Diễn đàn

Xây dựng môi trường lao động an toàn cho doanh nghiệp, TP.HCM cần làm gì?

Hồng Nga - Tâm An 26/5/2024 6:00

Những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra trên cả nước thời gian qua là lời cảnh tỉnh nghiêm trọng về tình trạng mất an toàn lao động (ATLĐ). Tọa đàm bàn tròn: “Xây dựng môi trường lao động an toàn cho doanh nghiệp, TP.HCM cần làm gì?” do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức với mong muốn tìm kiếm và đề xuất những giải pháp thiết thực đến cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp (DN) nhằm giảm thiểu những tình trạng đáng tiếc xảy ra.

1. Thực thi chưa nghiêm!

Tai nạn lao động (TNLĐ) đã gây ra những hệ lụy đáng tiếc nhưng người sử dụng lao động và cả người lao động chưa quan tâm trong khi cơ quan chức năng với lực lượng mỏng cũng chưa sâu sát đến từng doanh nghiệp (DN).

Theo Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), năm 2023 có gần 7.400 vụ TNLĐ, trong đó có 1.720 người bị thương nặng; 699 người chết. Ngay trong tháng 4 và 5/2024, liên tiếp xảy ra một số vụ TNLĐ nghiêm trọng trên cả nước khiến 18 người chết, 11 người bị thương.

Ông Đinh Cao Tuấn - Chuyên viên Phòng việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) cho biết, những năm qua, số vụ TNLĐ giảm nhưng mức độ vi phạm nghiêm trọng lại tăng lên. Các vụ TNLĐ nghiêm trọng tập trung trong lĩnh vực thi công xây dựng, giày dép, sửa chữa - bảo dưỡng máy móc, sản xuất kim loại …

ong-pham-ngoc-cuong.jpg
Ông Phạm Ngọc Cường

Ông Phạm Ngọc Cường - Phó chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM, Giám đốc Công ty Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ quảng cáo Cường Khanh cho biết, hiện ngành quảng cáo có hơn 4.000 DN, trong đó đến 3.000 DN thực hiện quảng cáo ngoài trời. Những DN này đa phần là lao động phổ thông, ít quan tâm đến ATLĐ, vì vậy, hằng năm đã xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc về điện, về thiếu an ATLĐ…

Dù đã có nhiều bài học đắt giá trong việc không tuân thủ ATLĐ cũng như không tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động, nhưng việc đảm bảo ATLĐ vẫn chưa được người sử dụng lao động và người lao động chú trọng.

Hiện nay, dù hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, tuy nhiên, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động vẫn chưa có sự chuyển biến tích cực. Những vụ việc vừa qua cho thấy “lỗ hổng” là các DN chưa có đầy đủ hệ thống an toàn vệ sinh lao động trong DN của mình. Vì không có hệ thống ATLĐ nên DN cũng không thể ban hành được các quy định, quy trình một cách đầy đủ và nghiêm khắc về việc bảo đảm ATLĐ.

ong-dinh-cao-tuan.jpg
Ông Đinh Cao Tuấn

Theo ông Đinh Cao Tuấn, bên cạnh một số DN đã quan tâm đến vấn đề ATLĐ, vẫn còn nhiều DN chỉ làm qua loa, đại khái, mang tính đối phó, nhiều DN khi kiểm tra mới thực hiện. Hầu hết các DN chưa hiểu hết ý nghĩa của ATLĐ và hay “kêu ca” rằng thực hiện ATLĐ rất tốn tiền mà không hiểu nguy cơ nếu xảy ra mất ATLĐ thì số tiền họ bỏ ra còn nhiều hơn nhiều số tiền đầu tư vào ATLĐ từ đầu. Môt số chủ DN tư nhân, DN nhỏ hầu như chỉ quan tâm đến vấn đề lợi nhuận mà không quan tâm hoặc ít quan tâm đến vấn đề ATLĐ.

Vì vậy, việc bảo dưỡng công nghiệp, bảo dưỡng trang thiết bị của DN rất kém, máy móc cũ kỹ, dễ sinh ra cháy nổ, mất an toàn. Vụ 6 công nhân của Công ty Châu Tiến (Nghệ An) tử vong hồi tháng 3 vừa qua do bụi phổi cũng cho thấy, việc đầu tư nguồn lực của DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ cho vấn đề an toàn vệ sinh lao động, phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp vẫn còn khiêm tốn.

ong-pham-tan-bach.jpg
Phạm Tấn Bách

Ông Phạm Tấn Bách - Phó phòng Kinh doanh Công ty Đào tạo và tư vấn an toàn MT cho biết, các DN rất cân nhắc mức chi phí cho các thiết bị ATLĐ, nếu cao họ sẽ không đầu tư. Vì thế, dù những DN xem trọng ATLĐ nhưng việc thực hiện cũng không như mong muốn”.

Đánh giá cao việc vận dụng máy móc thiết bị, công nghệ tự động trong sản xuất sẽ góp phần giải quyết vấn đề ATLĐ. Bởi khi máy móc hiện đại thì việc sử dụng lao động chân tay sẽ giảm và như vậy cũng sẽ giúp giảm TNLĐ, ông Nguyễn Bá Cường - Trưởng phòng An toàn lao động, Tổng công ty Xây dựng Số 1 cho biết: “Các DN nước ngoài rất quan tâm đến ATLĐ và sẵn sàng đầu tư tiền bạc để mua máy móc thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, DN Việt thì nhiều DN nhỏ chưa làm được điều này. Hiện nay, giá máy móc thiết bị đã giảm nhiều so với trước đây, vì vậy DN cần đẩy mạnh đầu tư vào trang thiết bị hiện đại để giảm thiểu tai nạn lao động”.

Về phía quản lý, việc huấn luyện cũng còn hình thức, chưa sát với thực tiển, chưa tập trung vào người lao động. Bên cạnh đó, thời gian tập huấn vệ sinh lao động là bắt buộc và theo chương trình khung quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Song, các khách mời cũng thừa nhận các chương trình huấn luyện tại DN thường chưa đầy đủ cả về thời gian, hình thức, nội dung, chương trình lý thuyết, thực hành và việc kiểm tra sát hạch. Đã vậy, công tác thanh, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động còn mỏng, thực hiện chưa tốt dẫn đến các vi phạm về an toàn vệ sinh lao động chưa được phát hiện, xử lý kịp thời…

Trong tháng 4 và 5/2024 đã liên tiếp xảy ra một số vụ TNLĐ nghiêm trọng trên cả nước (Yên Bái, Đồng Nai, Hà Nội, Quảng Ninh) khiến 18 người chết, 11 người bị thương. Trong đó, đau lòng nhất là vụ nổ nồi hơi làm 6 người chết xảy ra ở Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Gỗ Bình Minh (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).

2. Cấp thiết xây dựng văn hóa an toàn lao động

Xây dựng văn hóa ATLĐ là một trong những giải pháp cấp thiết giúp DN phòng ngừa TNLĐ, hướng đến phát triển bền vững.

Ông Phạm Ngọc Cường cho rằng, văn hóa ATLĐ đã được sử dụng ở nhiều quốc gia. Văn hóa ATLĐ được hiểu là văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trong đó quyền của người lao động được tạo điều kiện làm việc an toàn và vệ sinh. Văn hóa ATLĐ tại nơi làm việc là một bộ phận không thể tách rời tại nơi làm việc và được coi là nền tảng để người lao động yên tâm làm việc, cống hiến, đảm bảo sự phát triển bền vững của DN. Do vậy, môi trường làm việc không chỉ cần an toàn mà người lao động còn cần được đảm bảo thu nhập, đảm bảo nơi ăn chốn ở, đào tạo nghề và đảm bảo sức khỏe vật chất lẫn tinh thần.

“Để đảm bảo ATLĐ, các DN phải áp dụng các biện pháp chế tài cụ thể. Chẳng hạn như khi người lao động không tuân thủ quy định ATLĐ thì không được thưởng, cuối năm không được đánh giá, bình bầu xếp loại… từ đó mọi người sẽ chấp hành nghiêm chỉnh. Bên cạnh đó, DN cũng phải tổ chức các lớp hướng dẫn, rèn luyện kỹ năng ATLĐ cho người lao động.
Chúng tôi đã phối hợp với các trường trung cấp nghề ở Bình Dương đào tạo thợ quảng cáo, trong đó có môn học về ATLĐ.

(Ông Phạm Ngọc Cường - Phó chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM, Giám đốc Công ty Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ quảng cáo Cường Khanh)

ATLĐ là việc cần thực hiện thường xuyên, liên tục, không chỉ gói gọn trong một phong trào hay khoảng thời gian nhất định. Vì chỉ cần vài giây bất cẩn, chủ quan không đảm bảo ATLĐ đều phải trả giá rất đắt. Các chuyên gia và DN đều đồng tình cho rằng, đảm bảo ATLĐ không đơn thuần là những khẩu hiệu suông mà cần được triển khai bằng hành động thiết thực để có thể giảm thiểu được các vụ việc đau lòng như đã xảy ra thời gian qua. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là các DN phải dự báo được các nguy cơ có thể xảy ra mất ATLĐ cũng như bệnh nghề nghiệp đồng thời phải xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về sức khỏe của người lao động.

Các DN SMEs chưa tiếp cận được các quy chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động thì cần thêm sự trợ giúp, hướng dẫn để họ có những hành động đúng, kịp thời. Thậm chí ATLĐ cần trở thành tiêu chí đánh giá DN để họ tự giác kiểm tra, rà soát nội quy, quy trình an toàn vệ sinh lao động trong DN, cơ sở của mình. Từ đó, sớm phát hiện những thiếu sót và nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động.

ong-le-anh-tuan.jpg

“Để đầu tư vào ATLĐ, các DN nhỏ nên tiếp cận các trung tâm hỗ trợ DN vừa và nhỏ (SMEs) để có nguồn vốn, từ đó mạnh dạn mua dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị nhằm nâng cao năng suất, giảm thiểu TNLĐ. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là những hoạt động tuyên truyền để chủ DN hiểu tầm quan trọng của việc đầu tư vào ATLĐ và người lao động trong DN tuân theo.
(Ông Lê Anh Tuấn - Phó trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn lao động TP.HCM)

Ở các nước trên thế giới, công tác đảm bảo ATLĐ được thực hiện bằng cách phân định cụ thể trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm cá nhân và liên đới từng người, từng khâu trong các bộ phận có liên quan nếu để xảy ra mất ATLĐ rất rõ ràng. Lực lượng thanh tra phải đến trực tiếp nơi làm việc của người lao động, khi phát hiện những điểm chưa đảm bảo thì yêu cầu khắc phục ngay. Còn người sử dụng lao động một khi vị phạm quy định pháp luật, không có phương án ATLĐ dẫn đến tai nạn chết người sẽ bị chế tài nghiêm khắc, rút giấy phép hoạt động và thậm chí có thể xử lý hình sự.

Ngay tại Việt Nam, các DN nước ngoài cũng áp dụng chính sách ATLĐ nghiêm ngặt. Ông Nguyễn Bá Cường cho biết, tiêu chuẩn đầu tiên khi làm việc với các DN nước ngoài là phải đáp ứng được yêu cầu về ATLĐ. Bởi chỉ khi đáp ứng được tiêu chí này, các đơn vị thi công trong nước mới được các DN nước ngoài ký hợp đồng.

ong-nguyen-ba-cuong.jpg
Ông Nguyễn Bá Cường

Vậy nên, nhất thiết phải có các chương trình tuyên truyền song song với biện pháp chế tài đủ mạnh. “Sở Lao động - Thương bình và Xã hội TP.HCM cần kết hợp với Phòng Kinh tế của từng quận - huyện và TP. Thủ Đức, các hội đoàn tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền để DN nắm bắt và nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của ATLĐ trong DN. Khi DN hiểu được tầm quan trọng của việc đảm bảo ATLĐ cũng như lợi ích của việc đầu tư vào vấn đề này, họ sẽ tích cực tham gia”, ông Cường đề xuất.

Để thay đổi nhìn nhận của DN về ATLĐ, cần thay đổi nhận thức của người đứng đầu DN, ông Đinh Cao Tuấn nhấn mạnh: “Người chủ DN phải hiểu rõ và đánh giá được tầm quan trọng của ATLĐ để đầu tư, tạo môi trường làm việc an toàn. Tại các công ty có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), người lao động được đảm bảo đầy đủ phúc lợi, có môi trường làm việc văn minh, sáng tạo nên họ rất tuân thủ các quy định về ATLĐ. DN trong nước nên học hỏi những điều này từ nhà đầu tư ngoại”.

Các khách mời cũng đề nghị cơ quan nhà nước ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sạch, sử dụng công nghệ, trang thiết bị hiện đại… Thành phố nên có cơ chế khuyến khích các DN đầu tư, đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, sử dụng công nghệ sạch, góp phần cải thiện môi trường lao động, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Ông Đinh Cao Tuấn thông tin thêm, hằng năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ vào thực trạng và tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xây dựng chủ đề chung của Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động. Tháng 5 này, Chủ đề tháng là “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”.

Mục tiêu của chủ đề là tăng cường, đa dạng hóa các hoạt động thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức về đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho người lao động, đẩy mạnh triển khai các chương trình hành động cụ thể về đảm bảo An toàn và Vệ sinh lao động, phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ, giảm căng thẳng tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng môi trường làm việc an toàn - xanh - sạch - đẹp - thân thiện….

ong-le-tan-nam.jpg

“Để đảm bảo ATLĐ, có thể nhập máy móc thiết bị chuyên dụng trị giá vài trăm ngàn đô, tổ chức cho người lao động khám sức khỏe định kỳ… Đây là những điều rất khó thực hiện với các DN nhỏ và vừa của Việt Nam hiện nay. Riêng tôi, để tránh xảy ra các rủi ro trong lao động, chúng tôi cũng thường xuyên mời các DN tư vấn, đào tạo để huấn luyện cho người lao động tuân thủ các vấn đề ATLĐ”.
(Ông Lê Tấn Nam - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 12, Giám đốc Công ty CP XD Công trình Điện phía Nam)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xây dựng môi trường lao động an toàn cho doanh nghiệp, TP.HCM cần làm gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO