Diễn đàn

Vì sao năng lực cạnh tranh của DN TP.HCM giảm sút?

Lữ Ý Nhi - K.Hưng 09/07/2024 16:07

Diễn đàn Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cấp tỉnh lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM với những khảo sát, nghiên cứu tổng quan, đánh giá và phân tích sâu sát về thực trạng DN gắn với năng lực quản lý của chính quyền địa phương. TS. Huỳnh Thế Du - Giảng viên Đại học Indiana (Mỹ), đại diện nhóm nghiên cứu công bố Báo cáo Năng lực cạnh tranh DN TP.HCM 2023, chỉ ra những nguyên nhân khiến năng lực cạnh tranh của DN TP.HCM chững lại hoặc giảm sút.

huynhthedu.jpg
TS. Huỳnh Thế Du - Giảng viên Đại học Indiana (Mỹ)

* 2024 là năm đầu tiên Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn cùng với Viện Sáng kiến Việt Nam và Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức Diễn đàn Năng lực cạnh tranh DN cấp tỉnh, ông đánh giá thế nào về sáng kiến này cũng như tầm quan trọng của việc đánh giá năng lực cạnh tranh của lực lượng DN?

- DN là lực lượng chủ yếu tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp vào GDP và ngân sách Nhà nước, tạo ra việc làm cho người lao động. Chính vì vậy, “sức khoẻ” của kinh tế đất nước cũng như từng địa phương được quyết định bởi năng lực cạnh tranh của DN tại địa phương đó. Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn là cầu nối của cộng đồng DN và doanh nhân với cấp chính quyền, phản ánh tình hình sản xuất, kinh doanh của lực lượng DN TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Khi Doanh Nhân Sài Gòn đưa ra sáng kiến cùng với Viện Sáng kiến Việt Nam và Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức Diễn đàn Năng lực cạnh tranh DN cấp tỉnh, trong đó, xây dựng và công bố Báo cáo phân tích năng lực cạnh tranh DN TP.HCM năm 2023. tôi cho đây là một sáng kiến hay và có ý nghĩa.

Báo cáo Năng lực cạnh tranh DN TP.HCM cung cấp các thông tin để lãnh đạo địa phương và chính DN biết được hiện trạng, điểm mạnh, điểm yếu của lực lượng DN, và biết “sức khoẻ” của nền kinh tế Thành phố. Từ đó, biết cần cải thiện điều gì, cần thay đổi từ đâu để trở nên tốt hơn, tạo dựng được lực lượng DN vững mạnh của Thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước.

Diễn đàn Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cấp tỉnh 2024: Thêm góc nhìn về “sức khỏe” doanh nghiệp
Nhằm giúp cơ quan chức năng, doanh nghiệp (DN) địa phương và các tổ chức hợp tác và phối hợp (hội, hiệp hội…) có góc nhìn tổng quan về thực trạng cùng những kiến nghị, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã phối hợp Viện Sáng kiến Việt Nam xây dựng Báo cáo Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cấp tỉnh (Báo cáo)
Báo cáo được công bố tại Diễn đàn Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cấp tỉnh năm 2024 (Diễn đàn) tổ chức lần đầu tiên tại TP.HCM vào ngày 9/7/2024 do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức cùng với Viện Sáng kiến Việt Nam và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
Qua khảo sát nhiều DN tại TP.HCM và các địa phương, đa số đều cho rằng, trong số các yếu tố tác động đến năng lực cạnh tranh DN, ngoài yếu tố khách quan thì chính sách hỗ trợ DN của Chính phủ và các địa phương còn chung chung và không tính đến sự khác biệt, năng lực hấp thụ và khả năng của từng DN tại mỗi tỉnh. Trong khi, mỗi địa phương, lĩnh vực sẽ có nhưng đặc thù, lợi thế, hạn chế khác nhau nên việc khắc phục khó khăn và hỗ trợ phát triển DN cần phải phù hợp với từng địa phương với đặc thù cụ thể.
Với thực tế đó, Diễn đàn được tổ chức nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DN địa phương, giúp lãnh đạo địa phương hiểu rõ tình hình và năng lực thực sự của DN để đưa ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp, đồng thời giúp các hội và DN nhận diện điểm mạnh, điểm yếu của mình để tự khắc phục.

* Ông có thể chia sẻ thêm về năng lực cạnh tranh của lực lượng DN tại TP.HCM, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19?

- Chúng tôi đã phân tích kết quả hoạt động giai đoạn 2000-2023 để đánh giá vị thế hiện tại và sự thay đổi vị thế theo thời gian của lực lượng DN tại TP.HCM. Việc phân tích được chia làm các thời kỳ 2000-2010, 2010-2019 và 2019-2023 để thấy sự thay đổi dài hạn và tác động của đại dịch Covid-19 - là một biến cố rất lớn gần đây, như chúng ta đã biết.

TP.HCM có những thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, quy mô nền kinh tế tốt nhất cả nước. Lực lượng DN tại Thành phố đông đảo nhất cả nước, đóng góp về việc làm và giá trị GDP luôn lớn nhất nước. TP.HCM là nơi ưa thích cho nhiều DN đặt trụ sở và tổ chức kinh doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo dõi khoảng thời gian như đã nói ở trên, nhận thấy các chỉ tiêu căn bản thể hiện năng lực cạnh tranh của DN Thành phố giai đoạn từ năm 2000-2010 thì tốt, nhưng từ năm 2010 đến nay lại đi xuống một cách tương đối so với bình quân chung của cả nước, các địa phương khác, đặc biệt là một số địa phương có tốc độ tăng trưởng nhanh, đuổi kịp rất gần đầu tàu kinh tế. Thậm chí, một số DN lớn của các tỉnh - thành khác đã vượt qua TP.HCM!

Điển hình, theo Tạp chí Fortune tháng 6/2024, trong danh sách 500 DN hàng đầu Đông Nam Á đóng góp khoảng 4.000 tỷ USD vào GDP toàn cầu và đang ghi nhận tốc độ tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận cũng như quy mô công ty, Việt Nam có 70 DN. Trong đó, Hà Nội có 30, TP.HCM có 25 DN. Trong 10 DN lớn nhất trong nhóm này thì Hà Nội có 6, TP.HCM có hai. Giá trị vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết tại TP.HCM có xu hướng đi xuống rõ rệt, đầu năm 2010 chiếm khoảng 50%, đến cuối năm 2022 còn chưa đến 1/3. Trong khi đó, Hà Nội lại có xu hướng ngược lại.

Về khả năng thích ứng với môi trường kinh doanh, khảo sát cho thấy hiệu quả phục vụ của chính quyền chưa được như mong muốn. Kết quả phục vụ của chính quyền còn cách rất xa so với kỳ vọng của DN.

* Do đâu khiến sức cạnh tranh của DN TP.HCM chững lại hoặc giảm sút, thưa ông?

- Có 4 yếu tố tác động đến năng lực cạnh tranh của DN, cụ thể: (1) Chiến lược và vận hành của DN, bao gồm khả năng hấp thụ công nghệ, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, độ rộng chuỗi giá trị, năng lực đổi mới sáng tạo, độ phức tạp của quy trình sản xuất, mức độ tiếp thị, và định hướng khách hàng. (2) Trình độ phát triển của cụm ngành, bao gồm mức phát triển của cụm ngành, mức độ hợp tác trong cụm ngành, chính sách về phát triển cụm ngành, và vai trò của hội đoàn DN hoặc các tổ chức tương tự. (3) Môi trường kinh doanh, bao gồm nhân tố đầu vào, điều kiện cầu, các ngành hỗ trợ và liên quan. (4) Các yếu tố có sẵn bao gồm tài nguyên tự nhiên, vị trí địa lý, quy mô địa phương.

Kết quả khảo sát và phân tích cho thấy, ba nhân tố đầu tiên mà con người có khả năng tác động, thì TP.HCM đều gặp “trục trặc”. Cụ thể:

Thứ nhất, chiến lược kinh doanh gắn với tầm nhìn dài hạn của DN TP.HCM chưa thật sự phát huy vai trò là kim chỉ nam, không nhiều DN đặt đặt mình trong bối cảnh cạnh tranh, ganh đua để vươn lên những vị trí dẫn đầu, đặc biệt là với bên ngoài.

Thứ hai, liên kết và hợp tác của DN đây là một trong những khâu cần phải cải thiện nhiều nhất để lực lượng DN TP.HCM có thể cạnh tranh hơn và cùng nhau đi xa hơn.

Thứ ba, về môi trường kinh doanh, khảo sát cho thấy hiệu quả phục vụ của chính quyền chưa được như mong muốn. Điều này cũng đã thấy rõ thông qua chỉ số PCI, PAPI hằng năm, kết quả phục vụ của chính quyền còn cách rất xa so với kỳ vọng của DN.

Cả ba “trục trặc” trên đã ảnh hưởng rất lớn đến năng lực cạnh tranh của DN TP.HCM và tạo ra kết quả hiện nay như chúng ta đã biết.

nlct.jpg
Ảnh minh họa: AI

* Với “trục trặc” thứ nhất và thứ hai, có thể nói phần lớn là từ phía nội tại DN. Ông có thể kiến nghị giải pháp khắc phục?

- Với hai nhóm vấn đề đầu tiên đang kìm hãm năng lực cạnh tranh của DN tại Thành phố, chúng tôi đưa ra một số nhóm giải pháp như sau:

Đầu tiên, bản thân DN phải có chiến lược kinh doanh và tầm nhìn rõ ràng, và chiến lược đó bắt buộc phải được đặt trong bối cảnh cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh với bên ngoài. Nói rõ hơn, DN cần luôn suy nghĩ đến đối thủ cạnh tranh, như DN lớn đang làm thế nào, DN nhỏ thì thế nào. Đặt ra những câu hỏi cho chính mình rằng, những DN trong cùng lĩnh vực đang hoạt động ra sao. Luôn theo sát xu hướng thị trường, xu hướng công nghệ. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, DN phải xác định quốc tế hoá hoạt động là đòi hỏi tất yếu. Giờ không còn là thời điểm mà DN chỉ biết “chăm chăm” gia công, sản xuất đơn thuần nữa mà phải xây dựng thương hiệu, xây dựng công cụ quản trị hiện đại, có cơ chế thu hút, khuyến khích nhân tài để tạo ra lợi nhuận, giá trị đột phá…

DN cần phát huy vai trò nòng cốt trong liên minh tăng trưởng của địa phương. Không giới hạn nhiệm kỳ và địa giới hành chính là không gian để các DN chủ động. Tuy nhiên, đây cũng là những thách mà các DN cần phải vượt qua bằng cách xây dựng hệ thống hợp tác và các đối tác ở nhiều lớp khác nhau nhằm đưa ra kết quả tốt nhất cho hoạt động kinh doanh của DN.

Thứ hai, các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức đại diện hỗ trợ liên kết và hợp tác cần xem lại mô hình, cơ cấu tổ chức hoạt động, nhất là hiệp hội và hội ngành nghề đang hoạt động theo mô hình các tổ chức làm công tác xã hội nhiều hơn. Bởi mục tiêu quan trọng nhất của từng DN là lợi nhuận cùng với việc gia tăng giá trị và tạo ra của cải, việc làm cho xã hội. Hoạt động của các tổ chức hợp tác và phối hợp nên đặt mục tiêu này là trọng tâm. Hoạt động xã hội và thiện nguyện là một nội dung cần thiết chứ không phải là quan trọng nhất. Hội và hiệp hội DN nên xác định vai trò then chốt trong việc cung cấp thông tin về xu hướng của thị trường, tiến bộ công nghệ, sự phát triển của ngành. Đặc biệt, chúng tôi cho rằng cần tiếp cận các tổ chức có tiềm lực và khả năng dẫn dắt. Nguồn vốn luôn là một thách thức và vai trò của các tổ chức tài chính là rất quan trọng. Các tổ chức tài chính, đặc biệt là ngân hàng thương mại có thể đóng vai trò đầu mối và kết nối tạo ra hệ sinh thái này. Đây là điều cần được triển khai ở TP.HCM với một lực lượng đông đảo các tổ chức tài chính.

* Về “trục trặc” thứ ba làm giảm sức cạnh tranh của DN TP.HCM, theo ông thì lãnh đạo Thành phố cần làm gì?

- Không thể phủ nhận, thời gian qua, chính quyền TP.HCM đã nỗ lực đưa ra nhiều chính sách để các DN phat huy lợi thế và phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, như đã nói, những nỗ lực này chưa đủ để thu hẹp khoảng cách giữa hiệu quả cải cách thủ tục hành chính với kỳ vọng của DN, nên vẫn cần nỗ lực. Theo chúng tôi, cần một số giải pháp sau:

Chính quyền phục vụ và đồng hành cùng các DN. Mục tiêu cũng như nhiệm vụ của Chính quyền là tạo việc làm với thu nhập ngày càng cao cho người dân có nhu cầu làm việc và tạo nguồn thu ngân sách để để vận hành và cung cấp các dịch vụ công. Trong đó, tạo dựng môi trường kinh doanh để các DN có thể cạnh tranh tốt hơn và hoạt động hiệu quả là hết sức quan trọng.

Thành phố chú trọng hơn nữa phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật - một trong những chỉ số mà DN đánh giá thấp. Thực tế cho thấy, hạ tầng kỹ thuật của TP.HCM vừa thiếu, vừa yếu. Hệ thống giao thông công cộng công suất lớn trong những khu vực đông dân cư vẫn chưa có, hạ tầng giao thông kết nối các trung tâm kinh tế và cửa ngõ đang khá thô sơ, chủ yếu là giao thông một mức. Phát triển hạ tầng xã hội, đặc biệt là giáo dục đại học gắn với phát triển nguồn nhân lực cần được cải thiện để DN thuận lợi trong tuyển dụng.

Lãnh đạo Thành phố cần tạo cơ chế và hỗ trợ để các tổ chức hợp tác và phối hợp hoạt động hiệu quả. Trong chính sách, Thành phố có thể để các hội và tổ chức hợp tác hoạt động tự chủ nhất có thể. Thêm vào đó, Thành phố có thể dành nguồn ngân sách để hỗ trợ các tổ chức hợp tác và phối hợp cung cấp những dịch vụ dùng chung.

* Cảm ơn ông!

code-tai-sach-pbcf.jpg
Báo cáo Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp TP.HCM 2023
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao năng lực cạnh tranh của DN TP.HCM giảm sút?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO