem còn cần nhiều khắc phục.

Trên trang cá nhân, Đan Trường thừa nhận rằng đây là lần đầu tiên anh áp dụng công nghệ AI vào sản xuất MV, và kết quả chưa được như ý muốn. Tuy nhiên, ca sĩ này cũng nhận thấy rằng công nghệ AI hiện tại vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là trong việc tạo ra biểu cảm tự nhiên và chân thực.

(Bài báo AI)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Video ca nhạc bằng AI: Có lạ, có mới nhưng cảm xúc thì không!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO